Đề xuất 'phí chia tay' liệu có khả thi?

Đề xuất thu 'phí chia tay' mà Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) vừa đưa ra đã ngay lập tức thu hút tranh luận đa chiều từ xã hội.

Đề xuất "phí chia tay" gây tranh cãi lớn trong dư luận.

Đề xuất "phí chia tay" gây tranh cãi lớn trong dư luận.

Lý giải thêm về điều này, Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch) lý do về đề xuất người Việt Nam ra nước ngoài sẽ đóng 3-5 USD "phí chia tay" là mong muốn để dự Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của Việt Nam không chỉ quy định về xuất nhập cảnh mà phải nói rõ hơn những trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của công dân.

Cùng với đó, các cơ quan liên quan ở nước ngoài khi người Việt Nam ra nước ngoài phải có sự bảo hộ, hỗ trợ, giúp đỡ khi cần thiết.

Ông nói thêm, khi làm thủ tục ở cửa khẩu xuất nhập cảnh, người dân cần có sự hỗ trợ, công nghệ thông tin, các thủ tục để việc xuất nhập cảnh được thuận lợi nhất, văn minh, lịch sự, đặc biệt, nhanh, thuận tiện hơn.

Theo ông Hưng, hiện nay các nước cũng phải huy động nguồn lực xã hội hóa cho vấn đề quảng bá, xúc tiến, giới thiệu đất nước, văn hóa, con người với nước ngoài. Tuy nhiên, nguồn lực của Việt Nam rất ít, cụ thể, trung bình 1 năm Nhà nước chỉ dành được khoản tiền khoảng 2 triệu USD để cho chương trình, quỹ xúc tiến du lịch Quốc gia.

Do đó, ông Hưng cho rằng, Việt Nam cũng nên thu “phí chia tay” và tiền này sẽ được trích cho các cơ quan ngoại giao có kinh phí bảo hộ, hỗ trợ công dân khi ra nước ngoài gặp khó khăn. Để cơ quan xuất nhập cảnh Việt Nam đầu tư nâng cấp máy móc, kỹ thuật… phục vụ công tác xuất nhập cảnh, đầu tư xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh của đất nước.

Như vậy, mặc dù động cơ đưa ra đề xuất là tốt, nhưng động cơ tốt chưa chắc dẫn đến hiệu quả tốt của chính sách nếu không có kế hoạch hợp lý. Đơn cử, nếu áp thuế xuất cảnh thì cần cân nhắc cả đối tượng người nước ngoài.

Ngay như tại Nhật Bản, “thuế chia tay” cũng chỉ áp dụng với công dân nước ngoài khi xuất cảnh khỏi Nhật Bản. Theo đó, “thuế đối với khách du lịch nước ngoài" hay còn được gọi là "Sayonara Tax" (Phí tạm biệt) là khoản phí du khách nước ngoài sau khi kết thúc chuyến du lịch tại Nhật Bản phải trả nếu muốn rời khỏi đây.

"Có hiệu lực từ 7/1/2019, khách du lịch khi đến với Nhật Bản phải trả 1.000 JPY (khoảng 10 USD) phí rời đi. Khoản phí nhằm thúc đẩy và mở rộng hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch tại đây", thông báo trên trang chủ của Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO).

Theo cơ quan này, mục tiêu lớn nhất của chính phủ Nhật khi ban hành loại phí này là nâng cấp, xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch chuẩn bị cho Olympic 2020 được tổ chức ở Tokyo.

Khoản phí này cũng chỉ áp dụng đối với khách du lịch nước ngoài, cơ quan này không đề cập đến thu phí đối với công dân Nhật.

"Khoản phí này sẽ giúp tạo môi trường thoải mái cho khách du lịch, nâng cao việc tiếp cận thông tin về các thắng cảnh và giúp khách du lịch khám phá nền văn hóa, tài nguyên thiên nhiên độc đáo của đất nước này", thông báo của JNTO ghi.

Phí này sẽ được cộng dồn vào các khoản phụ phí của vé máy bay, vé tàu của khách du lịch từ một quốc gia khác.

Tại một số quốc gia khác cũng áp dụng "phí chia tay" hay "phí xuất cảnh" này như Anh, Australia, Malaysia... là khoản phí được thu bởi nước sở tại khi một người rời khỏi đó, phí này được thu từ khách du lịch lẫn công dân.

Trên thực tế, đây cũng không phải lần đầu tiên công luận nghe thấy giới chức sắc, các nhà làm chính sách của Việt Nam dẫn lý do đề xuất chính sách là học tập kinh nghiệm nước ngoài. Tuy nhiên, việc đề xuất hay thực thi bất kỳ chính sách nào, các nhà làm chính sách cần căn cứ vào tình hình thực tế và đánh giá tác động cụ thể thực tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc cần làm trước mắt là phải đề cao văn hóa công vụ, tươi cười niềm nở, tôn trọng công dân Việt Nam mỗi khi họ xuất cảnh ra nước ngoài hay trở về đất nước, chứ không phải sinh ra thêm một loại phí chỉ để đổi lấy sự niềm nở, ân cần.

Thy Hằng

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/de-xuat-phi-chia-tay-lieu-co-kha-thi-152049.html