Đêm Lộc Ninh với các tù nhân người Quảng Trị vừa được trao trả

Qua 100 ngày vượt Trường Sơn núi đèo thăm thẳm, tháng 4 năm 1973 chúng tôi đến vùng giải phóng Lộc Ninh, trong thời gian chờ đợi phân về đơn vị chiến đấu, tôi có một kỷ niệm nhớ đời với các chị nữ tù nhân vừa được trao trả tại sân bay Lộc Ninh theo Hiệp định Paris về Việt Nam 1973.

Lật lại trang nhật ký ghi ở Lộc Ninh năm 1973, tôi bỗng bần thần ứa nước mắt. Bao nhiêu kỷ niệm cũ sống lại tươi rói. Bốn mươi năm rồi ngỡ như trí nhớ con người đã phôi phai theo thời gian lãng du và cuộc mưu sinh bầm giập sau chiến tranh, không ngờ tất cả vẫn còn.

Những người nữ tù quê Quảng Trị, Huế, gầy guộc, bủng xanh ngày ấy vẫn ám ảnh tôi. Đó là “đêm nói tiếng Quảng Trị” ở làng 7, Lộc Ninh, bên kia rừng cao su...

Tháng tư, những trận mưa đầu mùa trút xuống rừng cao su nghe như bão. Đất miền Đông dính như bột sắn lọc nhuộm đỏ. Ra khỏi “lán” một quãng, đế dép râu đã dày thêm cả gang đất.

Ấy thế mà không biết ai đi đâu đưa về một tin làm chúng tôi náo nức: Có nhiều chị em nữ tù người Quảng Trị vừa được phía địch trao trả đang ở Lộc Ninh! Chả là tiểu đội tôi toàn anh em sinh viên cùng một trường Đại học Thương nghiệp ở Hà Nội nhập ngũ, trong đó có hai đứa dân Quảng Trị gộc là Võ Văn Đảm và Lê Nam Trung (người Vĩnh Giang, Vĩnh Nam, Vĩnh Linh).

Còn tôi thì nửa nạc nửa mỡ: mạ Vĩnh Linh, ba Quảng Bình. Ngoài ra còn nhiều anh em ở Nghệ An, Hà Nam... Nên khi nghe tin có người Quảng Trị thì mừng lắm, kéo nhau đi tìm bằng được. Đường sá lạ hoắc, địch tình chưa thạo, thế mà chúng tôi cứ liều đi tìm. Ra khỏi rừng su thăm thẳm, ướt át, đất đỏ dính bệt dưới dép cao su dày cộp.

Ảnh chụp tiểu đội của tác giả trước khi đi B.

Qua khỏi một đồi tranh, chúng tôi phát hiện ra mấy cái lán lợp tranh còn mới. Và hỏi thì đúng là lán của anh chị em tù vừa trao trả đang chờ hồi hương. Nhưng hỏi mãi mới hay mấy chị Quảng Trị cũng đang “đi tìm đồng hương” ở làng 7, Lộc Ninh!

Cuộc tao ngộ kỳ lạ và cảm động giữa anh em lính chúng tôi và các chị đồng hương diễn ra tại căn nhà gỗ của chú Sáu, dân Cam Lộ tha phương kiếm sống từ những năm 40. Biết chúng tôi là những sinh viên ở Hà Nội mới đi lính và vào tận “B2”, các chị rất cảm động và rất thương.

Nhưng khi Đảm, Trung và tôi tự giới thiệu là người Quảng Trị thì các chị nhìn nhau tỏ vẻ nghi ngờ. Có lẽ vì anh em chúng tôi ở trong một đơn vị toàn lính miền Bắc, nên phải nói tiếng lơ lớ, pha Trung pha Bắc, nói “tiếng phổ thông”, đồng đội mới nghe nhau được.

Ngay các chị và chú Sáu tôi cũng nghe giọng đã pha Trung pha Nam, không còn “từ ngữ” và giọng Quảng Trị nữa. Đang hồi “gay cấn”, chị Ngân (Hoàng Thị Kim Ngân), người lớn tuổi nhất bỗng nói một câu dài bằng “tiếng Quảng Trị”:

- Mấy út nói mấy út người Quảng Trị miềng, mấy ả mờng hung lắm! Răng mấy út nỏ nói tiếng Quảng Trị mô cả. Út mô nói một câu chi thiệt dài rặt tiếng Quảng Trị miềng coi?

Như bấm đúng huyệt, căn phòng chú Sáu bỗng rôm rả hẳn lên. Đảm và Trung tranh nhau, hích vào vai nhau để giành nói. Chị Ngân thấy Trung trẻ nhất đám, chỉ vào nó: “Út ni”. Trung vốn là dân lém lỉnh, có tài kể chuyện, nên được chị Ngân chỉ định nói “tiếng” Quảng Trị, mắt nó long lanh rồi hấp háy, hai tay xoa xoa vào nhau làm bộ điệu :

- Mấy ả ơi, mấy ả mần răng cho tui mạn cấy vá tui múc vá mói tui nêm tréc keng bù để tui bơng cho mệ tui một đọi, mệ tui húp cho mát rọt! (Mấy chị ơi, mấy chị làm sao cho tôi mượn cái muôi tôi múc muôi muối tôi nêm nồi canh bầu để tôi bưng cho bà tôi một bát, bà tôi ăn cho mát ruột).

