Đề xuất sửa đổi quy định đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin

Hà Tĩnh kiến nghị các cấp, ngành sớm tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 73/2019/NĐ-CP để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.

Chiều 23/4, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và 19 tỉnh, thành trên cả nước tham dự chương trình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở TT&TT Đậu Tùng Lâm chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở TT&TT Đậu Tùng Lâm chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước (gọi tắt là Nghị định 73) quy định các vấn đề liên quan đến: dự án ứng dụng CNTT sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách Nhà nước; các hoạt động ứng dụng CNTT sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Nghị định cũng quy định về các dự án ứng dụng CNTT sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau; hoạt động ứng dụng CNTT của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài; các dự án ứng dụng CNTT đầu tư theo hình thức đối tác công tư…

Lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Trong quá trình triển khai Nghị định số 73 đã phát sinh một số vướng mắc, vì vậy, Bộ TT&TT đã xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định này.

Đến nay, Bộ TT&TT đã tổ chức hội thảo với các địa phương để làm rõ những vướng mắc trong quá trình triển khai nghị định; xây dựng sơ bộ dự thảo dự thảo nghị định sửa đổi; xin ý kiến rộng rãi từ các cấp, ngành, chuyên gia; tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý và tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 73 theo đúng kế hoạch Chính phủ giao.

Đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh theo dõi cuộc họp qua màn hình trực tuyến.

Tại cuộc họp, đại biểu các bộ, ban, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận các vấn đề chính như: hạn mức chi phí cho đơn vị thiết kế các dự án về ứng dụng CNTT; đa dạng hóa nguồn vốn; phân tích tính khả thi của phương án thuê dịch vụ CNTT; phân định rõ tính chất của các phần mềm CNTT là loại hình dịch vụ hay hàng hóa để có những quy định phù hợp…

Đại biểu cũng đề xuất cần phải hướng dẫn, phân loại, quy định cụ thể các trường hợp được sử dụng các nguồn vốn khác nhau; cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của nghị định; xác định rõ đối tượng áp dụng; có hướng dẫn rõ ràng để các địa phương thống nhất trong cách thức triển khai…

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị, các đơn vị liên quan lưu ý một số vấn đề trong quá trình soạn thảo, xây dựng nghị định sửa đổi như: không quy định cụ thể hạn mức chi phí thiết kế; giữ nguyên quy định nguồn vốn đầu tư; bổ sung quy định về thuê dịch vụ CNTT; coi phần mềm thông tin là hàng hóa để có các quy định phù hợp...

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục đóng góp, đề xuất ý kiến bổ sung, sửa đổi để ban soạn thảo tổng hợp, hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi trình Chính phủ trước ngày 30/5/2024.

Từ ngày 1/1/2020, Nghị định số 73 có hiệu lực, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai một số dự án có liên quan về hoạt động ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Công tác hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong phạm vi quản lý được Sở TT&TT thực hiện đảm bảo đối với mỗi nhóm dự án theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Nghị định số 73/2019/NĐ-CP đã góp phần tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về công tác quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh; số lượng dự án thẩm định ngày càng tăng, quy mô và vốn đầu tư khá lớn.

Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều hạn chế, vướng mắc; một số quy định còn chưa cụ thể, rõ ràng, thiếu các phụ lục, biểu mẫu chi tiết hướng dẫn đính kèm nên khó xác định được các nội dung đánh giá phù hợp để thực hiện thẩm định, gây lúng túng cho các đơn vị liên quan.

Ngoài ra, văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 73 không phải là văn bản quy phạm pháp luật, do đó giá trị hiệu lực pháp lý thấp, dẫn đến khó khăn trong công tác thẩm định và xác định giá trị phần mềm; vấn đề hỗ trợ, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn các địa phương chưa được quan tâm đúng mức khiến việc triển khai không đồng nhất…

Trước thực tế đó, Hà Tĩnh kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm tham mưu Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định 73; đồng thời, tăng cường bồi dưỡng, tập huấn các nội dung liên quan cho ngành TT&TT và các ngành liên quan; khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tại các địa phương.

Kiều Minh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/de-xuat-sua-doi-quy-dinh-dau-tu-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-post265320.html