Đêm Noel bi hùng và những phận người đi qua cuộc chiến

Máy bay địch ồ ạt đánh phá thành phố Thái Nguyên và một loạt bom đã rơi trúng hầm trú ẩn của đại đội, khiến 60 anh chị Thanh niên xung phong và 3 cán bộ, nhân viên ga Lưu Xá hy sinh; một số người bị thương. Trong số các liệt sỹ, có 2 người trẻ nhất mới 16 tuổi...

Nhiều năm qua, những địa danh lịch sử như hang Tám Cô (tỉnh Quảng Bình), ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), Truông Bồn (Nghệ An)… đã quá nổi tiếng và ghi sâu vào tiềm thức mỗi người Việt Nam. Song cách Hà Nội chỉ khoảng 70km, tại TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), còn có một sự kiện bi tráng không kém: Trận bom đêm Noel 1972 của giặc Mỹ đã sát hại cùng lúc 63 anh chị Thanh niên xung phong, trong đó 2 người trẻ nhất mới 16 tuổi!

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và các đại biểu trong một lần viếng thăm khu di tích.

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và các đại biểu trong một lần viếng thăm khu di tích.

Trận bom tang thương

Đầu tháng 4/2023, cuối xuân nắng mới hoe vàng, chúng tôi viếng thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia Đại đội 915 (nay thuộc phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) - Nơi tưởng niệm 63 liệt sỹ Thanh niên xung phong hy sinh tối 24/12/1972. Sau trận bom tang thương, căn hầm chứng kiến sự hy sinh của 63 liệt sỹ được xây dựng thành khu di tích và nhiều lần tôn tạo. Đặc biệt, đến tháng 3/2018, Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên phối hợp tỉnh Bắc Kạn và được sự đồng thuận của các bộ, ngành về chủ trương đầu tư tôn tạo, mở rộng khuôn viên Khu di tích lịch sử Quốc gia Đại đội 915 như hiện nay. Đồng chí Trần Quốc Tỏ, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên (nay là Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an), đặc biệt quan tâm, trực tiếp duyệt phương án, thường xuyên kiểm tra tiến độ xây dựng, tôn tạo khu di tích…

Một gian trưng bày hiện vật tại chính hố bom năm xưa được xây dựng thành Khu di tích lịch sử Quốc gia Đại đội 915.

Một gian trưng bày hiện vật tại chính hố bom năm xưa được xây dựng thành Khu di tích lịch sử Quốc gia Đại đội 915.

Sau khi làm lễ dâng hương tại đền thờ, chúng tôi bồi hồi đi thăm khu trưng bày các hiện vật. Khu điện thờ có các lư hương, đôi hạc đồng, chân nến... Phía trên ban thờ, có di ảnh một số liệt sỹ Thanh niên xung phong; các liệt sỹ không có ảnh thì có dòng chữ ghi tên, năm sinh, năm mất đặt trong khung ảnh. Ở một góc kế bên ban thờ, có ảnh của 7 Thanh niên xung phong may mắn sống sót sau trận bom… Ngay dưới khu vực điện thờ, chính là căn hầm tang thương năm xưa, nay được xây dựng khang trang thành những gian trưng bày sinh động và có ý tưởng rõ ràng. Tại đây có nhiều hình ảnh, hiện vật: các bộ quần áo của Thanh niên xung phong, bình tông đựng nước, cạp lồng nhôm, xe đạp thồ và một số vật dụng sinh hoạt thông dụng của lực lượng Thanh niên xung phong trong những năm tháng kháng chiến. Rất ấn tượng là chiếc lược nhôm và bình hoa được đúc từ kim loại lấy từ xác chiếc máy bay thứ 1.000 của giặc Mỹ bị quân và dân tỉnh Thái Nguyên bắn rơi trên bầu trời miền Bắc năm 1966…

Bà Lương Thị Hội (thứ 4 từ trái qua) kể lại trận bom đau thương đêm Noel 1972.

Bà Lương Thị Hội (thứ 4 từ trái qua) kể lại trận bom đau thương đêm Noel 1972.

Trở lại mùa đông năm 1972, ga Lưu Xá là một điểm tập kết hàng hóa quan trọng của Thái Nguyên. Cuối tháng 12/1972, tại đây tồn gần 20.000 tấn lương thực và hàng hóa quân sự trung chuyển vào chiến trường. Để khẩn trương di chuyển hàng, lãnh đạo tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn) đã giao nhiệm vụ cho lực lượng Thanh niên xung phong Đại đội 915. Ðại đội 915 có 102 cán bộ, đội viên là con em đồng bào dân tộc các huyện: Chợ Rã, Chợ Ðồn, Bạch Thông, Na Rì (nay thuộc tỉnh Bắc Kạn); Ðồng Hỷ, Phổ Yên, Ðại Từ và Phú Bình (nay thuộc tỉnh Thái Nguyên). Hầu hết các đội viên đều còn trẻ, chưa lập gia đình, người lớn nhất mới 25 tuổi.

Bà Hội vẫn xót xa khi nhớ về những người đồng đội đã hy sinh trong đêm Noel 1972 tại khu vực ga Lưu Xá.

