Đem lại giá trị thực cho người bệnh và xã hội (bài cuối)

Thượng tá Hồ Văn Hùng, Trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, Bộ Công an đánh giá, trong thời gian qua những vi phạm liên quan đến đấu thầu nói chung và đấu thầu trong lĩnh vực y tế diễn ra phức tạp. Với sự chủ động, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã sớm nhận diện, phát hiện và đấu tranh kịp thời, hiệu quả đối với những vi phạm này, góp phần đem lại giá trị thực cho xã hội và người dân.

Chống cài cắm, tạo rào cản trong đấu thầu

Hoạt động đấu thầu trong lĩnh vực y tế khá đa dạng, từ mua sắm trang thiết bị vật tư, thuốc đến những dịch vụ nhỏ khác có liên quan như giặt là y tế, vệ sinh bệnh viện... Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho thấy, lĩnh vực nào cũng vậy và trong đấu thầu thì yếu tố minh bạch là quan trọng nhất. Khi "bài thầu" đã không minh bạch thì dù muốn hay không những công ty, đơn vị tham gia đấu thầu làm ăn tử tế, có trách nhiệm dù cố gắng đến mấy cũng khó mà có "cửa" thắng thầu bởi sự móc ngoặc giữa bên mời thầu với nhà thầu tham gia. Các vụ án liên quan đến Việt Á, AIC, CDC ở các địa phương hay như tại một số bệnh viện Tim, Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai… là minh chứng rõ nhất cho hoạt động sai phạm về đấu thầu.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an đánh giá: Sự không minh bạch trong các "bài thầu" được thể hiện rất tinh vi và nếu nhìn vào thông thường sẽ khó có thể nhận ra được bởi hồ sơ khá "sạch". Tuy nhiên, rất nhiều những đơn vị mời thầu đã bắt tay với nhà thầu để tạo ra "bài thầu" với nhiều ưu thế dành cho nhau, tạo điều kiện loại bỏ những nhà thầu khác tham gia hay gây khó khăn, giúp cho nhà thầu đã "bắt tay" với chủ đầu tư từ trước để trúng thầu.

Theo tìm hiểu của PV, đơn cử như trên lĩnh vực giặt là đồ vải, vệ sinh bệnh viện, dù lĩnh vực trên là khá nhỏ so với "cá mập" khác như trang thiết bị máy móc, thuốc, vật tư y tế mà các bệnh viện tổ chức đấu thầu hàng năm, song đây cũng là hoạt động gây tranh cãi, phản ứng dữ dội từ nhiều nhà thầu trong thời gian qua. Với những bệnh viện lớn, hoạt động giặt là đồ vải, vệ sinh bệnh viện hàng năm trong các gói thầu chỉ chừng vài chục tỷ đồng. Đối với những bệnh viện nhỏ ở cấp độ thành phố, quận, huyện, trung tâm y tế, số tiền trong các gói thầu giặt là y tế cũng không quá lớn, nhưng cuộc đua giữa các công ty tham gia đấu thầu lại khá khốc liệt.

Tuy nhiên, thay vì xây dựng những tiêu chí lựa chọn nhà thầu có năng lực, có công nghệ tiên tiến, nhiều bên mời thầu chỉ chăm chăm đưa ra những tiêu chí để loại bỏ nhà thầu "không quen biết". Nhiều hồ sơ mời thầu thu hẹp đối tượng có khả năng đáp ứng yêu cầu, hạn chế nhà thầu tham gia và cũng không loại trừ ý đồ tạo lợi thế cho nhà thầu nào đó, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, bức xúc cho các nhà thầu. Tình trạng ngụy tạo hồ sơ tham gia đấu thầu của nhiều nhà thầu đã bị bệnh viện phát hiện, cấm thầu như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đối với nhà thầu là Công ty CP Dịch vụ môi trường Y tế Mesco.

Hay như theo phản ánh từ nhà thầu, có một số tiêu chí trong gói thầu giặt là của Bệnh viện Đa khoa Đống Đa năm 2023 đưa ra quá cao, chưa phù hợp. Trước sự phản ánh của nhà thầu, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã phải sửa đổi lại một số nội dung có liên quan, gia hạn thêm thời gian mời thầu. Trên thực tế, năm trước đó, hoạt động đấu thầu giặt là ở Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã gặp phải những phản ứng, bức xúc của nhà thầu tham dự về những tiêu chí có liên quan, khiến cho việc đấu thấu phải sửa đổi, hủy bỏ, tổ chức đấu thầu lại nhiều lần. Nhiều đơn vị mời thầu ban đầu đưa ra tiêu chí quá cao, không phù hợp với nội dung công việc nhưng sau đó lại buông lỏng kiểm tra, giám sát dẫn đến tình trạng nhà thầu trúng thầu thực hiện hợp đồng theo kiểu "treo đầu dê bán thịt chó".

Nguyễn Thị Thanh Nhàn và dàn cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai móc ngoặc, thông đồng sai phạm trong đấu thầu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Siết chặt lỗ hổng, nâng cao sức đề kháng

Trao đổi với PV, ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng Quốc gia cho biết: Nghị định 63/2014/NĐ-CP đã quy định rõ một số quy định của E-hồ sơ mời thầu dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm tại Khoản 2 Điều 12 của Nghị định số 63.

