Đề xuất dừng công nghệ 2G từ năm 2022

Dừng công nghệ 2G là biện pháp chủ động tác động quan trọng giúp đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, đưa 100% người dân Việt Nam thành công dân điện tử, giúp doanh nghiệp viễn thông giảm chi phí vận hành công nghệ cũ, giúp phát triển nhà sản xuất thiết bị trong nước, phổ cập dịch vụ chính phủ điện tử…

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 diễn ra vào ngày 3/10/2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, Bộ đang nghiên cứu phương án sớm tắt sóng công nghệ 2G. 100% người Việt Nam có điện thoại thông minh sẽ là một yếu tố quan trọng thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia.

Tại Hội nghị Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 diễn ra ngày 28/12/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông đã chính thức đưa ra đề xuất và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cho phép dừng công nghệ 2G từ năm 2022. Đây là một trong 4 nhóm giải pháp để thúc đẩy phát triển hạ tầng, dịch vụ viễn thông trong năm 2020 nhằm đáp ứng được nhu cầu với hạ tầng viễn thông giai đoạn tới vốn rất cao, đặc biệt để phát triển mạng 5G và các hạ tầng số.

Dừng công nghệ 2G là biện pháp chủ động tác động quan trọng giúp đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, đưa 100% người dân Việt Nam thành công dân điện tử...

Dừng công nghệ 2G là biện pháp chủ động tác động quan trọng giúp đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, đưa 100% người dân Việt Nam thành công dân điện tử...

Đưa ra đề xuất tắt sóng 2G, theo Cục Viễn thông, đây là biện pháp chủ động tác động quan trọng giúp đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, đưa 100% người dân Việt Nam thành công dân điện tử, giúp Doanh nghiệp viễn thông giảm chi phí vận hành công nghệ cũ, giúp phát triển nhà sản xuất thiết bị trong nước, phổ cập dịch vụ chính phủ điện tử…

Để có thể tiến hành tắt sóng 2G, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành lộ trình cụ thể như thời điểm dừng nhập khẩu thiết bị 2G; Xây dựng và triển khai các gói khuyến khích chuyển đổi; Sản xuất thiết bị handset trong nước và chuẩn bị chương trình hỗ trợ chuyển đổi đầu cuối…

Việc cấp tần số để nâng cao dung lượng cho mạng 4G thông qua đấu giá băng tần 2,6GHz, 700MHz; Giải phóng các băng tần có thể sử dụng cho 4G, 5G trong tương lai cũng là một đề xuất được đưa ra giúp Việt Nam nhanh chóng nâng chất lượng dịch vụ lên ngang tầm thế giới, nâng cao thứ hạng.

Trong năm 2019, một số doanh nghiệp Viễn thông đã được cấp phép thử nghiệm 5G. Đề xuất của Cục Viễn thông trong giai đoạn tiếp theo đó là cấp phép triển khai thương mại 5G, trước mắt là dịch vụ băng rộng tốc độ cao, ở các khu vực đô thị, khu công nghiệp có nhu cầu, mật độ cao. Đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong triển khai dịch vụ 5G.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị hạ tầng cho kinh tế số, xã hội số, triển khai chuyển đổi số quốc gia, trong năm 2020 cần tập trung thúc đẩy phát triển các hạ tầng số quan trọng như hạ tầng điện toán đám mây (cloud) trong nước. Xây dựng chương trình ứng dụng cloud cho chính phủ điện tử với các tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm an toàn an ninh thông tin cao nhất, sử dụng các giải pháp nội địa, tự làm chủ. Đưa tỷ lệ giải pháp nội địa từ khoảng 18% hiện nay lên >25% trong năm 2020, đạt doanh thu các giải pháp nội địa khoảng 80 triệu USD, tốc độ tăng trưởng đạt 40%.

Với hạ tầng IoT, thúc đẩy triển khai dịch vụ IoT trên nền mạng viễn thông di động toàn quốc thông qua việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, khung hướng dẫn đảm bảo ATTT, cấp phép triển khai thực tế các công nghệ IoT tiên tiến như NB-IoT, LTE-M… để làm nền tảng phát triển các dịch vụ nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, đô thị thông minh…

Với hạ tầng tài chính điện tử, thúc đẩy tài chính toàn diện, thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc hướng dẫn 3 doanh nghiệp viễn thông triển khai thí điểm dịch vụ mobile money với > 100.000 điểm phục vụ; 5 triệu tài khoản; Đạt doanh thu khoảng 10.000 tỷ/năm.

Phạm Lê

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/tin-noi-bat-3/202001/de-xuat-dung-cong-nghe-2g-tu-nam-2022-ba22dbf/