Đề xuất lắp camera phạt nguội vi phạm vỉa hè: Khó thực hiện!

Để tránh tái diễn đối với các hành vi vi phạm trật tự đô thị (TTĐT) mới đây, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đề xuất về việc sử dụng thiết bị ghi hình để 'phạt nguội'. Đề xuất được đánh giá là giải pháp thông minh, song với một thành phố 'mênh mông' như Thủ đô, 400 camera, thậm chí cả nghìn camera liệu có đủ?

400 camera giúp “dẹp loạn” vỉa hè

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội vừa có đề xuất lắp đặt hơn 400 camera giám sát xử phạt nguội để bảo vệ vỉa hè cho người đi bộ. Nguyên nhân ra đời của đề xuất này được lý giải là để giải quyết thực trạng tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè khi vắng bóng lực lượng chức năng. Với đề xuất này, Sở GTVT Hà Nội kỳ vọng, việc giám sát thực hiện trật tự đường hè sẽ trở nên hiệu quả hơn, hệ thống camera cùng với các lực lượng chức năng sẽ đảm bảo không có thời gian “trống” khi xử lý vi phạm TTĐT.

Nếu chính quyền sở tại thực thi nghiêm thì vỉa hè luôn được thông thoáng.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng tiết lộ, đã có một số đơn vị đề xuất triển khai thí điểm, tuy nhiên đây là hạng mục đầu tư công, mua sắm thiết bị nên cần phải xem xét theo quy trình. Sở này cho biết thêm, một số quận nội thành cũng đã có phương án đề xuất và Sở đang tiếp tục nghiên cứu để có thể có phương án thay những camera cố định thành camera di động, giám sát tình trạng an ninh trật tự tốt hơn.

Thực tế, ý tưởng ứng dụng công nghệ trong giám sát TTĐT không phải mới, trước đó, tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa lãnh đạo Thành phố với các quận, huyện, thị xã cuối năm 2017, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cũng đã đưa ra đề xuất về việc sử dụng camera giám sát.

Theo ông Vũ Văn Viện, mặc dù, Nghị định 165 của CP cho phép chúng ta sử dụng các phương tiện ghi hình để xử lý vi phạm trong lĩnh vực này, nhưng hiện nay vẫn chưa có đơn vị nào áp dụng trong xử lý vi phạm TTĐT. Do đó, sở kiến nghị TP ban hành quy định cho phép lực lượng chức năng quận, phường sử dụng camera ghi lại hình ảnh những điểm vi phạm của đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân… để xử lý mà không phải tổ chức “truy đuổi”.

Việc lắp đặt camera để giám sát, xử lý cũng đã được áp dụng từ nhiều năm trước ở Hà Nội nhưng được ứng dụng trong lĩnh vực giao thông. Ngoài dùng để phạt “nguội”, hệ thống này cũng sẽ đo được lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trong một khoảng thời gian, từ đó tính toán được giải pháp tối ưu để điều khiển đèn tín hiệu nhằm giảm thiểu hiện tượng ùn ứ, giúp giao thông thông suốt.

Việc xử lý các đoàn xe ưu tiên, xe cấp cứu… cũng sẽ được tiến hành thông qua việc điều khiển nhịp đèn. Các dữ liệu truyền từ hệ thống camera về các máy chủ sẽ được lưu ít nhất là 2 tuần, phục vụ cho công tác xử lý xe vi phạm.

Thực hiện có dễ?

Nhận xét về ý tưởng nêu trên của Sở GTVT Hà Nội, Luật sư Trịnh Nam Ninh, Đoàn Luật sư Hà Nội ủng hộ quan điểm áp dụng công nghệ để quản lý giao thông và TTĐT tại Hà Nội. Theo luật sư Ninh, thành phố đã nhiều lần có chủ trương và đã hành động để đường thông hè thoáng nhưng chỉ được một thời gian tình trạng lấn chiếm lại tiếp tục tái diễn. Tình trạng lặp đi lặp lại như vậy sẽ gây mất mỹ quan đô thị.

Vì vậy, chúng ta phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mà ở đây việc sử dụng camera ghi lại hình ảnh để “phạt nguội” là cần thiết, phù hợp với sự phát triển của xã hội, là biện pháp khá hay trong quản lý TTĐT.

Cũng theo LS Trịnh Nam Ninh, đây không phải ý tưởng quá đặc biệt bởi nhiều nước trên thế giới và lân cận đã làm được từ nhiều năm trước. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng biện pháp này từ lâu, khi ra đường thấy rất ít cảnh sát nhưng khi có hành vi vi phạm thì họ xuất hiện rất nhanh. Với các lỗi cơ bản thời gian từ lúc phát sinh hành vi đến lúc nhận “trát” phạt có thể là tức thì hoặc trong 24 giờ và hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật.

Tuy nhiên, vấn đề nhiều người cùng quan tâm đó chính là sự minh bạch trong đơn vị được giao quản lý hệ thống dữ liệu được ghi nhận. Theo các chuyên gia, ở nước ngoài, tính minh bạch rất cao, bất kể ai vi phạm đều bị xử phạt nghiêm. Bởi thế, vấn đề vẫn nằm ở con người, khi triển khai thực hiện thì cán bộ thực hiện phải nghiêm minh, chính trực, theo dõi và giải quyết dứt điểm. Đồng thời, có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan cấp trên, gắn trách nhiệm với người đứng đầu đơn vị, có như vậy bài toán này mới không rơi vào vòng luẩn quẩn.

Ứng dụng công nghệ thông tin là phù hợp với xu thế mới, song vấn đề đặt ra là nên triển khai như thế nào? Đưa ra hàng loạt các ý kiến phản hồi, theo ông Đỗ Văn Hạng - Trưởng ban Công tác mặt trận cụm dân cư số 9, phường Bạch Đằng quận Hoàn Kiếm cho rằng, công tác quản lý TTĐT kém hiệu quả chính từ cấp địa phương. Cụ thể, lực lượng chức năng chưa “nghiêm túc” thực hiện đúng chức trách của mình. Trưởng ban công tác mặt trận cụm dân cư số 9 cũng đặt câu hỏi về số lượng camera lắp đặt?

Theo ông Hạng cả Hà Nội rộng lớn với cả ngàn tuyến phố lớn nhỏ thì việc lắp 400 camera liệu có giám sát được hết và xử lý một cách công bằng ở mọi lúc, mọi nơi hay không? Trong khi đó, Hà Nội hiện nay đang có một lượng rất lớn camera giám sát của cảnh sát giao thông; rồi cả camera an ninh của các hộ dân, camera giám sát hành trình trên phương tiện cá nhân. Nếu có cơ chế để khai thác, kết nối số camera này thì có thể vừa mang lại hiệu quả tức thì, vừa đỡ lãng phí tiền ngân sách.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/de-xuat-lap-camera-phat-nguoi-vi-pham-via-he-kho-thuc-hien-70660.html