Đề xuất học sinh tốt nghiệp THCS được học liên thông lên cao đẳng

'Chúng tôi đề nghị Điều 27 Luật Giáo dục quy định tốt nghiệp THCS không chỉ học lên trung cấp mà học lên thẳng cao đẳng', Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về Dự án Luật Giáo dục sửa đổi.

Theo đại biểu Lê Quân (Hà Nội), mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, phải đạt 30% học sinh THCS học nghề và đến năm 2025 đạt mục tiêu 40%.

Nhưng đến nay, qua đánh giá thực tế mới chỉ đạt được khoảng 8-10%, và việc phân luồng chưa gắn thực sự với việc đào tạo và giải quyết việc làm. Việc phân luồng thu hút người vào học nghề chủ yếu phụ thuộc vào sự nỗ lực, lăn lộn của các trường nghề, đi từng thôn, bản, xóm, làng, huyện để tư vấn tuyển sinh, còn chính sách để định hướng và phân luồng chưa thực sự mạnh.

Đại biểu đề xuất cần phải ưu tiên về vấn đề phân luồng. Đặc biệt, phải quan tâm đến một đối tượng rất quan trọng, đó là các em hết 15 tuổi mà không có khả năng theo học THPT thì phải vào học nghề.

Hiện nay, những em này dường như ít được quan tâm, phải học những chương trình chưa thực sự ưu tiên. Như vậy, lãng phí nguồn lực xã hội, chưa kể sẽ đặt ra những vấn đề xã hội khác nếu các em không được quan tâm và tỷ lệ các em bỏ học sau 15 tuổi cũng khá nhiều.

Thứ trưởng Lê Quân đề xuất học sinh tốt nghiệp THCS được học liên thông lên CĐ. Ảnh QH

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, xu hướng trên thế giới là gia nhập thị trường lao động rất sớm. “Nếu các em theo học phân luồng sớm, hết THCS, lớp 9 vào học nghề thì 18, 19 tuổi, các em đã gia nhập thị trường lao động với mức lương 8-9 triệu đồng như hiện nay và làm việc gần nhà, sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề lao động. Sau đó các em hoàn toàn có thể học liên thông 1, 2 năm để lấy bằng ĐH. Đây là một mô hình rất thành công tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan”, đại biểu nói.

Nếu giải quyết phân luồng tốt thì cũng như đang giải quyết vấn đề kéo dài tuổi nghỉ hưu, sẽ có một lực lượng lao động chất lượng, tăng cường lực lượng lao động sớm. Đặc biệt là con em hộ nghèo, con em đồng bào dân tộc thiểu số, nếu giải quyết tốt, các em sẽ vào học nghề và đi làm rất tốt.

Theo Thứ trưởng Lê Quân, hiện nay có mấy điểm nghẽn chính. Đó là học sinh học hết lớp 9 vào học trung cấp, nhưng luật bắt các em đã yếu lại phải gánh rất nặng, vừa học trung cấp lại vừa học văn hóa. Một mặt học nghề tại trường nghề, còn học văn hóa tại một nơi địa điểm trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc một trường nào đó, dẫn đến quá trình tổ chức đào tạo và nội dung chương trình rất nặng, dẫn đến tình trạng khó khăn trong quá trình tổ chức, đào tạo chương trình dạy nghề chất lượng.

Về học liên thông, hiện nay, học hết trung cấp muốn liên thông lên CĐ phải hoàn thành khối lượng văn hóa rất nặng, nhiều em học xong trung cấp muốn học lên thì phải học thêm 1 năm văn hóa để có thể học liên thông.

Vì vậy, đại biểu kiến nghị quy định phân luồng để định hướng người học và học nghề chứ không phải định hướng chỉ là đi vào hướng nghiệp. Đồng thời, nên bổ sung một điều về phân luồng để phân định rõ trách nhiệm của ai, những giải pháp gì. Đồng thời, đề nghị sửa đổi Điều 8 Dự luật theo hướng người học xong trình độ bậc dưới phải đủ điều kiện để học liên thông lên trình độ bậc trên, tránh tình trạng học hết CĐ hiện nay muốn liên thông lên ĐH lại phải tham gia kỳ thi tuyển quốc gia.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/de-xuat-hoc-sinh-tot-nghiep-thcs-duoc-hoc-lien-thong-len-cao-dang-127724.html