Đề xuất tổ chức Lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa

Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng Vương, định đô ở Cổ Loa (939-2019), sáng nay, 3-10, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội đã tổ chức cuộc tọa đàm khoa học 'Nghiên cứu tổ chức lễ hội Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa'.

Tái hiện lễ đăng quang của Ngô Quyền tại Cổ Loa

Dự thảo đề cương “Lễ hội Ngô Quyền xưng vương và định đô tại Cổ Loa” khẳng định sự cần thiết căn cứ trên thực tiễn đời sống văn hóa tinh thần, đặc biệt là tôn vinh công lao to lớn của Ngô Quyền, “vị Tổ Trung Hưng đất nước”.

Mảnh đất Cổ Loa, nơi Ngô Quyền chọn để định đô, mở đầu cho thời kỳ độc lập tự chủ của dân tộc cho đến nay vẫn chưa có một công trình tưởng niệm ông. Dự thảo đề cương nêu: “Việc xây dựng công trình để tưởng niệm và tổ chức lễ hội về Ngô Vương Quyền nơi đây là hết sức cấp thiết”.

Theo đề xuất, thời gian diễn ra lễ hội vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Trước khi đền thờ Ngô Vương được xây dựng và hoàn thành, các lễ kỷ niệm vẫn sẽ được tổ chức hàng năm, dự kiến tại sân lễ hội- Đình Ngự Triều Di Quy.

Hình ảnh thành Cổ Loa trong tư liệu lịch sử

Hình ảnh thành Cổ Loa trong tư liệu lịch sử

Lễ hội Ngô Vương Quyền (tổ chức sau khi xây dựng đền thờ tại Cổ Loa) dự kiến xây dựng các nghi thức dâng hương, tế lễ, nghi thức rước nước, rước mã…Trước đó, sẽ là các cuộc khảo sát, điền dã, nghiên cứu tìm hiểu, thu thập thông tin tài liệu tại các vùng liên quan đến thờ cúng, sinh hoạt lễ hội… liên quan đến Ngô Quyền như Đường Lâm, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên…Từ đó, phân tích, đánh giá tổng hợp tư liệu, xây dựng đề cương chi tiết lễ hội theo đúng truyền thống với hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Xây dựng kịch bản, tái hiện lễ đăng quang của Ngô Quyền, phạm vi, nghi thức thực hành tín ngưỡng và tế lễ trong các dịp lễ tiết…

Cấp thiết nhưng phải được cộng đồng chấp nhận

Ông Trần Việt Anh (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long) cho biết, thời gian vừa qua, trung tâm nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Các ý kiến đều thống nhất việc tổ chức Lễ hội. Tuy nhiên, phải khảo sát, nghiên cứu, tiếp thu mang tính kế thừa…Tổ chức lễ hội phải gắn với Ngô Quyền và các sự kiện có liên quan đến triều đại nhà Ngô. Việc tổ chức lễ hội cũng phải lấy cộng đồng dân cư địa phương làm trung tâm, bên cạnh đó là nhu cầu của người dân, khách tham quan di tích…

GS.TS Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất xây dựng không gian thờ tự Ngô Quyền tại Cổ Loa. Việc tri ân Ngô Quyền đáng ra phải làm sớm hơn. Đây phải là một lễ hội mang tầm quốc gia và phải đảm đương được việc nâng cao tâm thức thế hệ đương đại với danh nhân lịch sử, bồi dưỡng thêm lòng yêu nước, giá trị nhân văn trong cộng đồng.

Đình Ngự Triều Di Quy tại Cổ Loa

Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội kể, từ năm 1981, ông đã cùng với các đồng nghiệp có nhiều chuyến diền dã về quê hương Ngô Quyền tại Đường Lâm, các di tích chiến thằng Bạch Đằng, cùng 35 di tích thờ Ngô Quyền tại các tỉnh. Các di tích như Từ Lương Xâm, đình Dư Hàng Kênh thường xuyên tổ chức lễ rước, lễ tế, có năm tổ chức bơi thuyền trên sông Bạch Đằng…Đó là những mô hình có thể tham khảo khi dựng lại Lễ hội Ngô Quyền ở Cổ Loa.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn nên lấy ngày 7 tháng Giêng- ngày Đức vua Ngô Quyền xưng vương-theo thông lệ vào ngày thánh hóa để tổ chức lễ hội. Trước tiên cần xây dựng quy hoạch 1/2000, cho phép xây dựng một số đề án, xây dựng đền song song với nghiên cứu nghi lễ.

