Đề xuất phát hành trái phiếu quốc tế gắn với VND

IFC dự kiến phát hành trái phiếu gắn với tiền đồng và được giao dịch hoàn toàn bằng đồng USD trên thị trường quốc tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) vừa tổ chức tọa đàm lấy ý kiến về đề xuất phát hành trái phiếu quốc tế gắn với tiền đồng (Trái phiếu Bông sen).

Đề xuất phát hành trái phiếu quốc tế gắn với VNĐ. Ảnh: VietnamFinance

Bà Nena Stoiljkovic, Phó chủ tịch IFC cho biết, dự kiến phát hành trái phiếu gắn với tiền đồng và được giao dịch hoàn toàn bằng đồng USD trên thị trường quốc tế. Số vốn thu được từ đợt phát hành lần đầu (dự kiến 100 triệu USD) sẽ được chuyển đổi thành VND trên thị trường ngoại hối và dùng để triển khai các hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Bà Nena Stoiljkovic nhấn mạnh, tổ chức này có khả năng tạo ra thị trường xúc tác cho các khoản đầu tư vốn nước ngoài vào khu vực tư nhân trong nước. Các nhà đầu tư như các quỹ thịnh vượng nước ngoài và các ngân hàng trung ương là khách hàng điển hình của trái phiếu USD và có thể thấy Trái phiếu Bông sen của IFC hấp dẫn, nhờ đó thu hút thêm các khoản đầu tư nước ngoài mới vào thị trường vốn của Việt Nam.

Trái phiếu Bông sen cũng cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận dễ dàng hơn với các khoản đầu tư VND, đồng thời cũng chào mời họ đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Để IFC có thể huy động VND để tài trợ cho các hoạt động đầu tư tại Việt Nam, IFC đề xuất thiết lập một chương trình trái phiếu VND ở nước ngoài để huy động vốn nước ngoài tài trợ cho các khoản đầu tư bằng nội tệ. Trái phiếu sẽ được bán trên thị trường quốc tế cho các nhà đầu tư quốc tế và có mệnh giá bằng VND nhưng được thanh toán bằng số tiền tương đương bằng USD (trái phiếu gắn với VND).

Về phía Việt Nam, đại diện Ngân hàng Nhà nước Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhu cầu đầu tư phát triển của toàn vùng kinh tế là rất lớn. Trong bối cảnh Việt Nam đã tốt nghiệp vay IDA từ WB và dự kiến tốt nghiệp ADF từ ADB và nguồn lực trong nước còn hạn chế, sáng kiến, công cụ tài chính mới của IFC sẽ là kênh tài chính cần thiết, góp phần hỗ trợ triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế đã được Chính phủ đề ra.

Cũng theo Phó thống đốc, sau khi chuyên gia ADB trình bày chi tiết về kế hoạch phát hành trái phiếu và làm rõ nhiều ý kiến băn khoăn/thắc mắc của các đại biểu, một số đơn vị của Ngân hàng Nhà nước đã có phản hồi tích cực với đề xuất này của ADB.

Tránh để lại gánh nặng

Trước đó, đề xuất phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu nợ trong nước cũng được đề cập nhiều tại các phiên thảo luật Quốc hội.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc phát hành trái phiếu quốc tế thời điểm hiện tại là cần thiết.

TS Trần Du Lịch (Tp.HCM) cho rằng việc này có ba cái lợi. Thứ nhất, cơ cấu được nợ dài hạn. Thứ hai, trước mắt có nguồn ngoại hối đi vào nhanh để cân đối và trong khi trả nợ thì cả khoản từng năm nấc nhỏ không bị áp lực ngoại hối.

Thứ ba, việc phát hành trái phiếu sẽ đánh giá độ tín nhiệm Việt Nam thường xuyên trên thị trường thế giới mà lúc này, theo đại biểu Lịch là cũng đang có tín nhiệm.

Phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để đảo nợ?

TS Huỳnh Thế Du cũng cho rằng, việc phát hành trái phiếu quốc tế là đương nhiên, không có gì bất ngờ.

Tuy nhiên, vị này cho biết, việc quyết định mua ở mức giá nào được các nhà đầu tư, các nhà phân tích chuyên nghiệp tiến hành phân tích rất tỷ mỉ. Sức khỏe của nền kinh tế tốt thì lãi suất thấp. Ngược lại, nền kinh tế có vấn đề thì phải chịu lãi suất cao hơn. Của nào tiền ấy, rủi ro cao lãi suất phải cao dường như là quy luật bất biến ở các thị trường này.

"Mặc dù có nhận định: "Số nợ hiện nay của Việt Nam so với các nước khác chưa thuộc loại cao và chưa tới giới hạn nguy hiểm", song theo cảnh báo của Chính phủ, số nợ đó "đang tăng lên nhanh chóng và sẽ có nguy cơ đe dọa tính bền vững của sự phát triển trong tương lai, nhất là khi vốn vay chưa được sử dụng có hiệu quả".

Ta biết rằng, huy động trái phiếu có nghĩa là Chính phủ "đi vay" ở nước ngoài. Đã đi vay thì phải trả mà còn phải trả với lãi suất cao. Một khoản đi vay chỉ có thể trả được khi suất sinh lợi mà nó làm ra tối thiểu phải bằng lãi suất đi vay. Con số cụ thể ở đây là 7,13%.

Thế hệ này đi vay, thế hệ sau sẽ phải trả. Các khoản nợ chỉ có thể trả được khi mà một nền tảng vững chắc được để lại. Nếu không gánh nặng nợ nần cho con cháu chúng ta là rất khủng khiếp", chuyên gia tài chính Huỳnh Thế Du nhận định.

An An (tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/de-xuat-phat-hanh-trai-phieu-quoc-te-gan-voi-vnd-3356493/