Đem dâu tằm Đà Lạt về làm giàu trên đất An Giang

Nhắc đến dâu tằm, ai cũng nghĩ chỉ thổ nhưỡng Đà Lạt mới phù hợp trồng giống cây này. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thuận (ấp Bình Hòa 2, xã Mỹ Khánh, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã làm thay đổi suy nghĩ này khi đem giống dâu tằm về trồng tại An Giang và cho nguồn kinh tế ổn định. Không những thế, ông còn khơi dậy kinh tế một vùng ngoại thành hẻo lánh của TP Long Xuyên.

Cây dâu tằm đã giúp gia đình ông Hai Thuận ổn định kinh tế gia đình và lan tỏa sang các hộ xung quanh

Cây dâu tằm đã giúp gia đình ông Hai Thuận ổn định kinh tế gia đình và lan tỏa sang các hộ xung quanh

Thành công từ chuyện tưởng chừng vô lý

Mỗi khi được hỏi về câu chuyện đem dâu tằm Đà Lạt về An Giang trồng, lão nông Nguyễn Văn Thuận đều tâm đắc: “Giống cây này dễ trồng, cho năng suất cao, lại chế ra nhiều sản phẩm. Tiêu thụ không hết thì ủ làm nước cốt dâu, mứt dâu, siro dâu, rượu dâu… chẳng sợ hư hao gì”. Vì những ưu thế và tiềm năng đó mà ông Thuận đã mang giống dâu tằm từ vùng đất cách xa 500-600km về trồng tại vườn nhà mình.

Xuất thân từ gia đình nông dân chính hiệu, sẵn lợi thế có đất vườn nên ông Thuận đã có kinh nghiệm trồng rất nhiều loại cây ăn trái từ chuối, ổi, mãng cầu, xoài, mít, nhãn… nhưng đến cuối cùng ông Thuận đánh giá, dâu tằm là giống cây “số 1”, “một công (tương đương 1.000m2) dâu bằng 10 - 15 công ruộng”, ông Thuận khẳng định.

Nhớ lại khi mới bắt đầu “bén duyên” với loại cây này, ông Thuận kể: Hồi đó, đi dự hội nghị, hội thảo này kia ở các nơi nhiều lắm nên biết được nhiều thứ. Đến năm 2009, tình cờ người bạn ở Đà Lạt giới thiệu nên đem về trồng thử. “Lúc đầu cũng chỉ trồng vài cây xem thử ra sao, có phù hợp với đất của mình không. Nào ngờ trúng quá. Từ đó, quyết định trồng luôn”, ông Thuận hào sảng nói.

Đến năm 2013, tỉnh có chủ trương về việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để góp phần vực dậy kinh tế cho bà con, góp phần xây dựng nông thôn mới nên ông đã tiên phong đi đầu và được chính quyền địa phương chọn làm điểm. Ông tiếp tục phát triển vườn dâu theo định hướng phát triển du lịch sinh thái. Du khách đến đây có thể miễn phí tham quan chụp ảnh. Từ đó, vườn dâu của ông Hai Thuận được nhiều người biết đến.

“Lúc mới làm, mấy ông bạn thân của tôi nói tôi làm chuyện vô lý kìa, thời buổi này đi trồng dâu”, ông Thuận cho biết. Nhưng bây giờ cái chuyện vô lý đó đem lại thu nhập cao, ổn định cho gia đình ông Thuận. Và những người dân gần đó hiện nay cũng tập tành làm chuyện bà láp theo ông Hai Thuận.

Ông Thuận kể, hồi đó có 1 mình độc quyền. Sau này, nhiều người thấy dâu dễ trồng lại tạo kinh tế cao đã hưởng ứng. Bây giờ trong này đã trở thành xóm dâu, làng dâu, có gần 20 hộ trồng rồi. Những hộ có đất vườn bỏ hoang đều cải tạo để trồng dâu. Điều này đã giải quyết được phần nào kinh tế của các hộ gia đình. “Ở đây không gì mau tiền bằng dâu. Thức dậy là bẻ, bẻ gần 1 tháng mới hết 1 đợt”, một hộ trồng dâu chia sẻ.

Việc ông Thuận trồng được dâu ở miền Tây là một chuyện lạ, khiến nhiều người không thể tin nổi. Theo ông Thuận, nhiều người bạn của ông ở Đà Lạt nghe nói ông trồng được dâu tằm ở An Giang thì chẳng ai tin. “Có 2 chú ở Đà Lạt không tin đất miền Tây trồng được dâu đi xuống đây nhìn thấy giật mình. Cây này đem về Đồng bằng sông Cửu Long hương vị đặc trưng lắm, xứ cây trái mà, đất phù sa màu mỡ mặc dù trái hơi nhỏ nhưng ngon và hương vị “đặc kẹo” khỏi chê”.

Phát triển mô hình du lịch sinh thái

Hiện nhà ông trồng được trên 300 gốc dâu trên diện tích 4 công (4.000m2). Theo nhẩm tính của ông Hai Thuận, mỗi công một năm cho 2 vụ, một vụ thu hoạch khoảng 3 tấn. 4 công thu hoạch 12 tấn, bán với giá khoảng 40.000đ/kg, ước tính mỗi năm thu được gần 500 triệu, đó là chưa kể đến các sản phẩm từ dâu như mứt, nước cốt, rượu… Với 300 gốc dâu ông Thuận đã trồng dây chuyền tiếp nối nhau để khách tham quan vào thời điểm nào cũng đảm bảo dâu có trái phục vụ du lịch.

Ông Thuận cho biết thêm, khi dâu vào mùa chín rộ, người dân nhiều nơi tò mò đến tham quan để “mục sở thị” dâu tằm đồng bằng. Thấy vậy, ông Thuận cho khách vào vườn vui chơi dưới tán dâu, tự do hái dâu ăn miễn phí. Khi khách có nhu cầu mua dâu tươi, uống nước dâu tại chỗ hay mua rượu dâu, nước cốt dâu… mang về, ông mới tính tiền.

Từ năm 2015, ông đã đăng ký thương hiệu với sản phẩm “Nước cốt dâu tằm tươi 2 Thuận”, sirô và mứt dâu “2 Thuận”. Từ đó, những sản phẩm này được quảng bá tại các kỳ hội chợ, các lễ hội ở địa phương, đồng thời thu hút ngày càng đông khách du lịch trong, ngoài tỉnh đến tham quan và đầu ra ổn định.

Khoảng 2 năm nay, khách đến vườn dâu ngày càng đông, nhất là giới trẻ, khách các tỉnh về rủ nhau vào hái dâu, uống dâu và chụp hình. Có thể nói, “làng dâu tằm” Mỹ Khánh là một trong những điểm đến lý tưởng để du khách trải nghiệm, tận hưởng không khí trong lành, yên tĩnh khi đến TP Long Xuyên du lịch. Không có điều kiện đi Đà Lạt, du khách vẫn có thể đến TP Long Xuyên để thưởng thức dâu tằm và các thức uống được chế biến từ trái cây sạch này.

Được biết, ông Thuận được chọn là 50 gương người tốt, việc tốt năm 2019 trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của TP Long Xuyên. Ông đã đóng góp tích cực cho sự phát triển ở địa phương trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Ngoài ra, ông còn tham gia vận động bà con đóng góp cho việc phát triển kinh tế ở địa phương và các công tác từ thiện, xã hội đem lại lợi ích cho người dân.

Đình Thương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-song-hom-nay/dem-dau-tam-da-lat-ve-lam-giau-tren-dat-an-giang-482890.html