Đề xuất hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai năm 2018

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - thủy văn quốc gia, hôm nay (14-1) nhiệt độ miền bắc đang trên đà tăng, nhiệt độ dao động từ 16 đến 240C. Tuy nhiên, từ khoảng chiều tối và đêm 15-1, không khí lạnh sẽ tăng cường trở lại, đồng thời rãnh gió tây trên cao được thiết lập sẽ gây mưa ở toàn khu vực Bắc Bộ. Ở các tỉnh phía bắc trời rét, vùng núi rét hại; nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 11 đến 140C, vùng núi và vùng núi cao từ 9 đến 110C.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai cho biết, để khắc phục hậu quả thiên tai năm 2018, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ các địa phương 7.780 tỷ đồng, trong đó có 1.480 tỷ đồng khắc phục khẩn cấp dân sinh, cơ sở hạ tầng thiết yếu sau các trận thiên tai lớn; 6.300 tỷ đồng và 36 triệu USD (vốn ODA) khắc phục khẩn cấp các công trình đê điều, xử lý sạt lở đồng bằng sông Cửu Long, xói lở bờ biển và bồi lấp cửa sông miền trung; hỗ trợ di dời khẩn cấp 5.495 hộ dân bị thiệt hại do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất hiện không có nhà ở, phải đi ở nhờ hoặc đang ở lều lán, nhà tạm thuộc 13 tỉnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 tại Kiên Giang với diện tích đất sử dụng 54,54 ha, với tổng mức đầu tư hơn 3.309 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và 9,5 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước tập trung. Thời gian hoàn thành trước ngày 31-12-2021.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời tiết diễn biến bất thường đang là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh phát sinh trên cây lúa. Tập trung chủ yếu là các loại rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, đạo ôn lá, cổ bông, lép hạt,... phát sinh, gây hại cục bộ trên lúa mùa giai đoạn ngậm sữa đến thu hoạch cũng như gây hại nhẹ rải rác trên lúa đông xuân sớm trong giai đoạn mạ đến đẻ nhánh. Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình sâu bệnh để xuống giống tập trung bảo đảm đạt hiệu quả nhất.

Vụ xuân năm 2019, tỉnh Thái Nguyên dự kiến gieo cấy gần 29 nghìn ha lúa từ ngày 15-1 đến 4-2. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân đưa vào gieo trồng gồm, lúa lai: SL8H-GS9, TH3-3, Thịnh Dụ 11, HKT99, Kinh Sở ưu 1588; các giống lúa thuần như: HT1, HT6,Thiên ưu 8, Hồng Đức 9, Hương thơm Kinh Bắc…; và cần tuân thủ đúng khung thời vụ để không ảnh hưởng đến năng suất.

Đến nay, tỉnh Trà Vinh đã chuyển đổi được 7.639 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, các loại cây, con hiệu quả, giá trị sản phẩm thu được đạt hơn 127 triệu đồng/ha/năm. Một số sản phẩm đã dần tạo được thương hiệu trên thị trường nhờ sản xuất theo mô hình VietGAP.

Hiện huyện Tịnh Biên (An Giang) đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng được khoảng 3.715 ha, với các mô hình cải tạo vườn tạp sang cây ăn trái, chuyển đổi từ lúa sang màu; như trồng khoai mì tại các xã An Cư, Văn Giáo..., đạt hiệu quả tốt, với năng suất từ 30 đến 35 tấn/ha.

Niên vụ 2018 - 2019, tỉnh Tuyên Quang có 8.251 ha mía nguyên liệu cho thu hoạch. So với các vụ trước, năm nay mía có năng suất, chất lượng cao hơn do các huyện đã thực hiện 76 mô hình thâm canh tăng năng suất mía, cánh đồng mía lớn với tổng diện tích thực hiện 307 ha, năng suất đạt từ 80 tấn/ha trở lên.

Công an huyện Ea Súp (Đác Lắc) cho biết, vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 12-1, người dân xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp phát hiện ngọn lửa bùng phát, cháy dữ dội tại cánh đồng mía thuộc tiểu khu 236, thuộc địa bàn xã Ya Tờ Mốt, nên đã hô hoán mọi người đến dập lửa. Thế nhưng, do thời tiết khô hanh kèm gió to, ngọn lửa đã nhanh chóng cháy lan sang nhiều diện tích mía khác của xã Ea Bung. Đến trưa 13-1, hơn 100 ha mía của hơn 10 hộ dân thuộc hai xã bị lửa thiêu rụi. Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy có thể là do người dân đốt thực bì gặp gió to khiến ngọn lửa lan sang các cánh đồng mía. Công an huyện Ea Súp đang phối hợp các đơn vị liên quan điều tra, làm rõ.

Chiều 13-1, theo Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, đến nay vẫn chưa tìm thấy 10 ngư dân mất tích trên tàu cá KH 90208 TS của Khánh Hòa bị chìm tại khu vực cách đông nam mũi Ô Cấp (Bà Rịa - Vũng Tàu) khoảng 160 hải lý. Trước đó, khoảng 10 giờ 40 phút ngày 11-1, tàu cá BV 95838 TS phát hiện tàu cá KH 90208 TS bị chìm, chỉ nổi phần mũi.

Nhận được thông tin, Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã chỉ đạo lực lượng chức năng các tỉnh ven biển từ Khánh Hòa đến Cà Mau, thông báo cho các tàu cá hoạt động gần khu vực tàu KH 90208 TS bị chìm biết để tăng cường quan sát, phát hiện các thông tin liên quan. Ngày 12-1, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có cuộc họp khẩn, thành lập đoàn công tác dự kiến hôm nay sẽ vào tới Bà Rịa - Vũng Tàu để xác minh thông tin, tổ chức trục vớt tàu bị nạn.

Ngày 13-1, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, vào khoảng 21 giờ 30 phút ngày 12-1, tàu cá BTh 99323 TS, công suất 420 CV, hành nghề lưới mùng, gồm 10 lao động, do ông Cao Tư (sinh năm 1980, trú tại thôn Hiệp Thành, xã Tân Hải, thị xã La Gi, Bình Thuận) làm thuyền trưởng đánh bắt hải sản trên biển, cách mũi Kê Gà, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) khoảng 12 hải lý về hướng đông đông nam, thì bị phá nước chìm tại chỗ; tám ngư dân đã được tàu cá BTh 97193 TS hoạt động gần đó cứu được, còn hai người mất tích chưa tìm thấy. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng trong khu vực thông tin cho các tàu, thuyền hiện đang hoạt động gần khu vực nơi tàu cá BTh 99323 TS bị chìm biết thông tin để hỗ trợ tìm kiếm.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/38894402-de-xuat-ho-tro-cac-dia-phuong-khac-phuc-hau-qua-thien-tai-nam-2018.html