Đề xuất đầu tư một số tuyến đê bảo đảm yêu cầu chống lũ thiết kế

Trong nội dung Công văn số 1532/SNN-ĐĐ, ban hành ngày 25-5, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề xuất danh mục công trình đê điều cần đầu tư bảo đảm yêu cầu chống lũ thiết kế.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trên cơ sở báo cáo đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước lũ năm 2020 và qua kiểm tra, đánh giá và quá trình theo dõi, quản lý cũng như thực tế xử lý sự cố đê điều trong các mùa lũ trên các tuyến đê thành phố Hà Nội, Sở NN&PTNT đã xác định còn 4 trọng điểm và 12 điểm xung yếu phòng chống lụt bão năm 2020 cần được quan tâm, theo dõi.

Để bảo đảm an toàn đê điều, nhằm xóa bỏ trọng điểm, điểm xung yếu, Sở NN&PTNT đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí thực hiện đầu tư một số dự án. Cụ thể, theo Quyết định số 257/QĐ-TTg, ngày 18-2-2016, của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, về giải pháp công trình để phòng, chống lũ. Cụ thể, chỉnh trị cửa sông Đuống, trong đó, xây dựng công trình chỉnh trị, điều tiết đoạn cửa vào sông Đuống để khống chế, ổn định tỷ lệ phân lưu mùa lũ từ sông Hồng sang sông Đuống ở mức 30 - 32%. Trước mắt, cần sớm được triển khai nhằm khắc phục sự cố, xóa bỏ trọng điểm xung yếu. Tổng kinh phí thực hiện các hạng mục công trình này khoảng 416,286 tỷ đồng.

Sở NN&PTNT cũng đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc (giai đoạn 1), gồm: Xây dựng cống lấy nước tại K52+626 đê hữu Hồng với lưu lượng thiết kế 72m3/giây, hình thức cống ngầm; xây dựng trạm bơm Liên Mạc công suất 70m3/giây cạnh cống lấy nước Liên Mạc với các hạng mục nhà máy, bể hút, bể xả, cống xả qua đê, kênh dẫn ra sông Nhuệ; tổng kinh phí thực hiện khoảng hơn 3.635 tỷ đồng.

Hỗ trợ đầu tư, nâng cấp các tuyến đê hiện trạng chưa bảo đảm mặt cắt thiết kế (đê thấp, mảnh) theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg, ngày 7-10-2014, của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Xây mới 50km đê hữu Đáy đoạn từ K18+422 đến cống Thụy Hương, dài 8,8km, bảo vệ khu đô thị Chúc Sơn; đoạn từ cống Thụy Hương đến hết địa phận Hà Nội dài 40,3km; tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí củng cố, nâng cấp các tuyến đê: Đê hữu Bùi, kinh phí 380 tỷ đồng; đê tả Mỹ Hà, kinh phí 224 tỷ đồng.

TQ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/de-xuat-dau-tu-mot-so-tuyen-de-bao-dam-yeu-cau-chong-lu-thiet-ke-194640.html