Đề xuất giải thể 200 ban ở TP.HCM: Sẽ hết cảnh 'ngồi chơi xơi nước'

Sở Nội vụ TP.HCM vừa đề xuất giải thể gần 200 ban Chỉ đạo tại TPHCM. Đây được cho là một việc làm cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Chia sẻ với PV, ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc sở Nội vụ TP.HCM cho biết, theo thống kê sơ bộ của sở Nội vụ, hiện TP.HCM có khoảng 200 ban chỉ đạo, ủy ban, tổ công tác, tổ liên ngành.. gọi chung là ban Chỉ đạo. Việc tồn tại nhiều ban chỉ đạo có thể do nguyên nhân từ thời lãnh đạo cũ lập ra nhưng nhiều ban hoạt động không hiệu quả.

Cũng theo ông Trung, việc thành lập ban Chỉ đạo có sự cần thiết nhất định, dựa trên chỉ đạo của Trung ương như ban Chỉ đạo về Cải cách hành chính, ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại…. Muốn thành lập ban Chỉ đạo, sở, ban, ngành quận, huyện phải đề xuất với UBND TP. Sau khi đồng ý, sở Nội vụ có trách nhiệm tổ chức bộ máy, có một số ban Chỉ đạo có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban, Phó Giám đốc chuyên môn sở làm chuyên môn, Giám đốc các sở ngành liên quan làm ủy viên…

Mỗi sở, ngành, quận, huyện nếu phát huy hết trách nhiệm, chức năng quản lý Nhà nước của mình thì không cần lập ban Chỉ đạo. Chẳng hạn, sở Tài nguyên Môi trường, phòng Tài nguyên Môi trường, nếu làm hết chức năng của mình thì không cần lập ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, ban Thu hồi đất… Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm, chứ không phải lập ban Chỉ đạo, hội đồng để xin ý kiến, khi có chuyện xảy ra lại né trách nhiệm, đùn đẩy cho tập thể…

Người dân đến làm thủ tục tại cơ quan hành chính Nhà nước tại TP.HCM (Ảnh: Lành Nguyễn).

Người dân đến làm thủ tục tại cơ quan hành chính Nhà nước tại TP.HCM (Ảnh: Lành Nguyễn).

Hiện, TP.HCM có 200 ban Chỉ đạo, nhưng chỉ có khoảng 20 ban Chỉ đạo hoạt động hiệu quả. Chẳng hạn như sở Tư pháp lập hội đồng Phổ biến pháp luật từ năm 1998; ban Chỉ đạo Cải cách thủ tục hành chính do sở Nội vụ chủ trì, thường xuyên tư vấn, kiểm tra hoạt động của các sở, ngành, quận, huyện về nhiều khía cạnh như công khai, minh bạch, đúng hẹn trong giải quyết thủ tục hành chính.

Trong khi đó, nhiều ban lập ra không có kế hoạch, nề nếp sinh hoạt, không tồn tại được. Trưởng ban Chỉ đạo không phát huy hết trách nhiệm, không có họp định kỳ, không triển khai chương trình thực hiện cụ thể cho Ban, dẫn tới thành lập xong để đó.

Ông Trung khẳng định: “Việc giải thể 200 ban Chỉ đạo tại TP không hề đơ giản, gây nhiều tranh cãi trong các sở, ban, ngành. Tuy nhiên, qua đề xuất của sở Nội vụ, UBND TP đã chấp thuận chủ trương. Nhưng bỏ ban nào, duy trì ban nào, lại thuộc thẩm quyền của Thường trực UBND TP. Theo quan điểm cá nhân của tôi, trong lộ trình cải cách hành chính, việc giải thể những ban Chỉ đạo không hoạt động không hiệu quả là rất cao”.

Bên cạnh đó, theo ông Trung, TP đang có chủ trương áp dụng các chương trình liên thông một cửa điện tử thì không cần ban Chỉ đạo, hội đồng.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Lưu, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho rằng, việc này, TP cần phải rà soát, xem xét lại thật kỹ và thống kê con số cụ thể.

Tại huyện Nhà Bè, các ban Chỉ đạo vẫn đang hoạt động hiệu quả. Chẳng hạn như ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng. Nếu giải thể, bắt buộc phải có nhân sự thuộc phòng Tài nguyên Môi trường thay thế. Trong khi đó, theo quy định, mỗi phòng, ban tại các quận, huyện đều được giao chỉ tiêu nhân sự nhất định, nhiệm vụ cụ thể. Nếu tiếp nhận công việc mới, đòi hỏi phòng phải bổ sung thêm nhân sự để giải quyết công việc. Do vậy, khi đề xuất giải thể, phải xem xét kỹ, đánh giá hoạt động của Ban rồi mới đưa ra đề xuất”.

Cơ quan hành chính tiếp nhận xử lý hồ sơ (Ảnh minh họa).

Theo tiến sĩ xã hội học Trương Văn Vỹ, giảng viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM: “Đề xuất giải thể 200 ban Chỉ đạo của sở Nội vụ TP.HCM là rất quan trọng. Vì nó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Nhà nước. Giảm số người hưởng ngân sách Nhà nước, bộ máy hành chính tinh gọn hơn… Tuy nhiên, để thực hiện được việc này tôi cho rằng rất khó khăn”.

“Vì những nhân sự thuộc cơ quan Nhà nước nếu đột xuất cho nghỉ việc, ảnh hưởng kinh tế, cuộc sống của họ. Một số giải pháp có thể thực hiện như chỉ giữ lại những nhân sự có tâm huyết, có chuyên môn cao, tinh thần phục vụ công việc tốt. Còn những nhân sự quan liêu, không đáp ứng công việc nên cho về hưu sớm, hoặc có biện pháp thích hợp để làm sao việc tinh giản vừa có tâm, vừa có tình. Tôi cho rằng việc giải thể những ban Chỉ đạo không hiệu quả, nhân sự không tốt là rất cần thiết và quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển chung cho TP”, TS. Vỹ cho biết.

Lành Nguyễn

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/de-xuat-giai-the-200-ban-o-tphcm-se-het-canh-ngoi-choi-xoi-nuoc-a346445.html