Đề xuất Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản không bắt buộc là đấu giá viên

Bộ Tư pháp đang đưa ra lấy ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, trong đó sửa đổi theo hướng đối với Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không bắt buộc là đấu giá viên.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản giữ nguyên một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn về đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản và quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá.

Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung các quy định: về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, điều kiện hành nghề đấu giá, quyền và nghĩa vụ của tổ chức đấu giá tài sản; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá theo lộ trình phù hợp; về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản đảm bảo phù hợp với thực tiễn, khả thi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản, người tham gia đấu giá, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, có tính đến một số loại tài sản đấu giá đặc thù; về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Một phiên đấu giá. Ảnh: PLXH.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung quy định về đào tạo nghề đấu giá, về thời gian đào tạo nghề đấu giá theo hướng giảm thời gian đào tạo nghề đấu giá đối với một số đối tượng (luật sư, công chứng viên, thừa phát lại đã hành nghề một thời gian nhất định, người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, người có thời gian công tác trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp) thay thế việc miễn đào tạo nghề đấu giá như quy định hiện hành nhằm đảm bảo tất cả các đối tượng muốn trở thành đấu giá viên đều được trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng hành nghề phù hợp với nghề nghiệp

Bổ sung quy định về trách nhiệm tham gia bồi dưỡng bắt buộc hàng năm đối với đội ngũ đấu giá viên để đảm bảo đội ngũ đấu giá viên được cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng hành nghề, góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ đấu giá viên trong hoạt động hành nghề (một số chức danh bổ trợ tư pháp khác đã có quy định về bồi dưỡng bắt buộc hàng năm như luật sư, công chứng, thừa phát lại).

Dự thảo bổ sung quy định về đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù bao gồm tài sản là quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, tài sản thi hành án dân sự, tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện tài sản là quyền khai thác khoáng sản, theo đó, tiền đặt trước được nâng lên mức không quá ba mươi phần trăm giá khởi điểm của tài sản đấu giá (trong trường hợp chưa xác định được giá khởi điểm thì tiền đặt trước được xác định theo pháp luật chuyên ngành áp dụng đối với loại tài sản đó); thời gian bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá không quá 10 ngày làm việc để đảm bảo việc thẩm tra, xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá; bổ sung trình tự đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù nêu trên.

Đáng chú ý, dự thảo Luật sửa đổi quy định tại Điều 22 theo hướng đối với Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không bắt buộc là đấu giá viên (nhưng phải tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá) nhằm đảm bảo tính linh hoạt, khả thi, đáp ứng yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ theo quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…/.

Vy Anh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/phap-luat/de-xuat-giam-doc-trung-tam-dich-vu-dau-gia-tai-san-khong-bat-buoc-la-dau-gia-vien-637277.html