Đề xuất quy định mới về xử phạt VPHC trong lĩnh vực tư pháp

Bộ Tư pháp đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ảnh minh họa

Ngày 24/9/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã và được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 (Nghị định 110). Nghị định 110 đã đặt ra những cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý thống nhất công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã trong phạm vi toàn quốc.

Qua thực tiễn thi hành Nghị định 110 cho thấy, Nghị định đã góp phần trong việc duy trì, tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước về lĩnh vực tư pháp, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã trong phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, hiện nay, một số văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý để ban hành Nghị định 110 đã có nhiều sự thay đổi, có văn bản đã được ban hành mới, có văn bản được sửa đổi, bổ sung, dẫn đến nhiều quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong Nghị định không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung.

Để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Trợ giúp pháp lý đồng thời, để bảo đảm sự phù hợp của các quy định pháp luật thì việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP là cần thiết để bảo đảm cơ sở pháp lý và chế tài xử phạt khi có hành vi vi phạm xảy ra.

Bên cạnh đó, tình hình vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự ngày càng gia tăng cả về tính chất, mức độ phức tạp. Quy định pháp luật về các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự chưa rõ ràng, chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với các lĩnh vực trên chưa nghiêm, mức xử phạt vi phạm hành chính quá thấp, các chế tài về thu hồi Giấy phép hoạt động, cấm hoạt động, tạm dừng, tạm đình chỉ hoạt động đối với các đơn vị được thanh tra còn ít, chưa áp dụng được nhiều. Nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực được thanh tra như luật sư, công chứng, đấu giá tài sản... chưa có chế tài xử phạt hoặc biện pháp xử phạt chưa tương xứng, nên tạo ra tâm lý coi thường pháp luật, coi thường sự quản lý nhà nước. Do đó, cần thiết phải nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 110.

Bộ Tư pháp đã dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã gồm 8 chương, 92 điều. Bên cạnh các quy định chung, dự thảo đã đề xuất quy định cụ thể về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; lĩnh vực hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/chinh-sach-moi/de-xuat-quy-dinh-moi-ve-xu-phat-vphc-trong-linh-vuc-tu-phap/345198.vgp