Đề xuất nghỉ học ngày thứ Bảy: Chuyên gia kiến nghị để các trường tự bố trí lịch học

Lo ngại việc cho học sinh nghỉ ngày thứ Bảy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, chuẩn đầu ra, GS-TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, không nên đưa ra quy định cứng 'học sinh được nghỉ ngày thứ Bảy' mà nên để các trường tự chủ, tự bố trí lịch học.

GS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục cho rằng không nên quy định học sinh được nghỉ ngày thứ Bảy mà nên để các trường tự bố trí lịch học phù hợp với chuẩn đầu ra.

Những ngày qua, đề xuất các cơ sở giáo dục không tổ chức dạy và học vào ngày thứ Bảy của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận được sự quan của học sinh, phụ huynh, giáo viên trên cả nước. Không ít ý kiến bày tỏ đồng tình.

Tuy nhiên, ngày 24.8, khi tổ chức hội nghị góp ý về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), trong đó có đề cập đến đề xuất học sinh phổ thông được nghỉ học thứ Bảy, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã nhận được không ít ý kiến không đồng tình từ các chuyên gia.

Bà Trần Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng, việc cho học sinh nghỉ ngày thứ Bảy có thể khiến các trường phải sắp xếp để học sinh phải học 2 buổi/ngày. Nếu dẫn đến việc này thì nên cân nhắc, hơn nữa điều kiện trường lớp cũng chưa đảm bảo.

GS-TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng, không nên quy định học sinh được nghỉ ngày thứ Bảy, không nên đưa đề xuất này vào luật mà nên để các trường tự chủ, chủ động bố trí lịch học dựa trên chuẩn đầu ra.

“Tới đây thực hiện chương trình, SGK phổ thông mới, sẽ có nhiều hoạt động giáo dục trải nghiệm, nếu cho các em nghỉ ngày thứ Bảy sẽ bị hạn chế thời gian trải nghiệm. Hơn nữa mỗi trường, mỗi địa phương lại có những chuẩn đầu ra khác nhau.

Ví dụ như các thành phố: Hà Nội, TPHCM khó có thể chỉ thực hiện dựa vào chuẩn đầu ra tối thiểu như các tỉnh kém phát triển hơn về kinh tế-xã hội. Tương tự, các trường chất lượng cao có thể đặt ra các chuẩn đầu ra khác các trường đại trà. Vì vậy, không nên quy định không học vào cuối tuần mà nên để các cơ sở giáo dục, địa phương tự sắp xếp thời gian để đảm bảo chuẩn đầu ra”- GS-TS Nguyễn Quý Thanh nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS-TS Trần Ngọc Giao - nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục – lại tán thành đề xuất học sinh phổ thông không học thứ Bảy, Chủ nhật.

“Nếu Luật Giáo dục quy định điều này thì sẽ phù hợp với luật lao động. Điều này cũng giúp trả các em về cho gia đình để trải nghiệm cuộc sống, gắn kết yêu thương gia đình. Đồng thời đề cao trách nhiệm nuôi dạy trẻ vị thành niên của gia đình”- PGS Trần Ngọc Giao nêu quan điểm.

GS-TS Tạ Ngọc Tấn - nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh – cũng cho rằng, luật nên quy định học sinh phổ thông được nghỉ học thứ Bảy, Chủ nhật. Thực hiện điều này sẽ bảo đảm quyền trẻ em, để học sinh, giáo viên được nghỉ ngơi vào hai ngày cuối tuần.

Đặng Chung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/de-xuat-nghi-hoc-ngay-thu-bay-chuyen-gia-kien-nghi-de-cac-truong-tu-bo-tri-lich-hoc-627342.ldo