Đêm trước Lễ hội Chùa Hương 2019

Lễ hội Chùa Hương Tích hay còn gọi là Chùa Hương (huyện Mỹ Đức – TP. Hà Nội) là một lễ hội lớn và dài nhất của Việt Nam. Hằng năm Lễ khai hội được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch nhưng với Phật tử, du khách và người dân địa phương thì Lễ hội bắt đầu từ khi những cánh đào mong manh khoe sắc trong núi rừng Hương Sơn đón mùa xuân sang, cho tới hết mùa hoa gạo nở trên sườn núi để đón mùa hạ trở về.

Hành trình về miền đất Phật - nơi Quán Thế Âm Bồ Tát ứng hiện tu hành từ lâu đã trở thành một nét đẹp truyền thống của nhiều người dân đất Việt. Không chỉ nổi tiếng bởi nằm giữa cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, mà còn nổi tiếng là nơi linh thiêng Thánh địa nên hàng năm quần thể di tích Chùa Hương đón tiếp hàng triệu Phật tử, du khách trong và ngoài nước về hành hương. Đây vừa là vinh dự vừa là áp lực của cả nhà chùa lẫn chính quyền địa phương trong công tác tổ chức như: khắc phục tình trạng quá tải, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng văn hóa ứng xử nơi cửa Phật và vệ sinh nơi công cộng...

Cổng Tam Quan chùa Thiên Trù năm 1927.

Đặc biệt ngày 19/09/2018, Chùa Hương vinh dự được đón nhận Bằng Di tích Quốc gia Đặc biệt thì công tác tổ chức Lễ hội lại càng cần được trú trọng. Chia sẻ với Thương hiệu và Pháp luật, Thượng tọa Thích Minh Hiền - Trụ trì quần thể chùa Hương cho biết: “Chùa Hương là một sơn môn lớn quy tụ một hệ thống 18 các đền, chùa, hang động thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Để chuẩn bị cho Lễ hội thành công và công tác đón tiếp Phật tử thập phương chu đáo, về phía trụ trì các Tự viện trong quần thể khu di tích danh lam thắng cảnh Chùa Hương đã chuẩn bị đầy đủ hạ tầng cơ sở, vật chất từ nơi thờ chính như Tam Bảo, Tổ Đường đến sân vườn, cảnh quan đều được thanh tịnh, phong quang, trang nghiêm, sạch sẽ.

Thượng tọa Thích Minh Hiền cũng nhấn mạnh thêm, Ban tổ chức lễ hội và chính quyền địa phương đã chuẩn bị kỹ càng xuồng đò, bến bãi, hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, đường núi nhằm đảm bảo an toàn cho Phật tử và du khách.

Đặc biệt trong mấy năm gần đây tình hình vệ sinh môi trường Quần thể Chùa Hương trong mùa lễ hội đã được cải thiện rõ rệt. Trong khu di tích có một nhà máy xử lý rác thải tại khu vực Bến Trò, có khu nhà vệ sinh công cộng miễn phí, an toàn vệ sinh thực phẩm được trú trọng và đặc biệt không còn hình ảnh các quán ăn treo thịt bò, thịt dê phản cảm mất vệ sinh và phản cảm trong khu vực khu di tích.”

Chùa Thiên Trù năm 1997.

Thượng tọa cũng chia sẻ thêm: “Trong ngày Khai hội Chùa Hương, sau lễ khai hội cầu Quốc thái, dân an. Trụ trì nhà chùa và Ban tổ chức lễ hội sẽ ra mắt cuốn sách ảnh Tùng Lâm Hương Tích “Chùa Hương xưa và nay”. Được biết, cuốn sách ảnh sẽ giới thiệu 155 bức ảnh màu và ảnh đen trắng từ phim 6x6 đến 3x4, từ phim negative đến digital trong thời gian từ năm 1927 đến nay.

Toàn cảnh Thiên Trù năm 2018.

Phật tử, du khách thập phương đổ về Chùa Hương những ngày đầu năm 2019.

Cũng tại Lễ hội Chùa Hương 2019, Chính quyền huyện Mỹ Đức và Hội nông dân Mỹ Đức sẽ ra mắt Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Rau Sắng - Đặc sản Chùa Hương. Theo đó toàn bộ sản lượng khoảng 20 tấn rau sắng được thu hoạch từ 70 hộ dân trên diện tích hơn 50 ha rừng trồng rau sắng của xã Hương Sơn sẽ được đưa lên Hệ thống kiểm soát thông tin truy xuất nguồn gốc thành phố Hà Nội tại địa chỉ mạng Hn.check.net.vn; được gắn tem truy xuất nguồn gốc của sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội; được đóng gói và gắn logo nhận diện chỉ dẫn địa lý rau sắng Chùa Hương. Để tránh tình trạng du khách và Phật tử mua phải rau sắng nơi khác mang về Chùa Hương bán, Ban tổ chức đã chuẩn bị 04 điểm bán rau sắng có gắn biển nhận diện của Hội nông dân và giải pháp truy xuất nguồn gốc Check VN như sau:

01 điểm trước cổng soát vé Bến Trong, 01 điểm tại khu nhà quản lý vé Bến Trong, 01 điểm tại đầu cầu Bến Yến và 01 điểm tại khu vực nhà điều hành quản lý vé Bến Yến.

Phan Anh

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/dem-truoc-le-hoi-chua-huong-2019-d19385.html