Đề xuất tiêu chí đánh giá hành vi, ứng xử ngoài công sở

Nhằm tuyên truyền về thực trạng cũng như những giải pháp thực hiện và nâng cao văn hóa công sở của cán bộ, công chức, ngày 27-11-2019, tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề 'Văn hóa công sở: Thực trạng và giải pháp'.

Tham gia giao lưu trực tuyến và trả lời các câu hỏi của bạn đọc có các vị khách mời: Ông Triệu Văn Cường- Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn viên chức Việt Nam; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; bà Ninh Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL); bà Trần Thị Phương Lan- Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa – văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương).

Theo bà Đỗ Thu Hiên – Phó Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng một nền văn hóa công vụ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hướng tới mục tiêu: Chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra trong quá trình phát triển. Xây dựng một nền hành chính dân chủ, pháp quyền, đề cao trách nhiệm và đạo đức công vụ là yêu cầu đặt ra đối với nền công vụ Việt Nam hiện nay. Để thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi cần có một đội ngũ những người thực thi công vụ có năng lực và phẩm chất tốt đáp ứng được yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính hiện nay.

Gần đây, Đề án Văn hóa công vụ đã được Thủ tướng Chính phủ ký và ban hành, trong những giải pháp nêu ra, thì có giải pháp cần phải hoàn thiện các quy định về đánh giá công chức, viên chức, đánh giá hay xem xét người thực thi công vụ trong cơ quan, đơn vị…

Trong tình hình hiện nay, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên cần không ngừng nỗ lực phấn đấu, phải là tấm gương sáng. Đây là một trong những nhân tố quan trọng để xây dựng văn hóa công sở. Thực tiễn cho thấy, văn hóa công sở chưa thực sự trở thành một định hướng trọng tâm của cải cách công vụ, công chức. Việc tiếp cận văn hóa công sở chủ yếu mới tập trung vào việc tạo lập các giá trị hữu hình, các giá trị vật chất, mà chưa thực chất đi vào những giá trị vô hình; các giá trị tinh thần của văn hóa công sở dù đã có nhưng vẫn tản mạn, chưa tạo thành một hệ thống. Nhiều nguy cơ tiềm ẩn đang ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa công sở, nếu không cảnh báo, ngăn ngừa, ngăn chặn kịp thời thì sẽ trở thành hiểm họa cho nền công vụ, là nguy cơ làm mai một các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Những giá trị đạo đức, chuẩn mực đạo đức trong ứng xử giữa người với người; ứng xử giữa người với công việc đang chịu ảnh hưởng từ nhiều hướng, từ mặt trái của cơ chế thị trường. Lối sống thực dụng, vị kỷ, chạy theo lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm đã và đang tác động mạnh đến mọi quan hệ xã hội. Đứng trước những cám dỗ về lợi ích, không ít cán bộ công chức đã làm suy giảm lòng tin của nhân dân.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay ở một số cơ quan, đơn vị, có tình trạng bất công trong việc đánh giá cán bộ, công chức, dễ làm cán bộ, công chức bức xúc, chán nản, không còn động lực phấn đấu. Để đánh giá cán bộ, công chức cũng như đảng viên, hàng năm hoặc đánh giá khi khen thưởng, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, lãnh đạo cơ quan phải căn cứ vào các quy định của pháp luật, trên cơ sở đánh giá khách quan quá trình phấn đấu, nhìn nhận toàn diện cả tài và đức, ưu và nhược, tôn trọng những đặc điểm cá nhân của người cán bộ, công chức, viên chức đó.

