Đề xuất đưa sách hay đến tay độc giả

Các chuyên gia đầu ngành và đại diện các đơn vị xuất bản kỳ vọng Giải thưởng Sách Quốc gia sẽ góp phần đưa sách hay đến gần hơn với độc giả và lan tỏa văn hóa đọc.

Hàng năm, giới xuất bản làm ra nhiều đầu sách hay, nhưng không phải sách hay nào cũng được đông đảo bạn đọc biết đến. Giới làm sách kỳ vọng sau lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 6 năm 2023 (đã diễn ra vào cuối tháng 12), nhiều sách hay sẽ đến tay bạn đọc.

Câu chuyện truyền thông giải sách và quảng bá sách đoạt giải là điều được giới xuất bản quan tâm.

Chia sẻ với Tri thức - ZNews, các chuyên gia đầu ngành và đại diện các đơn vị xuất bản góp ý Giải thưởng sách nên đa dạng hóa các phương thức truyền thông, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xuất bản và đưa Giải thưởng về sâu rộng các địa phương, đến gần với độc giả.

Tăng cường truyền thông, hợp tác với các đơn vị xuất bản

Đại diện các đơn vị làm sách gợi ý Giải thưởng có thể cập nhật các xu thế truyền thông để thu hút thêm sự quan tâm của độc giả và công chúng.

Các tác giả, dịch giả, đại diện đơn vị xuất bản, người làm sách tại Lễ Trao giải Sách quốc gia lần thứ 6. Ảnh: Việt Linh.

Ông Nguyễn Xuân Minh - Giám đốc Kế hoạch - Bản quyền Nhã Nam - nhận định để phát huy truyền thống các năm qua và làm tốt hơn nữa, Giải thưởng cần mở rộng kênh truyền thông, đặc biệt là tận dụng ưu thế của các mạng xã hội. Đồng thời, ban tổ chức nên tăng cường hợp tác với các cơ quan báo chí, truyền thông, các đơn vị xuất bản để tổ chức các sự kiện bên lề giải thưởng như ra mắt sách, booktalk, hoặc các hoạt động để chính độc giả đề cử sách tranh giải… giúp giải tăng độ nhận diện và hấp dẫn.

Bà Trần Hoài Phương, Giám đốc Omega Plus, đề xuất nên có một trang web riêng để lưu trữ thông tin về giải thưởng theo thời gian và để truyền thông một cách tập trung. Giải thưởng cần tăng cường truyền thông qua nhiều vòng, với sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của các đơn vị xuất bản. Ngày Sách Việt Nam 21/4 nên có chương trình đưa các tác giả, dịch giả, đại diện nhà xuất bản có sách đoạt giải về rộng khắp địa phương để giao lưu, trò chuyện.

Bà Phương và ông Minh cùng chia sẻ quan điểm rằng để giải thưởng sách đến gần hơn với độc giả, có thể tạo thêm hạng mục sách được yêu thích nhất cho độc giả bình chọn.

Sách đoạt giải cần được hỗ trợ phát hành và giới thiệu đến độc giả

Các chuyên gia và đại diện các đơn vị làm sách góp ý rằng để cuốn sách sau khi đoạt giải có một đời sống sinh động, Giải thưởng cần chú trọng đến các hình thức quảng bá chuyên sâu, rộng rãi và đặc biệt là có cách hỗ trợ sách tăng lượng phát hành.

GS Nguyễn Khoa Sơn - thành viên ban giám khảo Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 6 - chia sẻ về tính đặc thù của dòng sách Khoa học Tự nhiên và Công nghệ.

Theo ông, trừ các sách phổ biến kiến thức khoa học và sách giáo trình, các sách khoa học tự nhiên và công nghệ, đặc biệt là sách chuyên khảo khi tham gia giải muốn đạt tiêu chí về tính khoa học, tính mới và có tính thực tiễn cao tất yếu phải tập trung vào chủ đề chuyên sâu, phải trình bày và cập nhật các kết quả nghiên cứu mới nhất và phương pháp nghiên cứu hiện đại nhất. Do đó dòng sách này thường chỉ thích hợp với các đối tượng độc giả là các nhà chuyên môn, các nhà khoa học và các giảng viên trong các lĩnh vực nghiên cứu liên quan.

Các tác giả, dịch giả, đại diện nhà xuất bản nhận bằng khen và kỉ niệm chương tại Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 6. Ảnh: Việt Linh.

Loại sách này “kén” độc giả, nói đúng hơn là có ít độc giả hơn so với mảng sách khác. Tuy nhiên, điều đó không hề làm giảm tầm quan trọng, giá trị đối với cuộc sống của mảng sách khoa học tự nhiên và công nghệ.

GS Nguyễn Khoa Sơn chia sẻ với Tri thức - Znews, các sách khoa học tự nhiên và công nghệ sau khi đoạt giải cũng rất cần được giới thiệu rộng rãi đến bạn đọc, để những người quan tâm có thể biết và tìm đến tác phẩm, còn những người ngoài chuyên môn cũng có thêm các thông tin và kiến thức chung bổ ích. Đương nhiên việc giới thiệu tác phẩm này cần phải được trình bày một cách phù hợp, thích hợp cho đối tượng độc giả rộng rãi nhất có thể.

Ông đề xuất rằng các sách đoạt giải nên được giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện phát thanh-truyền thông, các chương trình về sách. Ngoài ra, có thể khuyến khích tài trợ hoặc hỗ trợ các sách đoạt giải tăng lượng phát hành hoặc tái bản.

Bà Trần Hoài Phương chia sẻ với những dòng sách tri thức rường cột của quốc gia, khi xuất bản cần đến nguồn kinh phí lớn nhưng đổi lại đối tượng độc giả hẹp, sách khó bán. Do đó, để động viên, khuyến khích các đơn vị xuất bản tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh hơn nữa công tác xuất bản những cuốn sách quan trọng với sự phát triển của đất nước, xã hội này, Giải thưởng Sách Quốc gia nên có thể có thể đặt hàng trước sách.

Bà Nguyễn Minh, Tổng biên tập Thái Hà Books, cho rằng sách được giải là sách có giá trị, nên mỗi thư viện, trường học trên cả nước cần được lưu giữ những cuốn sách này, để các em học sinh, sinh viên… có thể tiếp cận được.

Trao đổi với Tri thức - Znews về công tác quảng bá sách đoạt giải, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam ,chia sẻ Giải thưởng năm nay đã xét đến tính lan tỏa của cuốn sách dựa trên các tiêu chí lượng phát hành, báo chí, thông tin trên mạng xã hội, đánh giá của người chấm và khả năng truyền thông nếu sách được giải.

Ông cũng cho biết ban tổ chức Giải thưởng đã tính toán về kế hoạch quảng bá sách sau lễ trao giải. Theo đó Hội Xuất bản đã có kế hoạch kết hợp chặt chẽ với giới truyền thông, không chỉ các cơ quan báo chí mà cả các đơn vị mạng xã hội.

Hội Xuất bản đồng thời sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động trưng bày sách, hội sách quốc tế, nhiều hoạt động, sự kiện xung quanh sách, tiếp tục tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc cùng nhiều sự kiện quan trọng khác. Ngoài ra, Hội Xuất bản đang xây dựng các phương án giới thiệu sách đoạt giải tại các triển lãm, kỳ vọng tạo lập niềm vui, thói quen đọc sách của giới trẻ, nhất là sinh viên.

Tâm Anh

Việt Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/de-xuat-dua-sach-hay-den-tay-doc-gia-post1451848.html