Bà Hội vẫn xót xa khi nhớ về những người đồng đội đã hy sinh trong đêm Noel 1972 tại khu vực ga Lưu Xá.

Từ sáng 24/12/1972, lực lượng Thanh niên xung phong khẩn trương bốc xếp, giải tỏa hàng hóa tồn đọng. Tầm 7h tối 24/12/1972, khi hầu hết số hàng đã được đưa đến điểm tập kết an toàn, các anh chị đang chuẩn bị ăn cơm tối thì có báo động. Máy bay địch ồ ạt đánh phá thành phố Thái Nguyên và một loạt bom đã rơi trúng hầm trú ẩn của đại đội, khiến 60 anh chị Thanh niên xung phong và 3 cán bộ, nhân viên ga Lưu Xá hy sinh; một số người bị thương. Trong số các liệt sỹ, có 2 người trẻ nhất mới 16 tuổi là chị Tô Thị Phùng và chị Nông Thị Hòa, cùng quê ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Đây là sự hy sinh lớn nhất của lực lượng Thanh niên xung phong ở cùng một thời điểm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ…

Khóc người nằm xuống, thương người ở lại

Trong số 7 anh chị Thanh niên xung phong năm xưa may mắn sống sót sau loạt bom khủng khiếp, có bà Lương Thị Hội nay vừa tròn tuổi 70, trú tại thôn Đồng Ngõ, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của Thượng tá Nguyễn Hoàng Trí Kháng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên và một số CBCS Công an huyện Đại Từ, chúng tôi tìm được nhà bà Hội lúc đã giữa trưa.

Do hậu quả sức ép từ trận bom, sức khỏe của bà Hội giảm sút rất nhiều, bị thoái hóa mấy đốt sống cổ dẫn đến chèn dây thần kinh, biến chứng viêm đa khớp… Giữa trưa nắng đầu hạ, bà Hội vẫn phải đắp một tấm chăn, nằm thiêm thiếp trên giường. Chồng bà, ông Trần Quang Vinh năm nay 73 tuổi, người nhỏ thó nhưng khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Sau khi mời khách uống trà, ông Vinh đưa chúng tôi xuống nhà dưới thăm bà Hội. Ông đỡ bà Hội trở dậy, chải lại mái cho vợ và mời chúng tôi ngồi. Ông phân trần: “Bà ấy đi lại khó khăn nên phải ở dưới căn nhà ngang này cho tiện mọi sinh hoạt, đỡ phải leo mấy bậc thềm nhà trên”.

Ông Trần Quang Vinh kể lại nỗi ám ảnh của người vợ: "Lắm bận đang nằm, tự nhiên bà ấy thét lên"...

Ông Trần Quang Vinh kể lại nỗi ám ảnh của người vợ: "Lắm bận đang nằm, tự nhiên bà ấy thét lên"...

Nhớ về trận bom nửa thế kỉ trước, bà Hội rơm rớm nước mắt: “Khi nghe còi báo động thì tất cả Thanh niên xung phong và 3 thủ kho của nhà ga đều chạy vào hầm trú ẩn. Bom rơi trúng hầm, có nhiều người bị vùi lấp do hầm sập, có người bị hất tung, bật lên, văng ra khỏi hầm… Trận bom kinh hoàng đã cướp đi mạng sống của 63 thanh niên còn trẻ măng”.

Bà Hội lau nước mắt rồi kể tiếp: “Trời mùa đông tối nhanh, chúng tôi vẫn chưa được ăn cơm. Mọi người đều khẩn trương với công việc, quên cả cái đói. Buổi trưa, một chị nuôi tên là Hoạt (người huyện Phổ Yên) gánh cơm canh ra, gặp tôi liền phân trần: “Hôm nay chúng em nấu cơm muộn một chút, mọi lần nhanh lắm nhưng hôm nay cơm bị sống, phải nấu lại 2 lần mới được… Em lo quá, không biết có sao không?”. Không ngờ, sự linh cảm và lo lắng của chị Hoạt đã diễn ra ngay tối hôm đó. Tầm 7h tối, mọi người chuẩn bị nghỉ tay tranh thủ ăn xong để làm tiếp, thì còi báo động máy bay lanh lảnh rú lên. Anh Cường, anh Việt thủ trưởng đơn vị hô hoán tất cả xuống hầm ngay. Bom rơi trúng hầm và địa đạo, cửa hầm sập khiến nhiều người mắc kẹt, bị đất đá, bê tông vùi lấp”… Bà Hội bị sức ép hất tung lên, văng ra khỏi hầm và có lẽ đó là may mắn khiến bà không bị chết ngạt. Đến rạng sáng 25/12/1972, bà Hội tỉnh lại và được đưa đi cấp cứu.

Vườn chè xanh tươi góp phần ổn định cuộc sống của gia đình ông Vinh, bà Hội.

Vườn chè xanh tươi góp phần ổn định cuộc sống của gia đình ông Vinh, bà Hội.

