Đề xuất miễn học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập

Chiều 8-11, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục và giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Chủ trương miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập

Về chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập (Điều 97), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Tiếp thu ý kiến của Quốc hội, trên cơ sở đánh giá tác động về cả ngân sách đầu tư và hiệu quả đầu tư, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế về chính sách học phí đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29-NQ/TW; xác định nhu cầu nguồn kinh phí thực hiện chính sách này theo lộ trình phù hợp.

Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung quy định không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập. Ban soạn thảo đã sửa đổi khoản 1 Điều 97 theo nguyên tắc đối với chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi trường dân lập, tư thục; học sinh tiểu học trường tư thục sẽ thực hiện ngay sau khi Luật Giáo dục có hiệu lực để bảo đảm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2020.

Đối với chính sách không thu học phí học sinh trường trung học cơ sở công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh trung học cơ sở trường tư thục: Dự thảo Luật quy định trước mắt ưu tiên thực hiện chính sách này đối với người học ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện trên cơ sở cân đối ngân sách nhà nước.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn.

Thẩm tra về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với việc bổ sung chính sách không thu học phí đối với học sinh diện phổ cập như trong dự thảo luật và cho rằng, chính sách trên đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về phổ cập và xã hội hóa giáo dục; thúc đẩy và khuyến khích các loại hình trường dân lập, tư thục phát triển, tham gia thực hiện giáo dục phổ cập; đồng thời thể hiện rõ trách nhiệm của nhà nước đối với người học diện phổ cập, tạo sự bình đẳng giữa trường công lập và trường dân lập, tư thục cũng như bảo đảm công bằng cho người học trong thụ hưởng hỗ trợ của nhà nước.

Ủy ban ủng hộ việc giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh trung học cơ sở trường tư thục. Việc triển khai chính sách này phải căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước; trước mắt ưu tiên thực hiện ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (khoản 2 Điều 97).

“Tuy nhiên, để chính sách này được khả thi, đề nghị cần quy định trong dự thảo luật điều khoản chuyển tiếp về thời điểm thực hiện, cũng như các chính sách phát triển xã hội hóa tương ứng”, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nêu rõ.

Về việc thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục (Điều 103), Chủ nhiệm Phan Thanh Bình tán thành việc bổ sung quy định Chính phủ báo cáo các dự án thí điểm và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trước khi áp dụng đại trà đối với chính sách mới trong giáo dục đã được thí điểm thành công.

“Tuy nhiên, do thiếu khuôn khổ pháp lý, hoạt động thí điểm trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua còn nhiều lúng túng, hạn chế; một số chương trình thí điểm đã gây nhiều bức xúc trong cử tri và dư luận xã hội...”, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nhấn mạnh và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định rõ trong Luật về nội dung, quy trình xây dựng, thẩm định và phê duyệt của một đề án thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục.

Phải thể hiện được định hướng phát triển lâu dài và bền vững cho giáo dục Việt Nam

Qua thảo luận tại tổ về dự án luật, các đại biểu cơ bản tán thành việc mở rộng phạm vi sửa đổi và quan điểm xây dựng Luật Giáo dục (sửa đổi) được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, và cho rằng nội dung sửa đổi đã cơ bản thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện môi trường pháp lý về giáo dục, phù hợp với Hiến pháp 2013. Việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục nhằm tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, tăng tính dân chủ, tự chủ của các cơ sở giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, để làm rõ hơn căn cứ của việc đề xuất các chính sách mới và sửa đổi các điều khoản của Dự án Luật, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục đầu tư cho các báo cáo đánh giá tác động, xác định rõ cơ sở lý luận và thực tiễn để xem xét thấu đáo những vấn đề do thực tiễn đặt ra, đồng thời thể hiện được định hướng phát triển lâu dài và bền vững cho giáo dục Việt Nam.

Một số ý kiến đề nghị dựa trên sự phát triển giáo dục qua các thời kỳ và mục tiêu giáo dục đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu quy định về triết lý giáo dục Việt Nam; bổ sung quy định cụ thể về cơ chế, chính sách nhằm huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho giáo dục, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan. Đặc biệt các quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong quá trình phối hợp hoặc trực tiếp thực thi các quy định nêu trong dự thảo luật.

Ngoài ra, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo trong quá trình xây dựng Luật cần tính đến các lĩnh vực, đối tượng chưa có luật điều chỉnh chi tiết như giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, nhà giáo,… tạo tiền đề cho việc xây dựng các luật chuyên ngành khi có điều kiện thích hợp.

Đối với quy định cơ sở giáo dục được tự lựa chọn giáo khoa để đưa vào chương trình giảng dạy trên cơ sở ý kiến đề xuất của giáo viên và phụ huynh, một số đại biểu cho rằng, tại các vùng dân tộc thiểu số, có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, công tác giáo dục còn rất hạn chế, sự quan tâm của các phụ huynh ở các địa phương này dành cho giáo dục còn rất ít. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định này bởi quy định như trong dự thảo luật chỉ phù hợp với những địa phương có dân trí tốt, điều kiện phát triển kinh tế cao.

Việc thực nghiệm chương trình và sách giáo khoa cũng được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Các đại biểu đề nghị việc chạy thực nghiệm chương trình và sách giáo khoa cần phải được triển khai song song cả ở các cơ sở giáo dục ở các thành phố lớn, lẫn các cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa để có sự đánh giá toàn diện, bởi khả năng nắm bắt kiến thức ở các địa phương này thường chênh lệch khá lớn, không thể chỉ thực nghiệm ở một số địa phương mà đưa vào áp dụng chung cho cả nước...

THẢO NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/de-xuat-mien-hoc-phi-doi-voi-tre-em-mam-non-5-tuoi-hoc-sinh-trung-hoc-co-so-truong-cong-lap-553957