Đề xuất dạy thêm, học thêm trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Vừa qua, Bộ GDĐT đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong năm 2021. Ngay lập tức, vấn đề này được dư luận “mổ xẻ”, tranh luận gay gắt. Người nhiệt thành ủng hộ; người băn khoăn, phản đối. Đây là nỗi trăn trở khiến các thầy, cô giáo đau đầu, các bậc phụ huynh rối trí…

Hiện nay, vẫn có nhiều nhà giáo bằng cả tấm lòng, đã tự nguyện mở lớp dạy học miễn phí cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. (Trong ảnh: Lớp học miễn phí của bà giáo Nguyễn Thị Tính ở tổ dân phố 1, phường Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên). Ảnh: Trà Hương

Nhiều ý kiến trái chiều

Thực ra, đề xuất trên của Bộ GDĐT không phải là mới. Được biết, trước khi Luật Đầu tư năm 2016 được sửa đổi thì dạy thêm, học thêm vẫn thuộc danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Sau khi bị đưa ra khỏi danh mục trên thì tại Thông tư số 17 của Bộ GDĐT vẫn còn hiệu lực đối với Điều 4 quy định các trường hợp không được dạy thêm; Điều 5 quy định về tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường; Điều 7 quy định thu và quản lý tiền học thêm. Đây là cơ sở để các nhà trường và địa phương quản lý hoạt động này.

Tuy nhiên, cũng từ đây, việc dạy thêm, học thêm bên ngoài nhà trường bắt đầu nảy sinh nhiều bất cập, thậm chí có nơi tồn tại những tiêu cực nhưng cơ quan chức năng khó có căn cứ để xử lý.

Nhằm đảm bảo cho công tác quản lý các cơ sở dạy thêm, học thêm, Bộ GDĐT tiếp tục đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong năm 2021 như đã đề cập ở trên.

Thời gian qua, nhiều bậc phụ huynh đã có ý kiến bày tỏ sự bức xúc khi cho rằng, Bộ GDĐT đã chủ trương việc thương mại hóa giáo dục, tổ chức mua bán chữ sẽ khiến trường học biến thành nơi kinh doanh. Điều này là không thể chấp nhận?!.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, căn cơ của những ý kiến như trên xuất phát từ cụm từ “ngành nghề kinh doanh”. Theo đó, nhiều người hiểu theo nghĩa lấp lửng rằng, việc dạy học trở thành một nghề để mua bán.

Trong khi, “ngành nghề kinh doanh có điều kiện” phải được hiểu là quy định về những điều kiện cụ thể cho hoạt động này; từ đó, các cơ quan chức năng có cơ sở để bám sát trong công tác quản lý, thanh, kiểm tra, xử lý khi phát hiện vi phạm, tiêu cực trong công tác dạy thêm, học thêm.

Sâu xa hơn, hoạt động dạy thêm, học thêm tràn lan trong nhiều năm qua bên cạnh những hiệu quả tích cực thì cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, khiến nhiều phụ huynh học sinh không khỏi bức xúc. Rõ ràng Bộ GDĐT quy định, không tổ chức dạy thêm, học thêm đối với khối tiểu học.

Thế nhưng, thực tế thì từ lớp đầu tiên của bậc tiểu học cho đến học sinh cuối cấp phổ thông đều chạy đua với dạy thêm, học thêm. Không chỉ riêng học sinh chạy sô, mà bố mẹ cũng phải sắp xếp thời gian đuổi theo lịch học thêm của con để phục vụ đưa đón.

Học trên trường, học ở nhà, học tại trung tâm, rồi đến học ở nhà riêng của thầy, cô giáo... nhiều học sinh không có thời gian nghỉ xả hơi giữa các ca học, bữa ăn chính cũng bị thay thế bởi các loại đồ ăn nhanh, ăn tạm để tiết kiệm thời gian. Con cái quay cuồng trong lịch học; bố mẹ quay cuồng trong những khoản tiền đóng cho con. Còn kiến thức tiếp nhận đến đâu, con tiến bộ ra sao… đó lại là một câu chuyện khác.

Cần cái nhìn đúng đắn, khách quan

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, cũng cần ghi nhận những đóng góp tích cực từ công tác dạy thêm, học thêm; bởi, hoạt động này xuất phát từ nhu cầu chính đáng, cần thiết của người học và người dạy; học để được phụ đạo, củng cố kiến thức trên lớp; học để mở rộng, nâng cao so với kiến thức đại trà. Học để mở rộng vốn ngoại ngữ, tin học, tự tin hội nhập...

