Đề xuất dành 30-50% tiền đấu giá biển số xe cho CSGT mua sắm thiết bị

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đấu giá biển số ôtô, xe máy, Thứ trưởng Bộ Tài chính kiến nghị làm cho được, sau đó dành ít nhất 30-50% tiền đấu giá cho CSGT mua sắm thiết bị.

Sáng 13/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp của Tổ công tác Thủ tướng làm việc với 9 bộ để đôn đốc tình hình triển khai nhiệm vụ Thủ tướng giao trong năm 2019, đăng ký kế hoạch công tác năm 2020.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh môi trường đầu tư của ta rất thuận lợi, đặc biệt là không khí hứng khởi sau khi có kết quả cao ở SEA Games 30, với 98 huy chương vàng toàn đoàn, trong đó có 2 huy chương vàng của bóng đá nam và bóng đá nữ.

Tổ trưởng Tổ công tác truyền đạt lời Thủ tướng yêu cầu các bộ rà soát hết chương trình đề án được giao trong năm 2019 cũng như các nhiệm vụ với thái độ nghiêm túc, cam kết rõ ràng để thấy những việc đang chậm tiến độ.

Đấu giá biển số xe để tăng ngân sách

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhắc đến Đề án liên quan đến quy định đấu giá biển ôtô, xe máy dù đã đề ra mấy năm rồi, đến nay vẫn chưa thực hiện được. Đặt câu hỏi làm sao để tổ chức đấu giá được, ông Tuấn cho rằng nếu thực hiện tốt ít nhất nên dành ra 30-50% cho chính lực lượng cảnh sát giao thông để mua sắm thêm trang thiết bị kiểm soát an toàn giao thông, số tiền còn lại thì để vào quỹ người nghèo.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề xuất dành 30-50% tiền đấu giá biển số xe cho CSGT mua sắm trang thiết bị. Ảnh: Sơn Hà.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề xuất dành 30-50% tiền đấu giá biển số xe cho CSGT mua sắm trang thiết bị. Ảnh: Sơn Hà.

Về đề án mở rộng cấp biển đăng ký ôtô, xe máy, ông Tuấn cho hay hiện ôtô cấp mới mỗi năm 360.000-400.000 phương tiện, trong đó cấp đổi khoảng 60.000 xe; xe máy một năm cấp mới 2 triệu xe, cấp đổi hơn 200.000 xe. “Hiện nay các địa phương làm thủ công nhiều, luân chuyển chứng từ giữa cơ quan thuế, kho bạc, công an. Chúng tôi nhất trí làm sao thực hiện trực tuyến công mức độ 4, ít nhất năm 2020 ở các đô thị”, ông Tuấn nói và nhấn mạnh việc này rất quan trọng với người dân.

Với việc khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia ít ngày trước, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ghi nhận Bộ Công an, Cục CSGT đã tham gia tích cực và có những hỗ trợ lớn trong việc đổi GPLX hay cấp GPLX quốc tế. Ông nhắc đến mục tiêu hướng đến đổi GPLX cấp độ 4, có kết nối với y tế để xác nhận giấy khám sức khỏe, sau đó tính đến đấu giá biển số ôtô, xe máy hay đăng ký thu phí, lệ phí ôtô, xe máy.

Nhấn mạnh việc đấu giá biển số xe rất quan trọng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đã làm việc với lãnh đạo Bộ Công an và thống nhất sẽ đẩy nhanh tiến độ việc này, đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ông kỳ vọng việc này sẽ giúp tăng ngân sách cũng như tăng cường đầu tư cho CSGT.

Theo Bộ trưởng, Cổng dịch vụ công quốc gia khai trương chiều 9/12 nhưng đến 4h chiều 11/12 đã có 2,3 triệu người truy cập. Sau gần một ngày, có 1.358 hồ sơ xử lý qua cổng dịch vụ công, trong đó có 581 hồ sơ liên quan cấp điện trung áp, hạ áp và 693 liên quan đổi GPLX cùng hàng nghìn hồ sơ đã được xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Các bộ không được lấn sân, ôm đồm kéo lợi ích về mình

Góp ý về cơ chế chính sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn dẫn chứng Đề án Chính phủ điện tử. Ông Tuấn nói “rất buồn” khi nghe lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu về vấn đề tài chính, vì công nghệ và kế hoạch triển khai thực hiện đều sẵn sàng nhưng lại vướng về tài chính, dẫn đến tình trạng “có tiền mà không tiêu được”.

Hay liên quan đến Nghị quyết 17 của Trung ương chuẩn bị cho chiến lược cải cách tiền lương, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng không thể không có đề án sửa cơ chế để một số đơn vị hành chính có thể hoàn toàn tự chủ tài chính như doanh nghiệp.

“Từ 2020 phải sửa thể chế, vì luật pháp hiện nay chưa cho phép những đơn vị hành chính xử lý tiền lương như doanh nghiệp và dùng nguồn đó để đầu tư”, ông Tuấn giải thích.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ không lấn sân, không ôm đồm để kéo lợi ích. Ảnh: Nhật Bắc.

Cũng nhắc đến vấn đề cơ chế, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn chứng Nghị định kết nối chia sẻ, trong đó quy định nếu có trục trặc gì phải báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông. Ông Dũng đề nghị nêu cao trách nhiệm chủ cơ sở dữ liệu ở địa phương, chứ không phải báo cáo lên bộ.

“Bộ yêu cầu phải báo cáo nhưng bộ không có sức làm cho cả nước. Đề nghị rõ trách nhiệm chứ không làm lấn sân hoặc ôm đồm kéo về bộ”, ông Dũng nói.

Ông cũng nhắc đến câu chuyện nhập một chiếc radar về cảng mà 2 bộ cùng xuống kiểm tra, nhưng ông mạnh dạn đề xuất Thủ tướng không cần bộ nào xuống kiểm tra cả.

“Anh em phản ánh Chính phủ nói thế nhưng các cục, vụ của bộ ‘vẫn có cách’. Tôi sẽ đề nghị giám sát chặt chỗ này vì làm như vậy là không được, cứ kéo về bộ và rất lợi ích thế là không được”, Tổ trưởng Tổ công tác kiên quyết.

Theo ông, Chính phủ đưa nghị quyết rồi nên phải rõ ràng, không để người dân, doanh nghiệp tốn kém về thời gian, tiền bạc.

Hoài Thu - Sơn Hà

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/de-xuat-danh-30-50-tien-dau-gia-bien-so-xe-cho-csgt-mua-sam-thiet-bi-post1024912.html