Bao nhiêu năm trôi qua nhưng ký ức về đêm Noel khốc liệt năm nào vẫn khiến bà Hội và những cựu Thanh niên xung phong giật mình trong đêm. "Lắm bận đang nằm, tự nhiên bà ấy thét lên" – ông Vinh ngồi bên vợ góp lời vào câu chuyện bi thương đã ám ảnh vợ ông và gia đình ông suốt nhiều năm qua. Ông Vinh và bà Hội lập gia đình năm 1974 thì đến tháng 5/1975, bà Hội xuất ngũ khỏi lực lượng Thanh niên xung phong, trở về địa phương. Họ có 5 người con đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Riêng ông Vinh từng có 20 năm là công an viên; khi ông nghỉ hưu thì con trai ông là Trần Văn Quỳnh (SN 1985) nối bước cha, làm công an viên xóm Đồng Ngũ. Hai vợ chồng vất vả mưu sinh nuôi mẹ già và 5 người con, nên căn nhà cấp 4 phải xây mấy lần mới xong… Vợ chồng ông Vinh xúc động nhận món quà từ đoàn công tác của Báo CAND và Công an tỉnh Thái Nguyên; rồi ông Vinh dẫn chúng tôi ra thăm vườn chè ngay gần nhà và hồ hởi cho biết: “Tháng cao nhất, riêng vườn chè này cho thu nhập 15 triệu đồng. Cuộc sống cũng đỡ hơn rồi, anh ạ”.

Tạm biệt vợ chồng bà Hội, chúng tôi vượt qua con đường trải nhựa ngoằn ngoèo, nhiều đèo dốc đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Nhung (tổ 17, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn). So với bà Hội, bà Nhung sức khỏe tốt hơn và vẫn còn tham gia công tác tại địa phương, giữ vai trò Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong huyện Chợ Đồn. Khi xảy ra trận bom, bà Nhung mới 19 tuổi, bị thương ở đầu nên mỗi khi trái gió trở trời, bà vẫn bị những cơn đau hành hạ. Bà Nhung kể: “Tiểu đội tôi có 4 người cùng quê Chợ Đồn thì 3 người hy sinh, chỉ còn mỗi tôi trở về…”.

Bà Nhung kể về những người may mắn sống sót sau trận bom tàn khốc đêm Noel 1972.

Bà Nhung kể về những người may mắn sống sót sau trận bom tàn khốc đêm Noel 1972.

Dù điều kiện kinh tế khá hơn vợ chồng bà Hội, song vợ chồng bà Nhung, ông Khanh cũng có tới 7 lần làm nhà và đến mãi gần đây mới trả hết nợ ngân hàng sau khi hoàn thiện căn nhà 1 tầng khang trang, nép mình dưới chân một ngọn đồi mướt mát cây lá. Bà Nhung khoe “Nhà có vườn ngô rộng; trong chuồng giờ có 5 con lợn, vài chục con gà…”. Mấy người con đều có công ăn việc làm ổn định nên vợ chồng bà Nhung sống vui vẻ, đầm ấm và bà vẫn tích cực tham gia các công việc của Hội cựu Thanh niên xung phong, thăm hỏi, tri ân đồng đội.

Không may mắn như bà Hội và bà Nhung đều có một mái ấm gia đình, ông Hoàng Văn Thắng (SN 1954, hiện trú tại xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn), sau trận bom kinh hoàng, ông Thắng bị ám ảnh bởi tiếng kêu của đồng đội và cô người yêu bị kẹt trong hầm mà không cứu được, phần vì sức khỏe bị giảm sút nghiêm trọng, nên ông không lấy vợ, lủi thủi mưu sinh một mình. Mới đây, ông Thắng không may bị ngã và hiện phải nằm tại chỗ, mọi sinh hoạt diễn ra trên giường. Đưa chúng tôi vào thăm ông Thắng, ông Hoàng Văn Thăng, em ruột ông Thắng bảo: “Hằng ngày, tôi hoặc các cháu mang cơm đến cho anh tôi ăn uống, rồi làm vệ sinh. Vài ngày một lần, lại tắm cho anh tôi. Mỗi lần tắm, phải có vài ba người phụ giúp”.

Giờ phút thảnh thơi của vợ chồng bà Nhung.

Giờ phút thảnh thơi của vợ chồng bà Nhung.

Nằm trên giường, ông Thắng người chỉ còn da bọc xương nhưng tỉnh táo tiếp chuyện chúng tôi… Ông vẫn nhớ về cô người yêu năm xưa đã hy sinh trong trận bom kinh hoàng. Họ từng hứa hẹn với nhau, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, sẽ về quê ra mắt 2 bên gia đình và làm lễ cưới. Khi hầm bị sập, ông Thắng may mắn không chết; song tiếng kêu của chị Nga: “Anh Thắng ơi, cứu em với…!” cứ mãi ám ảnh ông.

Cuộc chiến nào cũng có những mất mát, hy sinh, song trận bom khủng khiếp đêm Noel 1972 cướp đi mạng sống của 63 anh chị Thanh niên xung phong Đại đội 915, mãi là một khúc tráng ca hào hùng để đất nước trường tồn.

Hiển Vinh – Hiếu Phùng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/dem-noel-bi-hung-va-nhung-phan-nguoi-di-qua-cuoc-chien-i691261/