Đề xuất giữ nguyên 3 thời điểm trọng đại để tiến hành đặc xá

Sáng nay (7/11), Luật Đặc xá (sửa đổi) sẽ được đưa ra thảo luận trong kỳ họp thứ 6. Phiên làm việc này do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành.

Như tin đã đưa, trong sáng nay, Quốc hội có phiên thảo luận về Dự thảo Luật Đặc xá.

Một số điểm khiến mọi người quan tâm đến Dự thảo Luật này là do có nội dung mở rộng nhóm đối tượng hưởng đặc xá. Theo đó, quy định hiện hành nêu rõ 2 đối tượng là: người bị kết án phạt tù có thời hạn, đang chấp hành hình phạt tù; người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù.

Tuy nhiên, tới đây, nếu áp dụng Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), đối tượng hưởng đặc xá sẽ có thêm nhóm người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (người này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như người đang chấp hành hình phạt tù, đồng thời phải nghiêm chỉnh chấp hành luật trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù).

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim nêu ý kiến về Dự thảo Luật Đặc xá.

Ngoài ra, trước đó từng có nhiều ý kiến đề xuất bãi bỏ đặc xá vào các ngày lễ trọng đại của đất nước. Hôm nay, trong phiên thảo luận của Quốc hội, nội dung này cũng được đề cập. Đa số ý kiến đều nhất trí quy định 3 thời điểm đặc xá như dự thảo Luật. Các mốc thời gian này bao gồm: Quốc khánh 02/9, Tết Nguyên Đán hoặc ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4.

Trước ý kiến đề nghị làm rõ sự kiện trọng đại của đất nước, bà Lê Thị Nga - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trình bày cho biết: UBTVQH nhận thấy, dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, quy định 3 thời điểm đặc xá như đã nêu. Qua thực tiễn thi hành Luật Đặc xá cũng đã cho thấy, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá ở cả 03 thời điểm nêu trên và không phát sinh vướng mắc về thời điểm đặc xá.

Phiên làm việc của Quốc hội về Dự thảo Luật Đặc xá.

UBTVQH cũng nhận thấy, các sự kiện trọng đại của đất nước diễn ra trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, rất đa dạng, do đó, nếu quy định cụ thể trong dự thảo Luật có thể sẽ không bao quát hết.

Ngoài ý kiến thảo luận về thời điểm đặc xá, các đại biểu Quốc hội cũng trình bày quan điểm về tần suất thực hiện đặc xá. Cụ thể, một số đại biểu cho rằng, cứ 3 năm hoặc 5 năm mới nên có 1 đợt đặc xá.

Vương Phi (TH)

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/de-xuat-giu-nguyen-3-thoi-diem-trong-dai-de-tien-hanh-dac-xa-4009547.html