Đề xuất phân loại màu biển số xe kinh doanh và không kinh doanh vận tải

Sau 9 năm thực hiện, bên cạnh các kết quả tích cực, Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh, đang được Bộ GTVT đề xuất sửa đổi toàn diện.

Theo đề xuất, Luật GTĐB mới sẽ sửa đổi các quy định về quy hoạch giao thông đường bộ phù hợp với Luật Quy hoạch và yêu cầu phát triển, quản lý; xem xét việc phân loại hệ thống đường bộ; bổ sung các nội dung về bảo trì đường bộ theo Luật Xây dựng; trách nhiệm bảo trì các hệ thống đường; điều chỉnh phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng...

Đáng quan tâm, về phương tiện tham gia giao thông đường bộ, sẽ xem xét đối với quản lý chất lượng, an toàn kỹ thuật của xe 4 bánh chạy bằng năng lượng; khung pháp lý quản lý đối với các loại xe công nghệ cao, điều khiển bằng hệ thống giao thông thông minh; xem xét đối với quản lý chất lượng, khí thải đối với xe mô tô.

Theo Bộ GTVT, qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, mặc dù các địa phương đã tăng cường xử lý, tuy nhiên vẫn còn nhiều lái xe vi phạm thời gian lái xe liên tục quá 4 giờ, lái xe chạy quá tốc độ... Các quy định hiện hành đối với việc đào tạo, kiểm tra kỹ thuật lái xe định kỳ đối với đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải chưa có và chưa phân biệt đối với lái xe không kinh doanh vận tải.

Theo đề xuất sửa đổi Luật GTĐB, sẽ xem xét phân loại màu biển số xe kinh doanh vận tải và xe không kinh doanh vận tải.

Công tác tuần tra, kiểm soát chưa bao quát được hết địa bàn được giao và thời gian trong ngày, còn việc ứng dụng khoa học công nghệ vào việc kiểm soát, xử lý vi phạm còn hạn chế. Hệ thống điều khiển, giám sát giao thông còn thiếu; toàn hệ thống QL (trong đó có hệ thống đường cao tốc) còn thiếu các trung tâm điều khiển, điều hành giao thông, chưa có hệ thống quản lý giao thông thông minh (ITS), chưa có các trung tâm điều khiển xe đi trên các tuyến (trừ một số tuyến đường cao tốc và hầm Hải Vân).

Vì vậy, các hành vi vi phạm về quy tắc giao thông, người điều khiển phương tiện như: điều khiển xe không có giấy phép lái xe, đi không đúng làn đường, phần đường, đi vào đường cao tốc, chở quá khổ quá tải, xâm phạm công trình giao thông, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè… diễn ra phổ biến, phức tạp. Chưa kể, vẫn còn có các hiện tượng tiêu cực trong công tác phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính của các lực lượng thực thi công vụ.

Trong thời gian vừa qua, việc sử dụng phương tiện cá nhân vào kinh doanh vận tải diễn ra khá phổ biến, gây nên tình trạng lộn xộn trong hoạt động vận tải, tạo ra những điều kiện bất bình đẳng giữa các đơn vị kinh doanh vận tải.

Nhiều phương tiện cá nhân kinh doanh đã không chấp hành các quy định về kinh doanh vận tải, không đảm bảo các yêu cầu về thuế và các điều kiện đảm bảo an toàn giao thông khác.

Việc quy định phân biệt giữa phương tiện kinh doanh và phương tiện không kinh doanh vận tải để đảm bảo môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh, minh bạch, công bằng cũng như đảm bảo an toàn cho người dân khi sử dụng dịch vụ vận tải đường bộ.

Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất xem xét việc phân loại màu biển số xe của xe kinh doanh vận tải và xe không kinh doanh vận tải, yêu cầu việc đăng ký tài khoản ngân hàng của chủ phương tiện.

Đáng quan tâm, Dự luật sửa đổi sẽ xem xét tăng độ tuổi của người lái xe trên 30 chỗ ngồi phù hợp với các quy định của Bộ luật lao động. Đồng thời, quy định việc có chứng chỉ pháp luật giao thông đường bộ đối với người điều khiển một số loại phương tiện như xe máy điện, xe đạp điện….

Luật sửa đổi cũng sẽ điều chỉnh, bổ sung nội dung quản lý Nhà nước về giao thông, trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giao thông đường bộ và bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền của các lực lượng chức năng trong xử lý, đảm bảo trật tự ATGT trong đó có việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, xử lý vi phạm thông qua trang thiết bị kỹ thuật, hệ thống giao thông thông minh…

Theo cơ quan đề xuất, việc sửa đổi, bổ sung Luật GTĐB 2008 lần này tương đối toàn diện, dự kiến thực hiện ở hầu hết các điều của các chương sẽ tạo nên các bước đột phá trong việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong việc phát triển lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ.

Đồng thời, khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật GTĐB năm 2008 và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Tính đến tháng 3-2018, tổng số xe cơ giới đang lưu hành là 2.983,525 xe (bao gồm xe con: 1.561.758; xe khách: 152.543; xe tải: 1.149.591; xe chuyên dùng: 30.062; các loại xe khác: 89.569). Hiện nay, vận tải ô tô đảm nhiệm trên 90% tổng khối lượng vận chuyển hành khách và trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa. Tính đến hết tháng 8-2017 cả nước có 8.726 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh với 1.252 DN, HTX tham gia hoạt động vận tải hành khách. Hiện cả nước có 59/63 tỉnh, TP đã có tổ chức hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, với hơn 9.000 xe, vận chuyển hàng trăm triệu lượt hành khách mỗi năm.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/de-xuat-phan-loai-mau-bien-so-xe-kinh-doanh-va-khong-kinh-doanh-van-tai-119554.html