Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng

Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội để tiếp tục áp dụng biện pháp giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% áp dụng trong cả năm 2023 để giúp doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng và hồi phục sau đại dịch.

Doanh nghiệp hy vọng được hỗ trợ về chính sách thuế. Ảnh: Ngọc Thắng.

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn được giảm thuế

VTCA vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính tham gia ý kiến về dự thảo Nghị định Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thu nhập doanh nghiệp (DN), thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch VTCA cho biết, VTCA nhận được nhiều ý kiến từ cộng đồng DN, các hiệp hội đánh giá rất cao tính hiệu quả của các gói giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, đặc biệt là giải pháp giảm thuế suất thuế GTGT. VTCA đề nghị nhà nước tiếp tục hỗ trợ DN vượt qua các khó khăn kinh tế, tài chính trong năm 2023 mà dự kiến sẽ còn khó khăn hơn năm 2022, nhằm duy trì đà tăng trưởng và phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Ông Mạc Quốc Anh - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, đang gặp rất nhiều khó khăn nên việc giảm thuế GTGT và thuế thu nhập DN sẽ có ý nghĩa và hỗ trợ thiết thực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Đáng chú ý, rủi ro lạm phát được dự báo ở mức cao trong thời gian tới, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá hàng hóa, góp phần kích cầu tiêu dùng nhưng không làm tăng lạm phát.

Đồng tình, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, qua khảo sát, điều tra hơn 12.000 DN trong 63 tỉnh, thành cho thấy, dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất, tác động nhiều mặt tới DN. DN phải đối mặt với những khó khăn về vốn, nhân sự, thị trường… và sự lạc quan của DN cũng giảm đi nhiều.

Ông Tuấn khẳng định, chính sách tài chính đóng góp cực kỳ quan trọng cho sự phục hồi của nền kinh tế. Chương trình phục hồi được đánh giá là nhanh, kịp thời. Tuy nhiên, mức độ thực hiện có khác nhau. DN tiếp cận về thuế, phí là nhanh nhất và trên diện rộng.

“Trong bối cảnh năm 2023 còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu các chính sách nhằm hỗ trợ cho người dân, DN, như tiếp tục gia hạn giảm thuế GTGT 2%, vì đây là nhóm chính sách quan trọng và hiệu quả cao” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo Bộ Tài chính, tổng số thuế miễn, giảm trong năm 2022 ước khoảng 50,2 nghìn tỷ đồng, bằng 78,4% số dự kiến khi xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế (64 nghìn tỷ đồng), trong đó, giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 khoảng 38,9 nghìn tỷ đồng.

Kiềm chế, kiểm soát mức tăng chỉ số giá tiêu dùng

Theo phân tích của giới chuyên gia kinh tế, từ năm 2022 việc giảm thuế GTGT đã được thực hiện và đã phát huy tốt vai trò của chính sách tài khóa. Nếu trước đây, các gói hỗ trợ lấy trụ cột là giãn, hoãn (tạm thời chưa thu vào ngân sách nhà nước) thì cơ quan quản lý nhà nước đã quyết tâm giảm các khoản thu vào ngân sách nhà nước, nhưng là giảm để cứu DN.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Ánh từng phân tích, trước đây cũng có các chính sách miễn, giảm thuế, phí, các nguồn động viên nhưng chỉ tập trung vào thuế trực thu như thuế thu nhập DN đối với các DN khó khăn, khủng hoảng, còn lần này giảm thẳng vào thuế gián thu mà ở đây là thuế GTGT. Thuế suất GTGT phổ thông hiện nay là 10%, khi giảm 2% sẽ có tác động đến toàn bộ giao dịch trên thị trường. Như vậy, người bán sẽ không phải tăng giá hàng hóa khi mà sức ép về chi phí tăng cao, thách thức còn nhiều. Khả năng tiêu thụ theo đó cũng được hỗ trợ mạnh mẽ. Với người tiêu dùng trước sức ép về thu nhập, nếu được giảm 2% thuế GTGT, đồng nghĩa họ sẽ trực tiếp tiết kiệm được 2% chi tiêu.

Đặc biệt, ông Ánh cho rằng việc giảm thuế GTGT sẽ giúp kiềm chế, kiểm soát tăng chỉ số giá tiêu dùng. Bởi lẽ, việc giảm 2% thuế GTGT sẽ giúp đạt 2 mục tiêu là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ phía sản xuất kinh doanh, từ phía tiêu dùng và ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Chính sách giảm thuế GTGT được coi là một biện pháp trợ lực tài chính mạnh mẽ của Chính phủ đối với nền kinh tế và có thể tạo động lực tốt cho sự phục hồi của DN, khuyến khích tiêu dùng.

TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho hay, việc Việt Nam đưa ra các chính sách hồi phục, phát triển kinh tế được thế giới đánh giá cao, trong đó có các chính sách về giãn, hoãn, giảm thuế. Trước những dự đoán về tình hình thế giới, trong nước sẽ còn nhiều khó khăn trong năm 2023, vị chuyên gia đề xuất nên tiếp tục giãn, hoãn, giảm thuế, phí để hỗ trợ cho người dân, DN hồi phục và phát triển. “Mong mỏi của DN, các hiệp hội là thực thi chính sách tốt hơn nữa. Bởi lẽ năm 2023 sẽ khó khăn hơn. Thế giới sẽ khó khăn, các nước rơi vào suy thoái do lãi suất và khủng hoảng năng lượng. Điều đó khiến thị trường xuất khẩu thu hẹp và thu hút FDI cũng sẽ khó khăn. Trong bối cảnh như vậy, cần triển khai nhanh và quyết liệt hơn các gói hỗ trợ” - ông Lực nói.

Thúy Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/de-xuat-giam-thue-gia-tri-gia-tang-5709976.html