Đề xuất luật hóa niên hạn sử dụng của xe cơ giới

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất luật hóa nhiều quy định tại Dự thảo Luật Đường bộ, trong đó có đề xuất luật hóa niên hạn sử dụng của xe cơ giới và xe môtô phải có đèn nhận diện

Tại dự thảo Luật Đường bộ đang được lấy ý kiến, Bộ GTVT đề xuất luật hóa nhiều quy định hiện hành đang có quy định dưới luật như: Niên hạn sử dụng của xe cơ giới; xe môtô, xe gắn máy được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phải có đèn tín hiệu nhận diện khi tham gia giao thông; chủ phương tiện, người lái xe chịu trách nhiệm bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng giữa 2 kỳ kiểm định.

Chủ phương tiện, người lái xe chịu trách nhiệm bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ, duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới giữa 2 kỳ kiểm định

Luật hóa niên hạn sử dụng của xe cơ giới

Dự thảo Luật Đường bộ đang được lấy ý kiến, Bộ GTVT đề xuất luật hóa niên hạn sử dụng của xe cơ giới thay vì chỉ quy định tại Nghị định 95/2009/NĐ-CP như hiện nay.

Theo đó, niên hạn sử dụng đối với xe ôtô chở hàng (xe ôtô tải) không quá 25 năm và đối với xe ôtô chở từ 10 người trở lên (kể cả người lái) không quá 20 năm.

Hiện nay, Nghị định 95/2009/NĐ-CP chỉ quy định chung chung niên hạn xe chở hàng và niên hạn xe chở người.

Tuy nhiên, Bộ GTVT đề xuất luật hóa và quy định rõ ràng hơn về đối tượng, chú thích rõ xe ôtô chở hàng tức là xe ôtô tải và việc áp dụng niên hạn đối với xe ôtô chở người chỉ tính xe có số người cho phép chở từ 10 người trở lên.

Như vậy, xe ôtô chở người đến 9 chỗ không có niên hạn sử dụng.

Bên cạnh đó, Điều 50 của dự thảo luật quy định cách tính niên hạn sử dụng của xe bắt đầu từ năm sản xuất xe. Với xe cải tạo chuyển đổi công năng, nếu từ xe có niên hạn thành xe không có niên hạn, áp dụng quy định về niên hạn của xe trước khi cải tạo. Trường hợp ngược lại, áp dụng quy định về niên hạn của xe sau khi cải tạo.

Dự thảo luật cũng quy định Chính phủ quy định cụ thể niên hạn xe ôtô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ sử dụng cho mục đích kinh doanh vận tải nhưng không quá niên hạn của xe chở hàng và xe chở người từ 10 chỗ trở lên.

Xe cơ giới hết niên hạn sử dụng không được tham gia giao thông và UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm quản lý xe cơ giới hết niên hạn sử dụng tại địa bàn.

Theo Bộ GTVT, các quy định về niên hạn sử dụng xe cơ giới được đề xuất đưa vào dự thảo luật là những quy định đã thực hiện ổn định tại Nghị định 95/2009.

Tuy nhiên việc luật hóa là cần thiết nhằm tạo khung pháp lý để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật dưới luật một cách cụ thể, chi tiết hơn.

Xe môtô phải có đèn nhận diện

Tại dự thảo Luật Đường bộ đang được lấy ý kiến, Bộ GTVT đề xuất xe môtô, gắn máy không yêu cầu phải có đèn chiếu xa.

Tuy nhiên, xe môtô, xe gắn máy được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu sau khi luật này có hiệu lực phải có đèn tín hiệu nhận diện khi tham gia giao thông.

Lý giải quy định này, một thành viên trong ban soạn thảo cho biết quy định xe gắn máy không yêu cầu phải có đèn chiếu xa đã được đưa vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) xe môtô, xe gắn máy, áp dụng ổn định trong nhiều năm qua và nay được đưa vào quy định rõ hơn trong luật.

Còn đối với quy định môtô, xe gắn máy phải có đèn tín hiệu nhận diện khi tham gia giao thông chỉ bắt buộc đối với các xe sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu sau khi luật có hiệu lực, không hồi tố đối với các xe đã sản xuất trước đó.

Quy định này được xây dựng căn cứ theo Công ước Vienna 1968 về báo hiệu đường bộ mà Việt Nam là thành viên.

Hiện nay, tại Việt Nam mới chỉ yêu cầu người lái xe máy bật đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, hoặc khi sương mù, thời tiết xấu. Nếu quy định đèn tín hiệu nhận diện được áp dụng sẽ tạo ra thay đổi lớn về thói quen sử dụng đèn xe của người dân, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông.

Dự thảo Luật Đường bộ cũng đề xuất bổ sung quy định chủ phương tiện, người lái xe chịu trách nhiệm bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ, duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng giữa 2 kỳ kiểm định.

Việc luật hóa những khuyến cáo trên sẽ giúp chủ phương tiện, người lái xe có trách nhiệm chủ động trong việc bảo dưỡng phương tiện, từ đó, nâng cao chất lượng xe, góp phần bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.

Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/de-xuat-luat-hoa-nien-han-su-dung-cua-xe-co-gioi-20230722095552407.htm