Đêm nghệ thuật 'Lửa thiêng rực sáng sử vàng' tại Việt Nam Quốc Tự

Tối mùng 10-4-Quý Mão, tại Việt Nam Quốc Tự, đã diễn ra đêm nghệ thuật 'Lửa thiêng rực sáng sử vàng' do Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM tổ chức thực hiện trong khuôn khổ chương trình Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567.

Đại cảnh Thích Ca Mâu Ni do ca sĩ Hùng Thanh và Lê Viết Thu cùng với vũ đoàn Rex đã mở ra một đêm thiêng liêng

Đại cảnh Thích Ca Mâu Ni do ca sĩ Hùng Thanh và Lê Viết Thu cùng với vũ đoàn Rex đã mở ra một đêm thiêng liêng

Sau tác phẩm đại cảnh Thích Ca Mâu Ni Phật Ngày rằm tháng Tư mở đầu cho chương trình, Thượng tọa Thích Trí Chơn, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM, Chỉ đạo nghệ thuật phát biểu khai mạc. Theo đó, Thượng tọa cho biết đây là chương trình thuộc chuỗi sự kiện kính mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 và tưởng niệm 60 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân do Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tổ chức.

Thượng tọa Thích Trí Chơn phát biểu khai mạc

Thượng tọa cho biết thêm thông điệp của chương trình nghệ thuật “Lửa thiêng rực sáng sử vàng” muốn nói lên rằng dòng chảy của Đạo Phật vẫn mãi sáng ngời trong tâm thức nhân loại, và dân tộc việt Nam. Ngọn lửa của Bồ-tát Thích Quảng Đức, ngọn lửa của từ bi của bất bạo động, của khoan dung và độ lượng, luôn luôn kiến tạo hòa bình, an lạc cho cuộc sống.

"Đêm nghệ thuật chúng ta sẽ được lắng nghe những khúc hát, những điệu đàn, những giai điệu dâng lên cúng dường đức Phật, cúng dường chư Tổ mà tiêu biểu là Bồ-tát Thích Quảng Đức, và có những giai phẩm nói về niềm tự hào của người con Phật, là người đệ tử đi trên con đường giải thoát giác ngộ của Đức Thế Tôn”, Thượng tọa Thích Trí Chơn nhấn mạnh.

Hòa thượng Thích Lệ Trang nói về Ý nghĩa Phật đản

Tại đêm nhạc, Hòa thượng Thích Lệ Trang, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 taiyTP.HCM nói về "Ý nghĩa Phật đản sanh", qua đó Hòa thượng bày tỏ Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM tổ chức đêm nghệ thuật với những phạm âm reo rắt, những điệu nhạc vô nhân ngã này, sẽ cảnh tỉnh, sẽ xoa dịu, sẽ giúp cho mọi người ý thức hơn về con người của chúng ta, về hoàn cảnh, về sự sống, môi trường chung quanh chúng ta mà nuôi dưỡng hạt giống từ bi.

“Một khi tâm từ bi có mặt trong thân tâm ta, thì chung quanh ta là không khí từ bi, mọi người đối đãi với nhau bằng nụ cười tương thân tương ái, sẽ có khả năng chuyển hóa khổ đau. Chính những năng lượng tích cực này sẽ đóng góp và tô điểm cho dân tộc Việt Nam, cho Phật giáo Việt Nam, cho toàn thể nhân loại trên khắp năm châu được sống an lạc hạnh phúc”, Hòa thượng Thích Lệ Trang phát biểu.

NSƯT Thanh Lam và ca sĩ Tùng Dương biểu diễn "Ngọc Đài Sen", một sáng tác của nhạc sĩ Huy Tuấn

Theo đó, đêm nghệ thuật với nhiều tiết mục ca, múa, nhạc kịch do các nghệ sĩ chuyên nghiệp trình diễn: Tạ Minh Tâm, Thanh Lam, Tùng Dương, Nguyễn Phi Hùng, Bích Phượng, Osen, Quốc Đại, Thùy Trang, Đông Quân, Hải Phượng, Sa Huỳnh, Quách Tuấn Du, Hùng Thanh, Hải Phượng, Ban Đạo ca chùa Giác Ngộ… Chương trình do Bill Nguyễn làm đạo diễn sân khấu; Đại Nghĩa - Lâm Ánh Ngọc dẫn chuyện.

Hoạt cảnh Quả tim bất diệt

Với các ca khúc, hoạt cảnh được thể hiện: Thích Ca Mâu-Ni Phật, Ngày rằm tháng Tư, Bước chân nhiệm mầu, Sám nguyện, Lạy Phật con về, thiền ca Bạn và tôi - Hiểu và thương; Chuông và mõ, Về chùa sám hối, Trái tim Bồ-tát, Thất liên hoa, Quả tim bất diệt, Ngọc Đài Sen…

Trong đêm nhạc, nhạc sĩ Huy Tuấn, cùng các nghệ sĩ Hùng Thanh, Nguyễn Đức, Đông Quân, Quốc Đại… chia sẻ niềm tự hào khi là Phật tử và lấy Phật pháp làm lẽ sống của đời mình.

Như Danh - Bảo Toàn/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/dem-nghe-thuat-lua-thieng-ruc-sang-su-vang-tai-viet-nam-quoc-tu-post67077.html