Đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Luật Thủ đô

Đây là một trong những nội dung chính được đề cập tại Hội thảo 'Thực trạng công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô và đề xuất sửa đổi, bổ sung điều 14 của Luật Thủ đô' do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với Sở Tư Pháp Hà Nội tổ chức…

Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013, với các cơ chế đặc thù đã góp phần tích cực xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, công tác bảo vệ môi trường Thủ đô nói riêng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn không ít vướng mắc cần tháo gỡ.

Cảnh quan, môi trường Thủ đô ngày một khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Đinh Luyện

Cảnh quan, môi trường Thủ đô ngày một khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Đinh Luyện

Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cùng với Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức buổi hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị sở ngành, các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà khoa học để tham mưu cho Thành phố xây dựng, sửa đổi Điều 14 Luật Thủ đô. Mục đích nhằm tạo bước phát triển hoàn chỉnh hơn về những quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.

Theo ghi nhận, thời gian qua Luật Thủ đô đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Về phía các cơ quan chức năng, trong lĩnh vực phạm vi phụ trách cũng hoạt động hiệu quả hơn. Cụ thể, thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 14 Luật Thủ đô, từ 2015 đến hết 6 tháng đầu năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và các cơ quan quản lý Nhà nước, Công an thành phố Hà Nội đã tiến hành thanh tra, kiểm tra khoảng hơn 11.000 cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường đối với hơn 4.000 cơ sở với tổng mức xử lý trên 65 tỷ đồng, góp phần nần cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ý thức người dân về công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn Hà Nội ngày càng được nâng cao. Ảnh: Đinh Luyện

Về việc triển khai và vận hành các dự án đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường, Thành phố đã đưa vào vận hành 3 khu xử lý chất thải gồm khu Nam Sơn, Sóc Sơn khoảng (4.500 - 5.000 tấn/ngày); khu Xuân Sơn, Sơn Tây (1.200 - 1.400 tấn/ngày), khu xử lý rác Phương Đình, Đan Phượng.

Các dự án về môi trường phấn đấu đến năm 2021 đi vào hoạt động như: Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, công suất 4.000 tấn/ngày đêm; Khu xử lý chất thải Đồng Ké, huyện Chương Mỹ, công suất 1.500 tấn/ngày đêm; Dự án xử lý rác thải thu hồi điện Xuân Sơn, công suất 1.000 tấn/ngày đêm; Dự án khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng, công suất 500 tấn/ngày đêm... cũng đang tích cực được triển khai.

Dù có nhiều ưu điểm song Luật Bảo vệ môi trường và Luật Thủ đô vẫn còn một số hạn chế như chưa có quy định về chính sách, cơ chế ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ trong lĩnh vực môi trường, nhất là cơ chế chính sách hỗ trợ để di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành…

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp đóng góp để tham mưu cho Thành phố xây dựng, sửa đổi Điều 14 Luật Thủ đô.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/de-xuat-sua-doi-bo-sung-dieu-14-cua-luat-thu-do-99022.html