Đề xuất mở rộng quyền thu giữ tài sản đảm bảo cho các bên mua nợ xấu

Tỷ lệ nợ xấu vẫn tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2021, gần tương đương với tỷ lệ nợ xấu ở thời điểm Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực. Thực tế này khiến nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng theo hướng mở rộng quyền thu giữ tài sản đảm bảo cho các bên mua nợ xấu.

Quang cảnh buổi hội thảo

Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội đã mang lại những chuyển biến tích cực trong xử lý nợ xấu và góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, song tỷ lệ nợ xấu vẫn tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2021.

Ngày 17-5, tại hội thảo "Vấn đề xử lý nợ xấu trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)", các chuyên gia bày tỏ lo ngại về việc tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đến cuối tháng 2-2023 đã lên tới 2,91%, tăng khá mạnh so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi so với cuối năm 2021.

Dẫn báo cáo vừa được Ngân hàng Nhà nước gửi đến Quốc hội, TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư, cho biết, lũy kế đến cuối tháng 1-2023, toàn hệ thống đã xử lý được 416.000 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42; trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng đạt 211.900 tỷ đồng (chiếm 50,9%). Tuy nhiên, sau hơn 6 năm triển khai Nghị quyết 42, thực tiễn đã phát sinh nhiều vướng mắc.

Ngân hàng Nhà nước xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2-2023 ước chiếm 5% tổng dư nợ - gần tương đương với tỷ lệ nợ xấu ở thời điểm Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực.

Nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh năm 2022 và quý 1-2023 cho thấy nợ xấu gia tăng mạnh so với trước, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 2%, một số ngân hàng nợ xấu tăng đột biến 4% - ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) bày tỏ lo ngại.

Đây cũng là mối quan tâm của TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế Trưởng ngân hàng BIDV. Ông Lực cho rằng rủi ro tín dụng của các ngân hàng gia tăng do khách hàng phải chịu tác động cộng hưởng từ ảnh hưởng hậu Covid-19, khó khăn trên thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tình hình kinh tế trong nước và quốc tế khó khăn, mặt bằng lãi suất còn ở mức cao…

Theo ông Hoàng Hải Vương, Giám đốc khu vực miền Bắc, Eximbank, một trong những khó khăn lớn nhất trong xử lý nợ xấu là quá trình thu giữ tài sản bảo đảm. Theo Nghị quyết 42, quyền thu giữ tài sản bảo đảm phải đi kèm với điều kiện là hồ sơ thế chấp giữa khách hàng và các tổ chức tín dụng phải có thỏa thuận về các điều khoản thu giữ tài sản bảo đảm, song thực tế là tính đến thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực, đa số các hợp đồng thế chấp không có điều khoản này.

Muốn thực hiện được, các tổ chức tín dụng phải tiến hành đàm phán với khách hàng vay để ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh, tuy nhiên đối với những khoản nợ xấu đã phát sinh thì thuyết phục khách hàng trả nợ vay đã khó, thuyết phục khách hàng ký phụ lục hợp đồng còn khó khăn hơn rất nhiều.

Đồng quan điểm, chuyên gia Darryl Dong (Tổ chức Tài chính quốc tế - IFC) khuyến nghị cần sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng cần mở rộng quyền thu giữ tài sản đảm bảo cho các bên mua nợ xấu thông qua việc cho họ được thế quyền trong các quyền và nghĩa vụ của bên bán nợ xấu. Ít nhất, cần cho phép bên mua nợ xấu được ủy quyền cho bên bán nợ xấu quản lý khoản nợ xấu, thu nợ và nếu cần thiết thì thu giữ tài sản bảo đảm hay phát mại thay mặt cho bên mua nợ xấu.

Về thứ tự thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo, nhiều chuyên gia và ngân hàng thương mại ủng hộ phương án ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ của tổ chức tín dụng trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước.

Mặc dù vậy, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, đề xuất ưu tiên này chưa phù hợp với pháp luật về thuế và pháp luật có liên quan.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/de-xuat-mo-rong-quyen-thu-giu-tai-san-dam-bao-cho-cac-ben-mua-no-xau-post690055.html