Đề xuất khai tử xăng A95: Giải Vietlott xăng dầu?

Độc quyền xăng sinh học chưa từng được ghi nhận. Sự lưỡng lự của Bộ Công thương khiến người dân phải hỏi, ai đang nghĩ cho quyền lợi của họ?

Đối với người dân, đề xuất khai tử nốt xăng A95 không chỉ tạo thêm nỗi lo cho túi tiền vốn ngọn ngằn, còm cõi của họ. Đành rằng, bằng một lý trí lành mạnh và logic giản đơn, ai cũng có thể hình dung được nếu xăng sinh học một mình một chợ sẽ có quá nhiều lý do để tăng giá.

Nào thì 95% xăng khoáng chạy theo giá dầu thế giới với những điểm nóng Syria, Iran, Saudi Arabia… khó có cơ hạ nhiệt. Nào thì nhu cầu cồn ethanol tăng khiến cho doanh nghiệp không thể giữ giá ở mức thấp hơn.

Đó là chưa kể những tranh cãi ở xa tít tắp về chuyện dùng lương thực làm chất đốt, trong khi an ninh lương thực thế giới vẫn tiềm tàng mối nguy. Hiểu ngắn gọn là, giá xăng có thể tăng theo… quá nhiều lý do diễn giải.

Nếu khai tử xăng A95, xăng sinh học sẽ một mình một chợ.

Tất nhiên, người Việt đã trải nghiệm nhiều nên khá quen với việc này. Ai cũng hiểu, nếu đề nghị nói trên được chấp thuận, tình thế có thể còn trớ trêu hơn chuyện độc quyền mạng viễn thông chục năm về trước.

Nôm na, người ta có thể không cần điện thoại và lướt web, nhưng không thể không đổ xăng vào xe mà đi làm kiếm sống, giá xăng cao thì phải thắt bớt dạ dày vào. May thay, tính lạc quan cố hữu luôn là động lực cho người dân chấp nhận cả viễn cảnh không mấy tươi sáng này.

Nhưng, sẽ khó bao dung hơn nhiều nếu câu hỏi được đặt ra là ai được hưởng lợi? Ở phía phân phối, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đang duy trì vị thế độc tôn trên thị trường vẫn có đa số vốn thuộc về Nhà nước, nghĩa là phần lợi nhuận kinh doanh xăng dầu về nguyên tắc vẫn nộp vào ngân sách.

Tuy nhiên, sự tham gia của các doanh nghiệp ngoại và nhà đầu tư cá nhân đã được ghi nhận, chứng tỏ phần lãi từ hoạt động này đã phải chia sẻ theo tỷ lệ cổ phần tương ứng cho các nhà đầu tư. Điều đó đồng nghĩa, trong kịch bản giá xăng sinh học tăng, người hưởng lợi không chỉ là Nhà nước.

Ở phía cung ứng, thống kê tại thời điểm hiện tại cho thấy, hiện chỉ có duy nhất một công ty đang cung cấp cồn ethanol để pha chế xăng sinh học bán ra thị trường. Nếu thị trường chỉ còn tồn tại xăng sinh học, đây sẽ được coi là cơ hội ngàn vàng cho doanh nghiệp này kiếm lợi nhuận.

Những cái tên đến sau, chọn phương cách nhập khẩu cồn ethanol nước ngoài, mà theo nhiều dự đoán là từ thị trường Trung Quốc, cũng sẽ tham gia tốt cuộc chơi.

Ngoài ra, còn có ý kiến, cả những đại án sản xuất cồn ethanol đang đắp chiếu của Bộ Công thương bỗng nhìn thấy tia sáng ở cuối đường hầm. Tất nhiên, nếu không chứng minh được mối liên hệ lợi ích của các quyết sách, dư luận đành mừng cho nhiều doanh nghiệp này đồng loạt trúng giải ‘Vietlott xăng dầu’ mà kẻ thua là người dân.

Lại một lần nữa được khẳng định, dẫu toàn bộ những lo ngại nói trên đều biến thành sự thật, sức bền bỉ, chịu thương chịu khó của từng người dân đang gánh trên vai hơn 33 triệu nợ công, gánh thuế phí thuộc top đầu khu vực, vẫn có thể khiến họ thở dài nhè nhẹ rồi chấp nhận.

Cầm kính lúp mà soi điểm tích cực thì vẫn thấy, doanh nghiệp có lợi thì thu nhập của một số lượng nhất định người lao động có thể được tăng thêm. Việc đầu tư mở rộng hoặc tiêu thụ khoản lợi nhuận bỗng chốc rơi vào tay phần nào sẽ tác động tới thị trường chung, một kiểu phân phối lại thu nhập theo cách nói của các chuyên gia kinh tế. Khó có thể cười vui khi không được điểm danh trong số ít những người hạnh phúc, nhưng dù gì thì cũng vẫn có thể phải nuốt vào trong.

Vì thế, có thể nói, bức xúc của người dân về kịch bản độc quyền xăng sinh học không phải nằm ở chuyện tiền bạc. Dường như mấu chốt nằm ở nỗi băn khoăn từ lâu nung nấu, ai nghĩ cho quyền lợi của người dân? Có quá nhiều bằng chứng thể hiện rằng, câu trả lời không được như người dân mong đợi.

Còn nhớ, từ giữa năm 2015, giá xăng dầu thế giới liên tục giảm mạnh, thế nhưng mức giá bán xăng trong nước lại liên tục được điều chỉnh tăng. Sự bất cập được phản ánh tới các ĐBQH và giữ đúng vai trò của mình, tiếng nói của họ đã cất lên tại nghị trường. Tiếc là, ngay cả hành động đó cũng chỉ như hòn đá rơi xuống hồ nước. Người dân đành phải vui với lý giải xăng dầu Việt Nam vẫn rẻ hơn Mỹ!

Việc chuyển đổi xăng A92 thành xăng E5 mang tới bài học mới hơn. Mồi nhử giá thấp hơn A92 cùng lời hứa hẹn thân thiện với môi trường bỗng chốc… bị gió cuốn đi, khi xăng A92 chính thức bị khai tử.

Vào cuối năm 2017, giá xăng E5 ở mức 18.243 đồng/lít, còn trong lần điều chỉnh mới nhất ngày 8/5/2018, mức giá của mặt hàng này đã lên tới 19.440 đồng/lít. Quyết định tăng thuế môi trường lên tới mức 4.000 đồng/lít xăng đã bỏ quên ngay mỹ từ 'thân thiện môi trường', vốn được dùng như con bài thuyết phục người tiêu dùng văn minh.

Với bối cảnh chung như vậy, dư luận chờ đợi biết bao lời đáp dứt khoát từ cơ quan chủ quản rằng, không thể chấp nhận đề xuất phi lý về mặt thị trường và không có tiền lệ trên thế giới đó.

Trong một động thái kế tiếp, Bộ Công thương thông tin, cơ quan này đang tập hợp báo cáo lên trên về đề xuất chỉ xuất phát từ một doanh nghiệp này. Đặc biệt, phản ứng của doanh nghiệp gợi ý khai tử xăng A95 càng khiến người dân thêm ngỡ ngàng.

Báo Dân Việt dẫn lời một vị lãnh đạo Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) cho biết: “Anh chỉ phát biểu với Bộ Công thương, Bộ đưa thông tin ra ngoài thì em đi hỏi Bộ Công thương".

Những diễn biến lạ lùng trên không khỏi khiến dư luận đặt câu hỏi, ai mới thực sự là người muốn khai tử xăng A95?

Khánh Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/de-xuat-khai-tu-xang-a95-giai-vietlott-xang-dau-3358189/