Đề xuất tận dụng cát nhiễm mặn để san lấp mặt bằng dự án

Quảng Ngãi đang tiến hành các thủ tục đề xuất Trung ương đồng ý cho việc tận dụng cát nhiễm mặn để san lấp mặt bằng các dự án có địa hình trũng sâu và nhiễm mặn trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất.

Ngày 26/3, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cho biết như vậy.

Đây được xem là giải pháp tốt nhằm giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên và dễ dàng xử lý vấn đề tác động đến môi trường khi nhận chìm vật, chất xuống biển của các dự án nạo vét cảng tại Khu kinh tế Dung Quất như: cảng Hào Hưng, Hòa Phát, cảng Lọc hóa dầu Bình Sơn, cảng tổng hợp container…
Ông Nguyễn Minh Tài, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Qua khảo sát thực địa tại Khu kinh tế Dung Quất, các dự án đã đăng ký thực hiện với tỉnh (hiện chỉ chờ giải phóng mặt bằng, tiến hành đền bù) đang thiếu khoảng 15 triệu m3 đất, cát để san lấp mặt bằng.

Những công trình này đều nằm ở vùng nhiễm mặn mới sử dụng được vật, chất này. Các dự án này có tổng diện tích lên đến hàng trăm ha ở vùng trũng sâu, nhiễm mặn ven sông, ven biển, với độ sâu cần san lấp từ 5 đến 7m, do đó cần một khối lượng lớn vật liệu san lấp mặt bằng.

Tỉnh Quảng Ngãi đang khẩn trương đẩy nhanh các thủ tục đề xuất Trung ương đồng ý cho các công trình này ưu tiên sử dụng vật, chất nhận chìm của một số đơn vị ở khu cảng Dung Quất.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Tài, để giải quyết tốt các vấn đề này, các Bộ, ngành Trung ương cần quan tâm, tạo điều kiện để hoàn thiện các thủ tục theo qui định của pháp luật

Theo tính toán, hiện các dự án còn thiếu khoảng 15 triệu m3 vật liệu san lấp mặt bằng; trong khi đó cảng Hòa Phát đang dôi dư khoảng 15 triệu m3, cảng Hào Hưng có khoảng 4 triệu m3, cảng container tổng hợp có khoảng 4 triệu m3

Rõ ràng, việc tận dụng vật, chất nạo vét từ các luồng cảng dự án thép Hòa Phát hay cảng Hào Hưng là hợp lý và hiệu quả hơn nhiều.

Việc tận dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu san lấp mặt bằng cho các dự án có địa hình trũng sâu sẽ hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường và xử lý môi trường sẽ dễ hơn đối với việc nhận chìm ở biển, góp phần tăng nguồn thu từ thuế tài nguyên, tiết kiệm thời gian và giảm chi phí cho nhà đầu tư khi phải nhận chìm ở biển.

Đồng thời, việc này cũng bảo đảm nhu cầu về vật liệu san lấp mặt bằng cho các nhà đầu tư khác đã ký đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất.
“Hiện tại dự án thép Hòa Phát Dung Quất đang triển khai đến giai đoạn gấp rút. Do đó, để đảm bảo tiến độ, Hòa Phát có thể đồng thời thực hiện việc nhận chìm, nhưng khi các dự án đã đủ điều kiện thì sẽ cho triển khai dùng vật liệu này để san lấp mặt bằng”, ông Nguyễn Minh Tài chia sẻ.
Trước đó, ngày 21/2, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên ký Giấy phép nhận chìm ở biển số 372/GP-BTNMT, cho phép Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất (Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi) được nhận chìm vật, chất nạo vét cảng chuyên dùng Hòa Phát - Dung Quất, phục vụ cho Dự án Khu liên hiệp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Khối lượng vật, chất được nạo vét tại cảng gần 15,4 triệu m3, bao gồm 86,4% cát nhiễm mặn, 13,6% bùn sét.

Chất được phép nhận chìm không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Địa điểm khu vực nhận chìm rộng 180 ha, thuộc vùng biển Dung Quất cách bờ biển xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khoảng 7 km; vật, chất được tàu hút bụng xả đáy tự hành thả từ mặt biển xuống độ sâu hơn 50 m.
Giấy phép nhận chìm ở biển nêu rõ: “Trường hợp có các dấu hiệu không đảm bảo an toàn, nhận chìm không đúng vị trí, thành phần vật chất không đúng theo Giấy phép; một trong các thông số giám sát môi trường vượt quá giới hạn cho phép, thì phải dừng ngay hoạt động nhận chìm và thực hiện ngay các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, khắc phục sự cố, đồng thời báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật”.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết, thời gian qua, Hòa Phát cũng liên tục tìm kiếm các dự án trong tỉnh để cung cấp cát nạo vét nhưng không có vì một số dự án chưa giải phóng mặt bằng được hoặc có quy mô quá nhỏ.

Hơn nữa, việc đưa cát lên bờ để chờ san lấp cần phải có bãi chứa lớn. Tập đoàn sẵn sàng cung cấp vật, chất nhận chìm để san lấp mặt bằng cho các dự án của tỉnh nếu khớp tiến độ và công tác nạo vét đảm bảo chuẩn tắc luồng ra thông báo hàng hải; đồng thời ưu tiên nhất đối với tiến độ của dự án.

Hòa Phát mong muốn tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục ủng hộ để đơn vị có lựa chọn giải pháp tốt nhất cho việc nạo vét, nhận chìm nhằm đáp ứng tiến độ đưa khu liên hợp đi vào hoạt động theo đúng cam kết với tỉnh.
Hiện, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các cơ quan liên quan và UBND huyện Bình Sơn đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một số dự án trong Khu kinh tế Dung Quất, nhất là dự án vùng trũng thấp, nhiễm mặn. Quảng Ngãi cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, chấp thuận việc sử dụng cát nhiễm mặn từ quá trình nạo vét cảng để san lấp mặt bằng ở những vùng trũng sâu, nhiễm mặn theo đúng quy định./.

Sỹ Thắng/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/de-xuat-tan-dung-cat-nhiem-man-de-san-lap-mat-bang-du-an/116788.html