Đề xuất sớm thu phí vào nội đô, cho sử dụng dạ cầu

Cho khai thác, sử dụng gầm cầu đường bộ, phần không gian dưới dạ cầu cạn phục vụ mục đích công cộng sẽ góp phần giải quyết nhu cầu thiết yếu của người dân

Sáng 21-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Trần Thanh Mẫn, QH thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.

Quy định và giao thẩm quyền cho địa phương

Liên quan đến điều 13 về đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ của dự thảo, đại biểu (ĐB) Hà Phước Thắng, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP HCM, cho rằng theo quy định hiện nay thì không được phép sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác.

Tuy nhiên, thực tế nhu cầu đỗ xe trên địa bàn TP HCM rất lớn, việc thực hiện quy hoạch hệ thống giao thông tỉnh trên địa bàn gặp khó khăn. Kho chứa vật tư phục vụ công trình đường bộ của TP còn thiếu nhiều so với nhu cầu đáp ứng kịp thời để sửa chữa, thay thế, khắc phục sự cố hư hỏng, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT). Hiện trên địa bàn thành phố còn rất nhiều diện tích dưới mặt bằng dạ cầu đường bộ, cầu cạn của các tuyến đường cao tốc. Ngoài ra, người dân thành phố cần có thêm nhiều khu thể dục thể thao, đặc biệt cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Vì vậy, theo ĐB Thắng, việc tận dụng vị trí dạ cầu để tổ chức các bãi trông xe, hoạt động thể dục thể thao phục vụ mục đích công cộng sẽ góp phần giải quyết nhu cầu thiết yếu của người dân, bảo đảm trật tự ATGT và mỹ quan đô thị. Ông Hà Phước Thắng đề xuất bổ sung quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc khai thác, sử dụng gầm cầu đường bộ, phần không gian dưới dạ cầu cạn đối với các hệ thống đường bộ do địa phương chịu trách nhiệm quản lý, khai thác và bảo trì để làm bãi đỗ xe, đường giao thông, kho chứa vật tư phục vụ bảo trì công trình đường bộ và các hoạt động khác…; không được làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu của công trình đường, đường bộ, cầu, bảo đảm về phòng chống cháy nổ và không gây mất trật tự ATGT.

Nhất trí cao với nhiều nội dung trong dự thảo luật, ĐB Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) góp ý thêm về phí sử dụng đường bộ. ĐB Thủy đề nghị cân nhắc bổ sung phí giao thông nội đô áp dụng với ô tô cá nhân vào một số khu vực đô thị trong khung thời gian nhất định. Như vậy, để hạn chế phương tiện cá nhân phát triển quá mức, giảm tắc nghẽn, mặt khác bổ sung nguồn thu cho nhà nước để phát triển kết cấu giao thông đường bộ, giao thông công cộng.

"Hiện có 5 tỉnh, thành được thí điểm áp dụng thu các loại phí chưa được quy định trong luật và một số thành phố như Hà Nội, TP HCM đã tiến hành đề án thu phí nội đô, phí kẹt xe nhưng vì chưa có luật quy định nên việc áp dụng còn dè dặt. Do đó, đề nghị bổ sung loại phí này vào Luật Đường bộ, các pháp luật về phí và giao HĐND cấp tỉnh quy định về phạm vi địa bàn, đối tượng áp dụng" - bà Thủy kiến nghị.

Đại biểu Hà Phước Thắng, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể Ảnh: LÂM HIỂN

Đại biểu Hà Phước Thắng, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể Ảnh: LÂM HIỂN

Không nên cấm xe ghép, xe tiện chuyến

Góp ý dự thảo luật, ĐB Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho rằng tại khoản 10 điều 56 của dự thảo luật quy định "đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách (VTHK) theo hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng VTHK với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe" - nghĩa là mỗi chuyến xe hợp đồng (CXHĐ) chỉ được chở một hành khách hoặc là một nhóm khách. Bà Yên cho rằng ban soạn thảo đưa ra quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng "núp bóng" xe hợp đồng để kinh doanh VTHK liên tỉnh theo tuyến cố định. Tuy nhiên, quy định như vậy sẽ làm hạn chế loại hình VTHK đang phổ biến ở nhiều quốc gia khác, đó là mô hình chia sẻ CXHĐ dưới 10 chỗ thông qua các nền tảng gọi là xe trực tuyến.

