Đề xuất xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm về sử dụng lòng, lề đường

Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện nay Công an TP, UBND quận Tân Bình, UBND huyện Cần Giờ chưa góp ý cho dự thảo Chỉ thị 22 của Ban Thường vụ TP.HCM.

Mới đây, Sở GTVT TP đã trình UBND TP.HCM dự thảo triển khai thực hiện Chỉ thị số 22 của Ban Thường vụ TP.HCM.

Trước khi trình dự thảo này, Sở GTVT TP đã gửi các đơn vị liên quan góp ý dự thảo.

Sở GTVT TP cho biết đã nhận được văn bản góp ý của 29/32 sở ngành, quận huyện. Các đơn vị chưa góp ý bao gồm Công an TP.HCM, UBND quận Tân Bình, UBND huyện Cần Giờ.

Sắp tới Sở Nội vụ sẽ nghiên cứu xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng sử dụng lòng, lề đường, vỉa hè không đảm bảo an toàn giao thông. Ảnh: ĐÀO TRANG

Theo Sở GTVT TP, việc thực hiện Chỉ thị số 22 sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TP. Đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác quản lý trật tự đô thị; đẩy mạnh tăng cường xử lý vi phạm, ngăn chặn tình trạng tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và có biện pháp xử lý triệt để tình trạng này.

Theo dự thảo, mục tiêu đặt ra hàng năm là giảm tỉ lệ vi phạm về trật tự đô thị 20% so với những năm trước.

Để đạt được mục tiêu trên, TP.HCM cần thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, TP cần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về quản lý trật tự đô thị như quy định mới về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè ở TP. Bao gồm tiêu chí về quỹ đất, không gian dành cho giao thông công cộng, bãi giữ xe, quy định chức năng ở kết hợp với kinh doanh của hộ dân,

Đặc biệt, TP cần đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông. Trong đó cần triển khai công tác đánh giá tác động giao thông các công trình xây dựng tập trung đông người khi kết nối vào công trình giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, TP cần khai thác hiệu quả của hệ thống hạ tầng đô thị như quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè để đảm bảo quyền ưu tiên cho người đi bộ. TP cần tổ chức các tuyến đường kiểu mẫu về trật tự đô thị, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình rào chắn chiếm dụng lòng đường, vỉa hè...

Đặc biệt, TP cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ như lắp đặt camera giám sát, quản lý và hỗ trợ công tác xử phạt ở những nơi thường xuyên vi phạm.

Để hiện thực hóa các nhiệm vụ trên, Dự thảo cũng nêu rõ trách nhiệm của các sở ngành trong việc hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về quản lý trật tự đô thị.

Đơn cử, Sở GTVT TP sẽ nghiên cứu chính sách để đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông tĩnh, các bãi đậu xe sử dụng công nghệ thông minh, cao tầng lắp ghép ở trung tâm TP. Sở cũng sẽ đánh giá tác động giao thông đối với các công trình tập trung đông người có quy mô lớn khi kết nối vào công trình giao thông đường bộ.

Sở Nội vụ sẽ nghiên cứu, đề xuất xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó được giao quản lý tại các đơn vị, chính quyền để xảy ra hành vi vi phạm quy định pháp luật về sử dụng lòng, lề đường, vỉa hè không đảm bảo an toàn giao thông.

Sở KH&ĐT phối hợp với các đơn vị nghiên cứu đề xuất quy định thí điểm thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp vận tải để xảy ra tình trạng đón trả khách không đúng nơi quy định.

Hộ kinh doanh phải gắn với việc đảm bảo chỗ đậu xe nơi kinh doanh, không ảnh hưởng đến hòa động giao thông công cộng.

Sở QH&KT sẽ nghiên cứu, rà soát việc quy hoạch quỹ đất, không gian dành cho giao thông công cộng, bãi giữ xe ngầm, chức năng ở kết hợp với kinh doanh...

Sở Xây dựng sẽ tiếp tục đề xuất Chính phủ xem xét cơ chế thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND các quận huyện.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-xu-ly-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-neu-de-xay-ra-vi-pham-ve-su-dung-long-le-duong-post732945.html