Đề xuất quy định kiểm soát, kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Thông tư quy định về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mục tiêu hoạt động kiểm soát nội bộ nhằm bảo đảm hoạt động của đơn vị tuân thủ pháp luật và các quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy định của Ngân hàng Nhà nước, phòng ngừa, hạn chế rủi ro; quản lý, sử dụng tài sản và các nguồn lực an toàn, hiệu quả, tiết kiệm.

Theo dự thảo, hoạt động kiểm soát nội bộ phải đảm bảo nguyên tắc kiểm soát kép; việc phân công nhiệm vụ, nhất là nghiệp vụ có rủi ro cao phải có ít nhất hai người thực hiện để kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau nhằm đảm bảo phòng ngừa rủi ro, an toàn tài sản và hiệu quả công tác. Không để một cá nhân nào có thể tự thực hiện và quyết định một quy trình nghiệp vụ hoặc một giao dịch cụ thể, ngoại trừ những giao dịch được pháp luật cho phép.

Nội dung hoạt động kiểm soát nội bộ gồm: Thực hiện tự kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành chế độ hạch toán, kế toán, quản lý tài chính, tài sản, an toàn thông tin và tính tuân thủ, hiệu quả hoạt động của các bộ phận, cá nhân trong đơn vị. Giám sát an toàn tài sản đối với lĩnh vực được phân công và theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Thiết lập cơ chế giám sát, thông tin, báo cáo hữu hiệu nhằm phòng ngừa rủi ro, bảo vệ an toàn tài sản, đảm bảo cho hoạt động của đơn vị hiệu quả, thông suốt và đúng pháp luật.

Kiểm toán nội bộ

Theo dự thảo, nguyên tắc kiểm toán nội bộ là bảo đảm tính độc lập, khách quan, thành thạo chuyên môn và thận trọng nghề nghiệp. Không can thiệp hoặc làm cản trở hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán; bảo vệ bí mật nhà nước và bí mật của đơn vị được kiểm toán.

Dự thảo cũng nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiểm toán nội bộ. Theo đó, nghiêm cấm các hành vi sau đây đối với Vụ Kiểm toán nội bộ, Trưởng Đoàn và các thành viên Đoàn kiểm toán: Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi; nhận hối lộ; tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật của đơn vị được kiểm toán; tiết lộ thông tin về tình hình và kết quả kiểm toán khi chưa được ban hành hoặc công bố chính thức; báo cáo sai lệch, không đầy đủ kết quả kiểm toán.

Nội dung kiểm toán nội bộ bao gồm: Kiểm toán tài chính là việc kiểm toán để đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính và báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán.

Kiểm toán tuân thủ: Là việc kiểm toán để đánh giá và xác nhận việc tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế mà đơn vị được kiểm toán phải thực hiện.

Kiểm toán hoạt động: Là việc kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công.

Căn cứ yêu cầu của từng cuộc kiểm toán, Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ quyết định nội dung cuộc kiểm toán phù hợp.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

KL

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/chinh-sach-moi/de-xuat-quy-dinh-kiem-soat-kiem-toan-noi-bo-ngan-hang-nha-nuoc-viet-nam/397039.vgp