- Rứa là thiệt người quê miềng đặc sệt rồi, chi nữa - chú Sáu cười ha hả, quờ tay xuống gầm tủ lôi ra chai rượu...

Chúng tôi cũng cười, thằng Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Quốc Tiến học đại học với tôi mấy năm ròng ở Hà Nội, ngày nào cũng nghe tôi nói tiếng miền Trung “trọ trẹ”, mà lần này nghe thằng Trung nói xong, nó cứ ngớ ra, tròn xoe mắt chẳng hiểu mô tê gì cả.

Còn cả 6 người phụ nữ Quảng Trị thì nước mắt giàn giụa. Có người khóc nấc lên thành tiếng. Thì ra, đã bao năm tù tội, mỗi người một phương, các chị chưa hề lần nào được nghe một câu nói “tiếng quê hương” đậm đặc đến như thế! Tôi cứ bàng hoàng không hiểu sao cái thứ ngôn ngữ “quê mùa” ấy lại có sức mạnh ghê gớm đến vậy.

Sau đó các chị giới thiệu tên, kể chuyện nhà tù đều bằng tiếng Quảng Trị. Chúng tôi cũng giới thiệu tên từng đứa, kể chuyện hành quân bằng cái thứ tiếng mà thằng Trung đã nói. Cô Hồng (tức Tịnh) người trẻ đẹp nhất trong các chị, quê ở Hải Quế, Hải Lăng, có đôi mắt rất đẹp quay sang nói:

- Em Khôi nói chi đi, răng mà bụt rứa!

- Tui nỏ biết nói chi hơn, tui xin đọc thơ. Ở Quảng Trị miềng thời chống Pháp có nhà thơ Hồ Vi hay lắm. Eng mần thơ toàn bằng tiếng Quảng Trị, ai nói “quê” cũng không chịu sửa, cứ để vậy mà ai cũng nhớ, cũng thuộc. Tôi cũng nói “tiếng” Quảng Trị rồi đọc bài thơ Lời quê của Hồ Vi:

Mấy bữa ni rồi trời thiếu nắng
Chừng chưa bưa lụt nước còn cao

Khi hôm bộ đội hành quân tới
Trấn thủ dầm phơi chật cả sào.

Mạ mi đem dủi ra ngoài ruộng
Kiếm ít đam cua chút của đồng
Thêm đôi ba miếng anh em đõ
Của nhà quê kiểng buổi thu đông...

Bài thơ Lời quê của Hồ Vi không ngờ lại làm cho không khí đêm vui trầm xuống, thâm nghiêm, xao xuyến. Chị Ngân bắt tôi đọc lại bài thơ một lần nữa, đọc rõ từng tiếng một.

Vâng, “lời quê” đã vào thơ, đã vang lên trong tâm khảm, kéo con người về với cội nguồn. Nhiều chị rút khăn mùi xoa chấm, đôi mắt đỏ hoe. Tôi vừa đọc thơ, vừa gìm giữ để không bật khóc!

Những ngày sau đó, đồng hương Quảng Trị, đồng hương Bình-Trị-Thiên (vì trong đoàn các chị có cô Hương người Phong Điền) liên tục họp. Khi thì ở nhà ông Sáu, khi thì ở nhà của “các chị tù nhân” ở Lộc Thạch.

Qua câu chuyện, tôi biết thêm rất nhiều về những người nữ tù nhân ấy. Các chị hoạt động biệt động, “đi” du kích, ý tá cứu thương, là cơ sở, giao liên bị lộ, bị bắt.

Có chị đã bị tù 10 năm, 8 năm, qua nhiều nhà giam nổi tiếng như Phú Tài, Thừa Phủ, Chí Hòa, Phú Quốc, Côn Đảo. Người bị tù ít nhất là Hồng cũng đã hơn 4 năm rồi. Chị nào cũng mang vết thương trên người do bị địch tra tấn.

Hơn nửa số chị tôi quen bị chúng tra tấn đến triệt đường sinh sản, trong đó có người chưa kịp lấy chồng! Các chị đang an dưỡng, chữa bệnh trước khi về đơn vị cũ hay quê nhà, theo chủ trương của Chính phủ Cách mạng lâm thời.

Về khuya, sự quyến luyến càng tăng lên. Các chị tặng bọn lính chúng tôi mỗi đứa một chiếc khăn các chị thêu ở trong tù. Còn những bài hát, bài thơ tự viết ở trong tù chép trên các đoạn giấy vệ sinh, là thứ giấy duy nhất được dùng tự do trong nhà tù. Các chị còn tặng một chiếc nhẫn sáng bóng mài từ mảnh ca nhôm vỡ trong tù.

