Đề xuất xây dựng cơ chế cộng tác viên theo dõi thi hành pháp luật

Ngày 19/3, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với JICA tổ chức tọa đàm về đổi mới công tác theo dõi thi hành pháp luật (THPL) trong các lĩnh vực trọng tâm của ngành Tư pháp. Với sự đồng chủ trì của Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (QLXLVPHC&TDTHPL) Đặng Thanh Sơn và Cố vấn trưởng Dự án JICA Tsukabe Takako, các đại biểu tham dự buổi tọa đàm đã đưa ra nhiều kiến nghị đổi mới hoạt động theo dõi THPL.

Giới thiệu thực trạng công tác theo dõi THPL tại Bộ Tư pháp, ông Phạm Ngọc Thắng (Trưởng phòng, Cục QLXLVPHC&TDTHPL) cho biết: Với trách nhiệm là cơ quan được giao giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác theo dõi tình hình THPL, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức nghiên cứu xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch cho việc hoàn thiện thể chế về tổ chức thi hành và theo dõi THPL.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, ngoài lĩnh vực trọng tâm, liên ngành mà Bộ Tư pháp lựa chọn, nhiều bộ, ngành, địa phương đã lựa chọn những lĩnh vực “nóng”, liên quan trực tiếp đến phạm vi quản lý nhà nước được giao. Riêng đối với ngành Tư pháp, năm 2018 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch theo dõi THPL trong lĩnh vực lý lịch tư pháp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; năm 2019, lựa chọn theo dõi lĩnh vực kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo của bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh và theo dõi tình hình THPL về hòa giải ở cơ sở.

Về cơ bản, các đơn vị có liên quan tại Kế hoạch theo dõi tình hình THPL trong lĩnh vực trọng tâm Bộ Tư pháp hàng năm đều đã phối hợp với Cục QLXLVPHC&TDTHPL trong việc thực hiện nhiệm vụ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao và cũng đã đạt được những kết quả nhất định

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Cục QLXLVPHC &TDTHPL thấy rằng, việc ban hành, tổ chức thực hiện Kế hoạch và xây dựng Báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật của các đơn vị thuộc Bộ các năm qua đã cơ bản thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác theo dõi THPL và tổ chức THPL trong các lĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp. Ông Thắng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ có liên quan năm 2019 và các năm tiếp theo phối hợp chặt chẽ hơn nữa để nhiệm vụ theo dõi tình hình THPL trong lĩnh vực trọng tâm Bộ Tư pháp đạt hiệu quả tốt nhất.

Muốn vậy, một số giải pháp được ông Thắng nêu lên là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác theo dõi THPL; nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi THPL; tăng cường năng lực đội ngũ làm công tác theo dõi THPL; đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động theo dõi THPL; đổi mới về cơ chế phối hợp trong hoạt động theo dõi THPL…

Bàn về đổi mới cơ chế cung cấp thông tin giữa các đơn vị thuộc Bộ, ngành Tư pháp trong hoạt động theo dõi THPL, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Chu Thị Hoa kiến nghị cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính công vụ gắn với thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ, Quy chế phối hợp trong theo dõi THPL và có hình thức xử lý thích đáng đối với những trường hợp cố tình vi phạm, gây ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả công việc.

Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Chu Thị Hoa đề xuất xây dựng cơ chế cộng tác viên theo dõi THPL

Đồng thời, đa dạng việc cung cấp thông tin, việc cung cấp thông tin theo dõi THPL cần phải được thực hiện trên môi trường điện tử, mọi lúc, mọi nơi, dựa trên các ứng dụng truyền thông đa phương tiện. Ngoài ra, cần có cơ chế cộng tác viên trong theo dõi THPL để khắc phục hạn chế trong quan hệ hành chính.

Nói riêng về đổi mới công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về theo dõi THPL, bà Đào Thùy Linh (Trung tâm Thông tin pháp luật về XLVPHC&TDTHPL) kiến nghị một loạt giải pháp. Cụ thể là đổi mới về nội dung bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về theo dõi THPL; đổi mới về hình thức, phương thức tổ chức công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về theo dõi THPL; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ trực tiếp tham gia biên soạn tài liệu tập huấn và truyền đạt tại các cuộc tập huấn; tăng cường các điều kiện đảm bảo cho công tác bồi dưỡng, tập huấn về theo dõi THPL.

Đến từ Sở Tư pháp TP Hà Nội, Phó Giám đốc Tống Thị Thanh Nam lại quan tâm đến các giải pháp tăng cường điều kiện đảm bảo cho công tác theo dõi THPL của ngành Tư pháp. Theo bà Nam, cần xác định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc bố trí đầu mối, công chức thực hiện nhiệm vụ theo dõi THPL cũng như đảm bảo năng lực chất lượng và tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân sự làm công tác theo dõi THPL…

Đặc biệt, để tạo được nguồn lực cho hoạt động theo dõi THPL, bà Nam đề xuất hợp tác quốc tế về THPL ở những lĩnh vực cụ thể (việc triển khai hoạt động này được thực hiện dưới sự giám sát, kiểm soát của cơ quan theo dõi THPL); huy động nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, trong nước để nghiên cứu khoa học, trao đổi, học tập kinh nghiệm theo dõi THPL. Đồng tình với bà Hoa về xây dựng cơ chế cộng tác viên theo dõi THPL, bà Nam còn cho rằng nên nghiên cứu xã hội hóa một số hoạt động theo dõi THPL nếu xã hội làm tốt hơn cơ quan Nhà nước.

H.Thư

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/de-xuat-xay-dung-co-che-cong-tac-vien-theo-doi-thi-hanh-phap-luat-443931.html