Về cơ bản mô hình xe ghép, xe tiện chuyến cho phép những hành khách có cùng lộ trình nhưng khác điểm đón và trả khách có thể đi chung chuyến xe. Qua đó, hành khách sẽ được hưởng cước phí di chuyển rẻ hơn, tài xế cũng được tăng thu nhập do lượng hành khách trong một chuyến xe tăng lên. ĐB Yên lý giải: "Mô hình này mang nhiều lợi ích cho xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế. Hành khách hoàn toàn có thể cùng nhau đi chung một tuyến đường để chia sẻ cước phí dịch vụ vận chuyển, thường là không có sự quản lý đặc biệt đối với các dịch vụ chia sẻ chuyến đi. Các dịch vụ này thường được quản lý như một loại hình dịch vụ xe hợp đồng, xe cho thuê cá nhân do tính ưu việt, nhất là về giá dịch vụ". Bà Yên đề nghị điều chỉnh khoản 10 điều 56 theo hướng vừa kiểm soát tình trạng "xe dù, bến cóc" nhưng vẫn tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ được hoạt động.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) chia sẻ quy định như dự thảo sẽ dẫn đến không còn mô hình chia sẻ CXHĐ của loại ô tô con dưới 10 chỗ bao gồm cả hợp đồng giấy và hợp đồng điện tử thông qua nền tảng gọi xe trực tuyến. Ông Trí nhìn nhận việc dịch vụ chia sẻ chuyến xe cho phép một CXHĐ có thể chở nhiều hành khách một cách độc lập, miễn là các hành khách này có cùng cung đường di chuyển, đơn vị vận chuyển của các hành khách đồng ý ghép chuyến để tối ưu hóa quãng đường đi cũng như chi phí của chuyến đi, đang được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam dịch vụ này đang nhận được sự ưa thích bởi đem lại lợi ích về kinh tế cho các bên tham gia. Do đó, ông Trí đề nghị không giới hạn về việc thuê cả chuyến hay không đối với loại hình vận tải này.

Hôm nay (22-5), QH tiến hành công tác nhân sự; nghe các tờ trình về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Bầu Chủ tịch nước; miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an

Chiều 21-5, QH đã thông qua việc điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ 7, QH khóa XV. Theo đó, cuối giờ chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) đã trình QH danh sách đề cử để QH bầu Chủ tịch nước. Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị QH phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an đối với Đại tướng Tô Lâm. Trước đó, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất rất cao giới thiệu Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, để QH khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch nước. Theo chương trình, sau khi Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình đề nghị QH phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an đối với Đại tướng Tô Lâm, các đại biểu QH thảo luận tại đoàn danh sách đề cử để QH bầu Chủ tịch nước; đề nghị phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an.

Sáng 22-5, QH sẽ tiến hành các bước, quy trình để bầu Chủ tịch nước. Sau đó QH thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước. Chủ tịch nước tuyên thệ, phát biểu nhậm chức. Tiếp đó, QH tiến hành các quy trình và thông qua nghị quyết phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an đối với Đại tướng Tô Lâm.

Khó nâng mức tiền đặt trước khi đấu giá

Chiều 21-5, QH thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết dự thảo luật quy định trường hợp trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền đặt cọc. Trong quá trình tiếp thu, giải trình, nhiều ý kiến đề nghị cần nâng mức tiền đặt trước để hạn chế những trường hợp nộp hồ sơ nhằm thông đồng, dìm giá, "bỏ cọc" sau khi trúng đấu giá.

Ông Thanh cho rằng việc nâng mức tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản và tài sản khác là không phù hợp, vì các tài sản đặc thù này thường có giá trị rất lớn.

Theo báo cáo của cơ quan chủ trì soạn thảo, quá trình triển khai quy định về mức tiền đặt trước từ 5%-20% của luật hiện hành cơ bản phù hợp với thực tiễn. Thông lệ quốc tế đều không có quy định cụ thể về khoản tiền đặt trước tham gia đấu giá. Việc nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản, mà còn hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản. Việc xử lý tình trạng người trúng đấu giá "bỏ cọc" phải được xử lý bằng các hình thức khác chứ không chỉ bằng cách quy định nâng mức tiền đặt trước. Việc quy định tiền đặt trước từ 5%-20% để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với khoảng 20 loại tài sản đưa ra đấu giá hiện nay.

H.Thanh - V.Duẩn

Văn Duẩn - Huy Thanh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/de-xuat-som-thu-phi-vao-noi-do-cho-su-dung-da-cau-196240521204145994.htm