Đề xuất thu 'phí chia tay': Không thể áp thêm thuế, phí...

Tổng thư ký Quốc hội cho rằng, không thể áp dụng loại thuế phí nào với người dân thời điểm này nên không đồng ý thu 'phí chia tay'.

Đó là ý kiến được ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội đưa ra trong buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIV vào chiều ngày 14/6/2019.

Ông Phúc cho biết, ban soạn thảo đã ghi nhận đề xuất "phí chia tay" của ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng. Nhưng vấn đề này có được bàn để đưa ra biểu quyết hay không thì sẽ có giải trình sau.

"Quan điểm của riêng tôi khi biểu quyết là không đồng ý với đề nghị trên. Không thể áp thêm một loại phí nào cho người dân", ông Phúc nói.

Trước đó, tại buổi thảo luận về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Ông Hưng đề xuất Việt Nam thu phí "phí chia tay" khi công dân xuất cảnh ra nước ngoài, với khoảng 3 tới 5 USD/người/lần xuất cảnh.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Số tiền thu được từ quỹ này sẽ dùng để bảo hộ công dân Việt Nam, hỗ trợ công dân khi công dân Việt Nam ra nước ngoài gặp khó khăn; để cơ quan xuất nhập cảnh Việt Nam đầu tư nâng cấp máy móc kỹ thuật và quảng cáo du lịch, nâng cao hình ảnh Việt Nam.

Đề xuất của ông Hưng dựa trên cơ sở nhiều nước trên thế giới đã áp dụng loại phí nào. Đơn cử như Nhật Bản, mỗi người dân xuất cảnh ra nước ngoài sẽ phải nộp "phí chia tay" 9 USD/người/lần.

Bày tỏ quan điểm về đề xuất của ông Hưng, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn Đại biểu TP. HCM bày tỏ: "Tôi không đồng ý với đề xuất này, đáng ra ngành du lịch phải làm sao để giảm phí cho người dân. Tại sao lại đề xuất phí chia tay, đã làm được gì, phục vụ gì cho người dân chưa mà đòi thu phí".

Theo bà Lan, việc hoàn thiện kỹ thuật máy móc và quảng cáo du lịch là trách nhiệm của ngành du lịch. Nước ta có rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp không khói này, nhưng thực tế hiện nay vẫn đang loay hoay với tư tưởng "ăn xổi ở thì".

ĐB Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, có nhiều nước áp dụng mức phí này nhưng mỗi nước mỗi khác. Tốt ở nước này nhưng chưa chắc hiệu quả ở nước kia.

"Vì vậy, khi áp dụng kinh nghiệm của nước khác vào Việt Nam cần phải đánh giá, cân nhắc thận trọng chứ chưa thể quyết định ngay là có áp dụng đề xuất đó hay không", ĐB Thắng nêu quan điểm.

Ngọc Mai

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/de-xuat-thu-phi-chia-tay-khong-the-ap-them-thue-phi-3381952/