Lâu nay Cổ Loa thường được gắn với tên tuổi An Dương Vương, nhưng nếu không có Ngô Quyền thì không thể hoàn thiện sự nghiệp dựng nước và giữ nước được. Chính vì thế, GS Nguyễn Quang Ngọc đề nghị, việc xây dựng đền thờ An Dương Vương, tổ chức lễ hội tưởng nhớ, phải đặt trong tương quan với lễ hội Cổ Loa và tôn vinh An Dương Vương.

PGS. TS Nguyễn Thị Phương Châm- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam lại cho rằng, cần phải xác định cộng đồng có liên quan trong việc tổ chức và thụ hưởng lễ hội. Các nhà khoa học thì cần tìm tư liệu, lịch sử, chứng cứ để phục dựng, nhưng phải có được sự ủng hộ của cộng đồng. Sẽ rất khó tổ chức nếu cộng đồng không chấp nhận. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng đền thờ cũng như tổ chức lễ hội cần phải xác định rõ, lễ hội dành cho ai, đối tượng tổ chức và sản phẩm văn hóa sáng tạo ra thế nào. Trên cơ sở đã xác định được tổ chức cho ai thì sẽ xác định được việc tổ chức như thế nào.

Nhiều ý kiến đề xuất, việc xây dựng lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa phải gắn với các sự kiện lễ hội Cổ Loa cùng tôn vinh An Dương Vương

Theo đề xuất, lễ hội sẽ diễn ra vào ngày 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm, tuy nhiên, đại diện UBND xã Cổ Loa cho biết, thời điểm này không hợp lý, vì Lễ hội đền Cổ Loa (Bát xã Loa Thành) tưởng nhớ công đức An Dương Vương diễn ra hết ngày 18 tháng Giêng. Việc tổ chức lễ hội liên tiếp nhau gây sự nhàm chán cho người dân cũng như vất vả cho ban tổ chức. Ngô Quyền xưng vương vào mùa xuân năm 939, vì thế, lễ hội có thể diễn ra vào tháng 2 âm lịch cũng hợp lý và không trùng với các lễ hội khác liên quan đến Ngô Quyền cũng như dịp kỷ niệm ngày sinh Ngô Quyền.

Khi chưa xây được đền thờ Ngô Quyền thì tổ chức nghi lễ tưởng niệm tại đình Ngự Triều Di Quy, nơi gắn với sự tích Ngô Quyền là cây đa nghìn tuổi và giếng nước Ngô Quyền. Đại diện chính quyền xã Cổ Loa cũng yêu cầu cần xây dựng phương án thật cụ thể, phối hợp các bên chặt chẽ.

Trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu vẫn sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến, là cơ sở khoa học để xây dựng quy mô và hình thức tổ chức Lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa trở thành lễ hội thường niên tương tự như Lễ kỷ niệm vua Lê Thái Tổ đăng quang tại đền thờ vua Lê bên hồ Hoàn Kiếm lịch sử.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân ta, chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền vào thế kỷ X có ý nghĩa lịch sử to lớn, là mốc son chói lọi chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc, phá tan mưu đồ “đồng hóa” của chủ nghĩa “Đại Hán tộc”, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc- Kỷ nguyên phát triển của quốc gia phong kiến độc lập, tự chủ của Việt Nam. Trước khi có cuộc tọa đàm này, UBND TP Hà Nội cũng đã tổ chức chuỗi các hoạt động để tưởng nhớ công lao Ngô Quyền, trong đó có Hội thảo “Ngô Quyền và sự nghiệp trung hưng đất nước” cùng một lễ kỷ niệm trọng thể.

Quỳnh Vân

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/de-xuat-to-chuc-le-hoi-ngo-quyen-xung-vuong-va-dinh-do-tai-co-loa/827630.antd