Đề xuất sửa Nghị định 96, chia mức phạt thành nhiều mức...

Sau quyết định xử phạt 90 triệu đối với người đổi 100 USD, đại diện Bộ Tư pháp cho biết sẽ tham mưu đề xuất sửa quy định này.

Thông tin cụ thể được bà Nguyễn Thị Minh Phương (Cục phó Cục Xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp) trao đổi tại cuộc họp báo thường kỳ của bộ, diễn ra hồi cuối tháng 10/2018.

Do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, anh Nguyễn Cà Rê được miễn toàn bộ tiền phạt 90 triệu đồng. Ảnh: Nhadautu

Theo đề xuất của bà Phương, Ngân hàng Nhà nước nên sửa đổi Nghị định 96/2014 theo hướng ban hành các mức phạt khác nhau dựa trên số lượng tang vật, ngoại tệ mua bán không đúng quy định chứ không chỉ một mức như hiện hành.

Đây là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm, bởi, theo quy định hiện hành tại điểm a, khoản 3 điều 24 Nghị định 96/2014, cơ quan quản lý sẽ phạt 80-100 triệu đồng với hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép đổi ngoại tệ.

Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam với hành vi vi phạm.

Vì quy định mang tính chung chung như trên nên đã xảy ra trường hợp anh thợ điện đổi 100 USD và bị phạt tới 90 triệu.

Mới đây, người thợ điện đã có đơn đề nghị miễn tiền phạt, lãnh đạo tỉnh Cần Thơ cũng đã xem xét miễn tiền phạt cho người thợ điên, tuy nhiên, vụ việc vẫn khiến dư luận còn nhiều băn khoăn, lo ngại.

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị sửa Nghị định 96/2014, cho rằng cần rút kinh nghiệm và không để tái diễn vụ phạt tiền 90 triệu đồng với hành vi đổi 100 USD không đúng quy định...

Đổi 100USD, phạt 90 triệu: Mơ hồ, dân dễ rơi bẫy

Trao đổi thêm về vụ việc, trong bài viết gửi tới báo Đất Việt, TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục KTVB, Bộ Tư pháp cho chỉ rõ, Nghị định số 96 đã phạm các lỗi về mô tả hành vi chung chung, hời hợt, không đạt yêu cầu xác định rõ, cụ thể tính chất, mức độ vi phạm làm căn cứ cho việc xác định biện pháp xử phạt (Chuyên môn gọi là nêu giả định để xác định chế tài xử lý).

Điểm a, khoản 3 của điều 24 (quy định: Phạt tiền từ 80 triệu đến 100 triệu đối với hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ) đã vấp một lỗi hết sức cơ bản, sơ đẳng trong xây dựng văn bản.

Ông Sơn nhấn mạnh, khi mô tả hành vi này, cần phải xác định rõ tính chất mức độ của hành vi là mua bán mức nào, bao nhiêu tiền, vô tình hay cố ý... để phân định mức phạt khác nhau theo nguyên tắc cá thể hóa hành vi, cụ thể hóa mức phạt để áp dụng đúng người, đúng hành vi vi phạm, tránh tùy tiện, tiêu cực khi áp dụng.

Theo ông Sơn, đây là Nghị định của Chính phủ, theo quy định của Luật ban hành VBQPPL thì có một loạt cơ quan, cá nhân có trách nhiệm xây dựng Dự thảo, xem xét, thẩm định, thẩm tra, thông qua từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho đến Bộ Tư Pháp... Có thể nói, hàng trăm công chức tham gia, có trách nhiệm ở các khâu đoạn khác nhau soi xét từng câu chữ của Dự thảo Nghị định trước khi ban hành.

Đáng chú ý, trách nhiệm hàng đầu về việc để xảy ra lỗi cơ bản, sơ đẳng này thuộc về Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chủ trì soạn thảo, trình Dự thảo, tiếp theo là Bộ Tư pháp (Đơn vị và Lãnh đạo Bộ chịu trách nhiệm thẩm định)....

Thái An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/de-xuat-sua-nghi-dinh-96-chia-muc-phat-thanh-nhieu-muc-3368723/