Đề xuất tặng 1.000 USD cho người mua ô tô điện, miễn phí cấp biển, chuyên gia nói gì?

Bộ Giao thông vận tải đề xuất trợ cấp cho người dân một khoản tiền hỗ trợ khi mua xe ô tô điện; miễn, giảm lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số với ô tô điện.

Nhiều ưu đãi dành cho xe điện

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện. Theo Bộ GTVT, về cơ bản, có 3 nhóm chính sách chủ yếu mà các quốc gia đang áp dụng để phát triển ô tô điện. Đó là ưu đãi cho nhà sản xuất; hỗ trợ người mua ô tô điện; hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho ô tô điện.

Theo đó, với người sử dụng, Bộ GTVT đề xuất miễn, giảm lệ phí trước bạ và đăng ký biển số với ôtô điện. Cụ thể, người dân được miễn, giảm lệ phí trước bạ với ô tô điện trong 5 năm đầu kể từ ngày 1/3/2022. Trong vòng 2 năm tiếp theo (kể từ 1/3/2027) lệ phí trước bạ lần đầu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.

Người mua xe được tiếp cận tín dụng, trợ giá. Doanh nghiệp vận tải chuyển đổi sử dụng ôtô điện được ưu đãi vốn vay, xe buýt điện được trợ giá cao hơn xe buýt thường. Giải pháp khác hỗ trợ người dùng được cơ quan quản lý đề xuất là khi họ mua ôtô điện sẽ được hỗ trợ khoảng 1.000 USD một xe. Đây được coi là khoản trợ cấp để họ chuyển dịch hành vi tiêu dùng. Ưu đãi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô điện loại chở người từ 9 chỗ trở xuống là 3% sau ngày 28/2/2027 đối với ô tô điện sản xuất, lắp ráp trong nước. Miễn thuế VAT trong 5 năm đầu, giảm 50% cho 5 năm tiếp theo.

Ưu đãi cho xe điện nhằm chuyển dịch năng lượng xanh để bảo vệ môi trường.

Ưu đãi cho xe điện nhằm chuyển dịch năng lượng xanh để bảo vệ môi trường.

Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo Việt Nam sẽ đạt mức 1 triệu xe điện hóa vào năm 2028 và đến năm 2040 số lượng xe điện sẽ đạt 3,5 triệu chiếc. Còn theo thống kê của Bộ GTVT, đến tháng 7/2023, cả nước có gần 12.600 xe ô tô điện.

Theo PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện kinh tế Việt Nam, không chỉ miễn giảm thuế, phí, mà Việt Nam còn cần một tổ hợp chính sách cho xe điện. Việc hỗ trợ bằng các công cụ tài chính cho người đi đầu sẽ kéo thêm các doanh nghiệp khác cùng tham gia sản xuất ô tô điện. Việc miễn giảm thuế phí cho ô tô điện thời gian đầu có thể không làm hụt thu ngân sách nhiều vì số lượng xe điện ra thị trường chưa lớn. Về dài hạn, các chính sách khuyến khích sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, đồng nghĩa sẽ có thêm đối tượng đóng thuế, quan trọng hơn là tạo ra được những sản phẩm chiến lược, giúp nâng cao chất lượng tăng trưởng, ứng dụng khoa học công nghệ và thân thiện môi trường.

ThS Lê Duy Đức, Khoa Kỹ thuật cơ sở, Học viện Phòng không - Không quân Việt Nam cho rằng, sự thành công của xe điện đang được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố trong đó hỗ trợ chính sách bền vững là trụ cột chính. Ngày càng có nhiều quốc gia cam kết loại bỏ dần động cơ đốt trong hoặc có các mục tiêu điện khí hóa phương tiện đầy tham vọng trong những thập kỷ tới. Ví dụ như Chính phủ Thái Lan vừa chính thức thông qua gói các biện pháp ưu đãi nhằm đẩy mạnh việc sản xuất và sử dụng xe điện ở nước này, trong đó bao gồm các chương trình giảm thuế cùng các khoản trợ cấp trong vòng ba năm.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, việc chuyển sang sử dụng các phương tiện giúp giảm thiểu khí nhà kính đang là mục tiêu hướng tới của tất cả các quốc gia tại thời điểm hiện tại. Điều này đi đôi với việc người tiêu dùng ngày càng sẵn sàng chuyển sang sử dụng xe điện.

