Đề xuất vô cảm

Mặc dù Bộ GD&ĐT đã phải rút lại đề xuất tăng học phí chỉ sau 1 ngày đưa dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 ra lấy ý kiến, như vậy có thể thấy ý định tăng học phí là có thật và theo nhiều người, đó là ý định không đúng lúc.

Hẳn mọi người đều biết, đất nước vừa trải qua một giai đoạn đầy khó khăn do dịch Covid-19 và thiên tai triền miên. Hàng triệu người lao động trên cả nước, hàng triệu gia đình ở miền Trung đang gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ thu nhập giảm sút, mà sinh kế lâu dài cũng bị đe dọa nghiêm trọng.

Bộ GD&ĐT đã quyết định sẽ giữ nguyên mức học phí hiện hành với tất cả các cấp.

Những tháng qua, cùng với nỗ lực của Chính phủ trong việc cố gắng hỗ trợ về vật chất và tinh thần, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của tình hình chung đối với đời sống từng người dân, thì rất nhiều tổ chức, cá nhân cũng đã chung tay tổ chức các đợt cứu trợ dưới nhiều hình thức, từ những "cây ATM gạo" đợt dịch Covid-19 hoành hành, cho tới các đoàn cứu trợ thiên tai dồn dập đổ về các tỉnh miền Trung… tất cả đều chung một mục tiêu: Để không ai bị đói nghèo đe dọa, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Vậy mà giữa bối cảnh đó, Bộ GD&ĐT lại bất ngờ đưa ra đề xuất về việc tăng học phí đối với tất cả các cấp học. Trước đó không lâu, rất nhiều trường đại học cũng đã đồng loạt tăng học phí, nhiều nơi tăng với mức "khủng" so với thời điểm trước đó. Những diễn biến đó có thể thấy ý định nâng học phí các cấp học "lên một tầm cao mới" là có thật, chẳng chóng thì chày sẽ diễn ra.

Ai cũng biết, chi phí cho việc học tập là một trong những khoản chi phí thiết yếu, mọi gia đình đều đặt ở vị trí ưu tiên hàng đầu. Bởi mọi người dân đều ý thức được tầm quan trọng tối cao của việc đầu tư cho thế hệ tương lai. Vì thế, dù cho học phí cao đến mức nào mọi người cũng đều sẽ chấp nhận, kể cả buộc phải cắt giảm những khoản chi phí thiết yếu khác.

Đối với riêng bậc học phổ thông, cho dù về lý thuyết, mức chi phí vào học phí theo quy định của Bộ GD&ĐT là không quá lớn, nhưng thực tế các khoản chi phí cho việc học của con cái là rất lớn, thực sự là gánh nặng, nhất là đối với những gia đình lao động nghèo. Vì thế, bất cứ khoản thu tăng thêm nào cũng đều có thể khiến cho gánh nặng ấy trở nên trầm trọng hơn.

Bộ GD&ĐT đã quyết định sẽ giữ nguyên mức học phí hiện hành với tất cả các cấp, đồng thời đề nghị lùi thời gian trình ban hành Nghị định mới sang năm 2021, dự kiến sẽ áp dụng từ năm 2022 - 2023 và lộ trình tăng thêm hàng năm chỉ khoảng 2,5% so với mức tăng hàng năm của Nghị định 86 đã ban hành.

Mặc dù vậy, dư luận xã hội cảm thấy lấn cấn, thậm chí không ít người cảm thấy "sốc" khi biết được việc đề xuất tăng học phí vừa được đưa ra ngay vào thời điểm này. Dù rằng nó đã được rút lại, nhưng tác động đến tâm lý xã hội thì vẫn còn nguyên vẹn.

Thiết nghĩ, việc đề xuất tăng học phí cần phải có phân tích, đánh giá tác động đầy đủ mọi mặt; cần có lộ trình để từng bước tính đúng, tính đủ chi phí. Chính sách Nhà nước lâu nay đã phổ cập giáo dục tiểu học, về lâu dài cần phải lo cho cả giáo dục phổ thông cơ sở. Đối với giáo dục đại học, dạy nghề với những ngành, lĩnh vực then chốt, cần thiết cho sự phát triển của quốc gia thì Nhà nước phải đầu tư. Không thể nặng về thị trường, phải tăng học phí lên để dần đáp ứng chi phí đào tạo như nhiều người vẫn nghĩ một cách đơn giản.

KHÁNH NGUYỄN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/de-xuat-vo-cam-20201118112910354.htm