Tiểu đội cho tôi là người biết thơ phú văn chương, nên trao cho tôi giữ những tặng vật đó. 43 năm đi qua cuộc chiến tranh, đi qua cuộc sống xô bồ của kinh tế thị trường khốc liệt, hôm nay những kỷ vật trên đang ở trước mặt tôi, như người dẫn đường cho tôi có được những trang hồi ức này.

Chị Hoàng Thị Kim Ngân trước khi bị địch bắt và tác giả ở chiến trường miền Đông năm 1974 (ảnh phải).

Cuối tháng 4-1973, chúng tôi chia tay các chị xuôi về Đồng Xoài, Phước Vĩnh, Kiến Đức, Gia Nghĩa với những trận đánh “chốt chặn” nổi tiếng ác liệt trên đường 13, 14 miền Đông Nam Bộ.

Ngày 27-2-1974, tại rừng Đồng Xoài, Phước Vĩnh bên bờ sông Bé, tôi nhận được thư chị Ngân từ Lộc Ninh gửi về theo một đoàn hậu cần sư đoàn tôi đi họp “Miền” về.

Chị Ngân viết: “Minh Khôi nhớ thương! Sắp được trở lại với quê nhà sau những năm tháng tù đày gian khổ, chị rất vui mừng. Song lại rất thương nhớ em và anh em quê hương còn ở lại chiến trường xa. Chị em mình không bao giờ quên được buổi gặp gỡ tình cảm quê hương ấm áp và cảm động nơi tận cùng Tổ quốc này.

Từ ngày xa em đến nay, chị được gặp lại em Bình và nhận được 2 lá thư của Đảm, 1 thư của Trung... Hiện giờ thì đơn vị của Đảm đang ở Bù Gia Mập. Đảm, Dũng, Hậu ở chung một đại đội. Cách đây 3 tháng, chị nghe tin em Hậu bị sốt rét ác tính chết tại K23, nhưng không biết có đúng không, vì Đảm không báo tin. Đảm cũng bị sốt rét đi viện luôn...

Chỉ có Dũng là chưa bị sốt rét bao giờ. Vừa rồi, chị gặp một đồng chí cùng đơn vị với Đảm kể chuyện là Thước, Kác, Tiến... đều khỏe cả. Hứa với em là khi về tới Quảng Bình, chị sẽ tìm cách liên lạc với gia đình em, để báo tin em cho gia đình phấn khởi. Gia đình chị cũng đang ở Phú Thủy, Lệ Thủy quê em đấy, em ạ... Chị ghi hòm thư Đảm cho em đấy: Võ Văn Đảm HT 810-592-A3...".

Theo đường dây nội bộ này, Đảm, tôi, Trung, Dũng có trao đổi thư từ với các chị đồng hương Quảng Trị ở Lộc Ninh vài ba lá, sau đó chúng tôi về vùng sâu nên mất hẳn liên lạc.

Sau năm 1975, tiểu đội chúng tôi gặp các chị ở Lộc Ninh đêm ấy, quá nhiều mất mát. Đảm, Trung, Hậu... hi sinh! Cao Xuân Hậu hi sinh ở Sông Bé ngày 10/5/1973, chỉ 1 tháng sau khi chúng tôi chia tay nhau. Võ Văn Đảm hy sinh ở Gia Nghĩa. Đảm là tiểu đội trưởng thuộc một đơn vị Trung đoàn độc lập 205. Đơn vị Đảm chống địch lấn chiếm ở Gia Nghĩa. Trung đội trưởng, trung đội phó lần lượt hy sinh. Đảm đã cầm súng AK, hô lớn: “Toàn trung đội nghe lệnh tôi, tiến lên!”.

Trận đánh đó, Võ Văn Đảm hi sinh. Đến nay gia đình vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Lê Văn Trung hi sinh ngày 29-4-1975 khi đơn vị của em từ Long An tiến lên giải phóng Sài Gòn. Trung bị một quả đạn pháo 105 ly của địch rơi trúng. Đạn không nổ, nhưng em bị thương, không qua được. Vâng, chỉ còn một ngày nữa là kết thúc chiến tranh...

Giữa năm 1976, sau ngày giải phóng miền Nam, trên đường từ Sài Gòn ra Hà Nội, tôi ghé thăm nhà ở Ngư Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình. Mạ tôi cho hay rằng, đầu năm 1975 có chị tên Ngân từ miền Nam ra, có tìm thăm gia đình tôi, đúng như trong thư chị đã hứa. Tôi rất xúc động và thầm cảm ơn cuộc sống và “đêm nói tiếng Quảng Trị thân thương” ở Lộc Ninh ấy.

Minh Khôi

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/6cuthang__-dem-loc-ninh-voi-cac-tu-nhan-nguoi-quang-tri-vua-duoc-trao-tra-488318/