Khi có nhu cầu, người học tự tìm kiếm cho mình cơ sở học thêm uy tín, chất lượng, có mức học phí phù hợp với điều kiện. Về phía người dạy, có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện để tổ chức dạy học sao cho đạt chất lượng cao nhất, truyền đạt kiến thức bằng tất cả tâm huyết, khả năng của mình; chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về dạy học thêm.

Chị Nguyễn Thị Trâm có con đang theo học lớp 10, Trường THPT Sáng Sơn 2, huyện Sông Lô chia sẻ: “Trong thời gian con chuẩn bị thi chuyển cấp, lo lắng lực học của con hạn chế nên tôi đã hỏi thăm nhiều nơi dạy thêm để gửi con theo học nhằm củng cố kiến thức kịp thời.

Tuy nhiên, ở vùng nông thôn chúng tôi nếu lên các trung tâm đăng ký học thì đi lại xa xôi, khó khăn. Vì vậy, tôi tìm đến các thầy, cô giáo xin cho con theo học, nhưng đâu cũng đông học sinh, nên không nhận nữa. Thế là đành xuống nước năn nỉ, nói khó với một cô giáo mới đăng ký được cho con. Chúng tôi đều làm nông, kiến thức, hiểu biết hạn chế; việc con học hành đều trông chờ cả vào sự dạy dỗ của thầy, cô giáo. Nếu học ở lớp chưa tiếp thu được tốt thì tôi cũng mong thầy, cô giáo tổ chức các buổi dạy thêm để củng cố kiến thức cho học sinh”.

Mỗi dịp nghỉ hè, các lớp dạy thêm được gọi với cái tên “36 buổi” dành cho học sinh mầm non chuẩn bị vào lớp 1 rất đông học viên nhí. Với mức học phí xấp xỉ 4 triệu đồng, nhiều phụ huynh sẵn sàng chi để con được nhận vào “lò” rèn đọc, rèn viết. Hoàn toàn không ai ép buộc để họ đưa con đến đăng ký, mà đơn giản chỉ là bố mẹ sốt sắng với chuyện học của con, muốn chuẩn bị cho con hành trang tốt nhất để bước vào giai đoạn học tập mới.

Còn có hay không chuyện giáo viên đứng lớp “mớm” học sinh đến với “lò luyện” của mình, hoặc tình trạng cố tình dạy không hết nội dung chính khóa để dành cho các buổi giảng ở lớp học thêm; đề kiểm tra chỉ có các em đi học thêm mới đạt được điểm cao? Về vấn đề này, đồng chí Trịnh Văn Mừng, Trưởng Phòng Giáo dục phổ thông, Sở GDĐT cho biết: “Chương trình dạy trên lớp đối với từng môn, từng giáo viên đã được phê duyệt bởi tổ chuyên môn, hội đồng sư phạm nhà trường.

Chất lượng giáo dục của lớp gắn với đánh giá thi đua của từng giáo viên. Thế nên, không có chuyện giáo viên đứng lớp muốn dạy gì cũng được, hoặc để lại những nội dung quan trọng về dạy “ở nhà”.

Cũng không có chuyện học sinh đi học thêm thì được cho điểm cao, hoặc trúng tủ đề kiểm tra nên đạt điểm cao. Bởi điểm số mà nhà trường đánh giá không khẳng định được chất lượng thực.

Hằng năm, Sở GDĐT có những cuộc kiểm tra, khảo sát chất lượng hoàn toàn độc lập. Từ điểm của bài kiểm tra này, đối sánh với kết quả của nhà trường với đánh giá của giáo viên, nếu tỷ lệ vênh điểm càng cao, thì nhà trường sẽ bị trừ điểm thi đua càng nhiều. Bởi vì chưa đánh giá sát và thực chất chất lượng”.

Trước đề xuất đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đồng chí Trịnh Văn Mừng cho biết thêm: "Hoạt động dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng, tích cực. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắng thừa nhận là chúng ta chưa thể kiểm soát triệt để những tiêu cực do việc lợi dụng dạy thêm, học thêm.

Và thời gian qua, qua công tác thanh, kiểm tra, Sở GDĐT cũng đã có những nhắc nhở, xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Với đề xuất đưa dạy thêm, học thêm trở lại ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đây là vấn đề cần thiết, nhằm quy định cụ thể, rõ ràng cho hoạt động dạy học thêm ngoài nhà trường; từ đó, hoạt động quản lý dạy thêm, học thêm được bài bản hơn; công tác dạy thêm, học thêm đạt yêu cầu, mục đích của người theo học. Đồng thời, giáo viên có điều kiện để phát huy năng lực nghề nghiệp một cách công khai, chính đáng".

Hoàng Cúc

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/giao-duc/71617/de-xuat-day-them-hoc-them-tro-thanh-nganh-nghe-kinh-doanh-co-dieu-kien.html