Tại Việt Nam, theo kết quả khảo sát được thực hiện bởi một sàn giao dịch ô tô, với 1.174 đáp viên trong độ tuổi tiềm năng mua ô tô (trên 24 tuổi), 46% khẳng định chắc chắn sẽ chọn mua ô tô điện trong 12 tháng tới; trong khi có tới 71% cho biết sẽ cân nhắc chuyển sang xe điện trong một năm tới. Những con số này là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy sự thay đổi trong thái độ của người tiêu dùng đối với các dòng xe xanh. Sự hứng thú với công nghệ xe điện của người Việt đã vượt qua những hạn chế của nó hiện nay như giá cao, sạc pin tốn thời gian.

Hiện nay, mức độ phát triển của xe điện tại Việt Nam vẫn còn rất chậm. Ngoài hạn chế về hạ tầng, chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như chưa có, các giải pháp đồng bộ để phát triển ngành công nghiệp xe điện chưa được xây dựng. Xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng vẫn thấp hơn so với xe chạy xăng/dầu thông thường…

Hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật với trạm sạc

Theo ThS Lê Duy Đức, trong thời gian tới, để thúc đẩy sự phát triển của xe điện bắt kịp với những xu hướng chuyển dịch của toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện trên cơ sở mức phát thải CO2 ra môi trường; xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội nhằm thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện, tập trung vào các dòng xe chưa sản xuất tại các quốc gia trong khu vực, hướng vào thị trường xuất khẩu; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện sạch cho các trạm sạc điện; đầu tư xây dựng hệ thống trạm sạc rộng khắp và các công nghệ đồng bộ, xây dựng hệ thống truyền tải điện trong trường hợp 100% các trạm thu phí xe điện đi vào hoạt động...

Theo TS Nguyễn Đức Tuyên (Đại học Bách khoa), thứ thiếu nhất lúc này là chưa có hạ tầng cho phát triển xe điện; các tiêu chuẩn của Việt Nam về phát triển loại hình phương tiện này cũng chưa có và chưa thống nhất. Để có cơ sở thúc đẩy sự phát triển xe điện ở Việt Nam, ông Tuyên cho biết, cần hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, như yêu cầu kỹ thuật và an toàn điện với hệ thống sạc nhanh, thay thế pin và ắc quy... Đồng thời, tối ưu hóa các trạm sạc và vị trí sạc pin bằng việc sử dụng các nguồn điện sạch, năng lượng tái tạo, quản lý cân bằng công suất lưới.

"Bên cạnh đó cần có những chính sách hỗ trợ trực tiếp vào giá mua xe, thuế, chi phí sạc, lắp đặt trạm sạc tại nhà; đánh thuế vào phát thải cao. Thậm chí, cần có khu vực vận hành riêng cho xe điện, giống như cho xe BRT hiện nay", ông Tuyên nói.

Chuyên gia cho biết, Na Uy là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng chính sách ưu đãi thuế cho xe điện, hiện nay là quốc gia hàng đầu thế giới về tỷ lệ doanh số xe điện trên tổng doanh số xe. Trong tháng 6/2023, doanh số xe thuần điện và xe lai điện sạc ngoài (PHEV) chiếm tới 90,9% tổng doanh số. Yếu tố chính giải thích cho tỷ lệ chuyển đổi cao này là chính sách trợ giá khi mua xe điện.

Tại Trung Quốc - thị trường xe điện lớn nhất thế giới, chính phủ nước này đã áp dụng chính sách trợ giá nhiều năm nay. Dù chính sách hỗ trợ áp dụng lâu nay đã dừng từ cuối năm 2022, nhưng các chính sách tương tự đang được triển khai, cũng nhằm thúc đẩy điện hóa giao thông tại quốc gia tỷ dân này.

Tương tự, Mỹ cũng có chính sách trợ giá. Ngoài khoản hỗ trợ của chính phủ với các xe đạt tiêu chuẩn, nhiều bang tại Mỹ cũng có chính sách tương tự. Như tại bang California (nơi chiếm khoảng 40% lượt đăng ký xe điện toàn nước Mỹ), bang này hỗ trợ khoản hoàn thuế nhiều nghìn đô la cho người dân khi thuê hoặc mua xe điện; đó cũng là chính sách mà VinFast đang được hưởng lợi, giúp tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/de-xuat-tang-1000-usd-cho-nguoi-mua-o-to-dien-mien-phi-cap-bien-chuyen-gia-noi-gi-169230807124153242.htm