Theo đó, đối với tất cả các gói thầu những quy định như: Quy định về số lượng nhân sự chủ chốt và thiết bị thi công, thiết bị chủ yếu quá mức cần thiết để thực hiện gói thầu; quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu; quy định nhân sự thực hiện gói thầu phải được đóng bảo hiểm xã hội, nhất là nhân sự đang ký hợp đồng lao động với nhà thầu; quy định những tiêu chí mà pháp luật chuyên ngành không yêu cầu như: Giấy phép hành nghề, giấy xác nhận đối tác và các yêu cầu về chứng chỉ, chứng nhận mà pháp luật chuyên ngành không quy định… thì đều được xem là hạn chế sự tham gia của các nhà thầu…

Cùng với việc tăng cường phòng ngừa, điều tra, xử lý nghiêm những sai phạm liên quan đến hoạt động đấu thầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp, trong thời gian qua, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã triển khai những nội dung, nhiệm vụ ở nhiều bộ, ngành trong đó có Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… Việc triển khai Đề án 06 ở các bộ, ngành với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, tăng cường sự minh bạch trong các hoạt động đấu thầu, gia tăng, củng cố sức khỏe của các doanh nghiệp, qua đó đem lại giá trị cốt lõi cho người dân, bệnh nhân, xã hội, đồng thời cũng góp phần phòng, chống hiệu quả tình trạng gian lận trong đấu thầu y tế.

Thông tin với PV, đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một trong số những nhiệm vụ của đơn vị trong triển khai Đề án 06 đó là kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; đẩy mạnh việc kết nối, chia sẻ dữ liệu đăng ký doanh nghiệp với Bộ Công an để thực hiện cấp định danh điện tử cho doanh nghiệp. Cùng với đó, nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sửa đổi các quy định về đấu thầu để lựa chọn nhà thầu đối với các sản phẩm công nghệ thông tin có tính chất đặc thù (tài nguyên tri thức, sáng tạo, mới, khó xác định giá thầu, ít nhà cung cấp…).

Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá và tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ 53 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu trong đó liên thông đăng ký kinh doanh, thuế với hộ kinh doanh; đăng ký tham gia hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với nhà thầu, nhà đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành việc tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia "đăng ký tham gia hệ thống đấu thầu mạng đấu thầu quốc gia với nhà thầu, nhà đầu tư" từ tháng 6/2023. Rõ ràng, khi những nhiệm vụ trên hoàn thành sẽ giúp nâng cao công tác quản lý doanh nghiệp, siết chặt lại trách nhiệm, ý thức của chủ đầu tư, xác định được tình trạng "sức khỏe" của doanh nghiệp trong nền kinh tế, phục vụ cho hoạt động quản lý, điều hành cũng như rà soát, kiểm tra những hoạt động của doanh nghiệp trên thực tế ra sao, phục vụ cho cả công tác đấu thầu của các đơn vị, lĩnh vực trong đó có y tế.

Để bảo đảm môi trường đấu thầu thật sự minh bạch, cạnh tranh, công bằng và hiệu quả kinh tế, theo Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như tăng cường và thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý công tác đấu thầu tại cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu chủ đầu tư, bên mời thầu đối với hiệu quả công tác đấu thầu; đồng thời phải chịu trách nhiệm trước tiên nếu để xảy ra vi phạm. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận theo quy định tại khoản 4 Ðiều 89 Luật Ðấu thầu năm 2013 và áp dụng các hình thức xử lý vi phạm trong đấu thầu theo quy định tại Ðiều 121, Ðiều 122 Nghị định số 63/2014/NÐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ðấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Phải thực hiện nghiêm túc việc báo cáo thông tin xử lý nhà thầu vi phạm đến Bộ Kế hoạch và Ðầu tư để đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Giao cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động đấu thầu tại bộ, ngành, tập đoàn kinh tế Nhà nước, Tổng Công ty Nhà nước, Sở Kế hoạch và Đầu tư tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu như nội dung, quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu... Tăng cường chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra về đấu thầu; đào tạo, phổ biến và cập nhật các quy định pháp luật về đấu thầu cho cán bộ thuộc chủ đầu tư, bên mời thầu, tổ chuyên gia. Tạo điều kiện để nâng cao năng lực, chuẩn hóa chất lượng cán bộ làm công tác đấu thầu, bảo đảm có đủ trình độ, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu, dự án.

"Phải quản lý chặt chẽ, minh bạch hoạt động đấu thầu trên tất cả các lĩnh vực trong đó có y tế, giáo dục, bởi đây là những lĩnh vực khá nhạy cảm, dễ bị tổn thương, có tác động rất lớn đến người dân, xã hội. Khi hoạt động đấu thầu diễn ra đúng quy định, thực chất sẽ loại bỏ những doanh nghiệp "ma", những bàn tay "đen" móc ngoặc giữa nhà thầu với chủ đầu tư. Việc này cũng không chỉ giúp doanh nghiệp làm ăn đúng quy định phát triển, mà còn ngăn chặn sự thất thoát, bòn rút tiền của Nhà nước, móc túi người bệnh, qua đó đem lại giá trị thực, người dân, xã hội được hưởng lợi"- Thượng tá Hồ Văn Hùng đánh giá.

Hoàng Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/dem-lai-gia-tri-thuc-cho-nguoi-benh-va-xa-hoi-bai-cuoi--i708312/