Khi đánh giá phải lấy hiệu quả công việc làm hàng đầu, đây là thước đo rất quan trọng. Cơ quan chủ quản phải nhìn tổng quan tất cả các quyết định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và cần tôn trọng đánh giá, nhìn nhận của cơ sở, tập thể - nơi mà người cán bộ, công chức, viên chức công tác. Tránh ác cảm của người đứng đầu, những quan điểm mang tính chất cá nhân. Tôi nghĩ rằng, phải công khai, minh bạch và tôn trọng tập thể cơ sở nơi cán bộ, công chức làm việc trong quá trình đánh giá. Lắng nghe ý kiến nhiều chiều, không áp đặt ý chí chủ quan của người lãnh đạo, đặt kết quả công tác của người này trong sự so sánh với kết quả công tác của người khác, chắc chắn sẽ hạn chế việc đánh giá thiếu khách quan, thiếu công bằng.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường, văn hóa công vụ, được cấu thành từ nhiều yếu tố khác nhau, cụ thể là một hệ thống các giá trị tinh thần và vật chất (gồm văn hóa giao tiếp, ứng xử, tinh thần, thái độ làm việc, trang phục, lễ phục, xây dựng môi trường công sở…) được hình thành trong quá trình thực thi công vụ; quyết định thái độ, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức và kết quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Văn hóa công vụ có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống vì nó luôn gắn liền với hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, hệ thống tổ chức các cơ quan Nhà nước mà chúng ta biết các cơ quan, đơn vị này đại diện cho Nhà nước giải quyết các thủ tục liên quan đến DN, người dân. Nếu thực hiện tốt văn hóa công vụ, sẽ là chuẩn mực của một nền hành chính công vụ và có ảnh hưởng tốt đến toàn xã hội. Vì vậy, văn hóa công vụ phải hướng tới xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức.

Gần đây, Đề án Văn hóa công vụ đã được Thủ tướng Chính phủ ký và ban hành, trong những giải pháp nêu ra, thì có giải pháp cần phải hoàn thiện các quy định về đánh giá công chức, viên chức, đánh giá hay xem xét người thực thi công vụ trong cơ quan, đơn vị; tuy nhiên cũng cần phải có đánh giá những hành vi, ứng xử ngoài công sở.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều thì cho rằng: “Trong cách nhìn của tôi, văn hóa công sở được thể hiện ở hai vấn đề cơ bản: Hành vi trong công việc và không gian công sở. Trong công việc bao gồm: Trách nhiệm với công việc, điều hành công việc, xử lý công việc, quan hệ đồng nghiệp và giao tiếp với đối tác. Đối tác ở đây có hai thành phần: Đối tác là các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và đối tác là người dân. Và văn hóa trong giao tiếp và ứng xử với người dân đang là một vấn đề luôn ở mức báo động cao. Chính sách cũng như các quy định của Đảng và Nhà nước trong việc tiếp và làm việc với người dân đã rất rõ và có tính nguyên tắc cao, nhưng việc thực hiện, đặc biệt là các cơ quan Nhà nước ở cơ sở đang đặt ra nhiều vấn đề thách thức. Công sở với không ít người dân không phải là nơi mà người dân đến để trình bày một nguyện vọng, để được giải quyết trên luật pháp mọi vấn đề liên quan mà đôi khi nơi gây ra những phiền hà, ẩn ức cho người dân.

Một vấn đề đáng báo động là quan hệ giữa các cá nhân trong công sở, đồng nghiệp với đồng nghiệp là cấp trên cấp dưới. Điều này đã đẩy văn hóa công sở ở một số nơi vào tình trạng tồi tệ, dẫn đến những hiện tượng mất đoàn kết, bè cánh, không hoàn thành nhiệm vụ… và làm giảm những điều tốt đẹp trong quan hệ người với người và trong công việc. Vấn đề thứ hai của văn hóa công sở là phải tạo ra một không gian thẩm mỹ công sở. Một không gian có thẩm mỹ và hợp lý với đặc trưng công việc sẽ tạo ra cảm hứng làm việc, tạo ra sự thân thiện và tác động ngược lại làm nên vẻ đẹp của ngôn ngữ và hành vi của những con người làm việc trong không gian đó”.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/de-xuat-tieu-chi-danh-gia-hanh-vi-ung-xu-ngoai-cong-so-171602.html