Đề xuất lu nước chống ngập: Ý tưởng tốt...

Lu nước sẽ đóng vai trò như hồ điều hòa mini chống ngập nhưng chỉ thực sự hiệu quả khi kết hợp với hạ tầng đồng bộ của thành phố.

Giảm tải cho hạ tầng

Ngày 14/7/2019, trao đổi với Đất Việt về đề xuất của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân - Đại hiểu HĐND TP.HCM mỗi gia đình cần có lu để tích nước, hỗ trợ thành phố giải quyết tình trạng ngập úng khi mưa xuống, TS Nguyễn Thanh Tùng - Công tác tại Viện Môi trường & Tài Nguyên TP.HCM cho rằng, đây cũng là ý tưởng tốt, sẽ hữu ích để giải quyết tình trạng ngập của TP. HCM trong thời gian này.

Theo ông Tùng, lu nước trong mỗi hộ gia đình sẽ đóng vai trò như một điều hòa mini, tích nước khi mưa xuống, giảm tải áp lực lượng nước phải tiêu thoát cho ống công trong thời điểm quá tải.

"Lu nước trong mỗi hộ gia đình thực tế đã được sử dụng từ lâu đời. Ngày xưa, mỗi gia đình đều có một vật dụng để chứa nước mưa và dùng dần trong năm. Mỗi lu nước ấy chỉ chứa vài m3 nước nhưng nhà nào cũng có nên giảm được một lượng nước đáng kể để hệ thống cống thải không bị quá tải" - ông Tùng cho biết.

Cũng như đại biểu Xuân, ông Tùng khuyến khích mỗi hộ gia đình khi xây nhà nên thiết kế thêm một khu vực chứa nước mưa, vừa có thể chứa nước dùng trong sinh hoạt, tưới tiêu vừa có thể cùng thành phố giải quyết tình trạng ngập úng khi mưa xuống.

Lu nước sẽ là giải pháp chống ngập ở TP. HCM?

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Công - nguyên Giám đốc Trung tâm chống ngập úng TP.HCM cũng cho rằng, lu nước trong mỗi gia đình ở TP. HCM sẽ phần nào giải quyết được tình trạng ngập đang diễn ra, sẽ làm chậm quá trình tập chung nước về các ống cống khi trời mưa.

"Thực ra vấn đề lu nước chống ngập không mới, năm 2005 cũng đã có công trình nghiên cứu về vấn đề này. Nhiều nước ở khu vực Châu Á cũng đã áp dụng và rất thành công như Nhật Bản, Bangladesh..." - ông Công cho biết.

Ông Công cho hay: "Tên gọi lu nước thực chất là cách gọi truyền thống của Việt Nam. Còn đúng ra "lu" nước được thiết kế giống như một bể chứa nước trong gia đình và phải được thiết kế, xây dựng dựa trên nhiều công nghệ khác nhau.

Mỗi bể chứa nước sẽ chứa từ 1 - 5m3 nước mỗi khi mưa xuống và được sử dụng dần dần. Bể chứa nước này thường được xây ngầm dưới nền nhà".

Phải đồng bộ với hạ tầng

Tuy nhiên, ông Công cho rằng, đề xuất lu chứa nước của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân mặc dù hữu hiệu nhưng chỉ là giải pháp tạm thời. Để "lu" nước này đạt được hiệu quả cao nhất thì phải được đồng bộ với hạ tầng thành phố.

"Lu chứa nước ở những nước như Nhật Bản không chỉ thông thường là một vật dụng nào đó chứa nước mà bản thân nó phải được thiết kế dựa trên công nghệ khoa học tiên tiến. Đồng thời, được thiết kế đồng bộ với lại căn nhà của họ và kết nối với hạ tầng chung của toàn khu vực xung quanh.

Theo quy hoạch mà tổ chức JICA đưa ra từ năm 2001, đối với TP. HCM cho tới năm 2015 phải có 6.000km cống. Nhưng cho đến bây giờ thì TP. HCM vẫn chưa đạt được được điều này, chưa kể từ năm 2015 đến nay tại TP. HCM có nhiều sự thay đổi, yêu cầu về hạ tầng cống thoát nước đề ra chắc chắn sẽ còn phải cao hơn thế.

Lu nước trong mỗi gia đình phải kết nối được với cống thoát nước nhỏ của thành phố. Mà muốn cống thoát nước nhỏ hoạt động hữu hiệu thì cống thoát nước lớn phải hoạt động tốt. Nhưng cả vấn đề này hiện TP. HCM vẫn chưa đồng bộ nên không thể đáp ứng được" - ông Công chia sẻ.

Bên cạnh đó, một độ xây dựng, dân số của TP. HCM hiện nay tương đối cao và tăng lên từng ngày. Đối với những quận trung tâm rất đông dân, nhà liền nhà thì sẽ khó có diện tích để xây bể chứa nước. Với những gia đình đã xây dựng rồi thì việc cải tạo lại để có bể chứa nước cũng vô cùng khó khăn.

Chính vì thế, ông Công nhận định, đề xuất của đại biểu Xuân chỉ là vấn đề tạm thời còn để giải quyết được tình trạng ngập úng ở TP. HCM điểm chính vẫn là ở quy hoạch.

Từ việc xây dựng thêm hệ thống cống thải, đường giao thông thì việc bê tông hóa mặt đất cũng cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, có sự thay đổi phù hợp.

Vấn đề này cũng được TS Nguyễn Thanh Tùng đề ra như một trong những khó khăn nhất khi nói về đề xuất của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân.

Theo ông Tùng, đề xuất của đại biểu Xuân chỉ có thể thực hiện tại các vùng ngoại ô của TP. HCM còn những nơi nội thành thì không thể áp dụng được.

Vân Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/de-xuat-lu-nuoc-chong-ngap-y-tuong-tot-3383751/