Đến Bạch Đằng giang nhớ người anh hùng xứ Thanh

Có ai đó đã nói, sông Bạch Đằng là nơi chặn đứng giấc mộng bành trướng của người phương Bắc, điều này có lẽ cũng chẳng phải quá lời. Dẫu trăm năm, ngàn năm đi qua, cửa sông Bạch Đằng vẫn ở đó như một chứng tích của lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Ở nơi này, từ Tiền Ngô vương (Ngô Quyền) đến Lê Đại Hành hoàng đế, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn... đã lãnh đạo quân dân ta làm nên thắng lợi vang danh kim cổ.

Đền thờ Hoàng đế Lê Đại Hành ở khu di tích Bạch Đằng giang (Hải Phòng).

Đã quen với dòng Mã giang xứ Thanh quê mình vẫn ầm ào, cuộn trào bọt trắng, hùng vĩ như người đàn ông từng trải sau những vất vả nên khi đứng trước sông Bạch Đằng, kẻ viễn khách là tôi không tránh khỏi cảm xúc lạ lẫm, chênh chao. Sông Bạch Đằng sóng lặng bàng bạc một mầu bình yên. Sự tĩnh lặng vốn dĩ như từ ngàn vạn năm thuở tạo hóa khai sinh lập địa đã như vậy. Nhưng, dưới mặt nước mênh mông, lặng lẽ kia, nào ai có thể đếm được những “sóng lòng” chất chứa. Chỉ biết, lịch sử dân tộc đã ghi dấu ở nơi đây những oai hùng vĩ đại của cha ông trong cuộc chiến chống ngoại xâm.

Bạch Đằng giang không phải con sông lớn. Nằm trong hệ thống sông Thái Bình với chiều dài chỉ hơn 30 km, chảy giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và Thủy Nguyên (Hải Phòng). Điều gì đã khiến cho Bạch Đằng giang trở thành “dòng sông lịch sử” của dân tộc? Cũng không khó lí giải. Khi mà đường thủy vẫn giữ vai trò chính yếu trong giao thông đi lại thì sông Bạch Đằng được xem là con đường thủy tốt nhất để người phương Bắc tiến vào Đại La - Thăng Long (Hà Nội). Bởi vậy, để thực hiện mưu đồ xâm chiếm Đại Việt thì dù muốn, dù không kẻ xâm lược vẫn phải di chuyển qua khúc sông này. Và lần nào, đáy sông Bạch Đằng cũng lắng đỏ máu kẻ thù.

Bắt đầu, phải kể đến chiến công vĩ đại năm 938 của người được xem là “vua của các vua” - Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Trước đó, sau “đêm trường” Bắc thuộc của nhân dân ta, Dương Đình Nghệ, vị danh tướng đến từ vùng đất Dương Xá (nay là làng Giàng, xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa) với khí chất và tài nghệ hơn người đã tập hợp binh sĩ, người hiền tài về với vùng đất Cửu Chân (Thanh Hóa). Lúc bấy giờ, lò võ Dương Xá nổi tiếng khắp xa gần, thu hút hào kiệt bốn phương cùng về đây tụ hội: Ngô Quyền, Đinh Công Trứ, Phạm Cự Lạng... Dương Đình Nghệ nuôi dưỡng binh sĩ tạo nên một lực lượng đối trọng khiến cho nhà cầm quyền phương Bắc không khỏi lo lắng. Khi thế và lực đã đủ mạnh, vị thủ lĩnh họ Dương bắt đầu khởi binh từ vùng đất Ái Châu ra vây hãm Giao Châu. Thứ sử nhà Nam Hán ở nước ta lúc bấy giờ là Lý Tiến vô cùng hoảng sợ đã cầu cứu viện binh từ Bắc quốc. Song, nước xa không cứu đươc lửa gần. Chính quyền nhà Nam Hán cai trị ở nước ta nhanh chóng sụp đổ. Năm 931 đánh dấu mốc son mở đầu sự nghiệp chấm dứt gần 1000 năm Bắc thuộc của dân tộc Việt.

Khi sự nghiệp lập quốc của chủ tướng Dương Đình Nghệ đang được gây dựng thì ông bị kẻ dưới trướng là Kiều Công Tiễn âm mưu sát hại để tiếm quyền, sự nghiệp của vị danh tướng họ Dương cũng vì vậy mà nửa đường đứt gánh. Tuy vậy, công cuộc giành độc lập, xây dựng quốc gia của ông sau đó được chính người con rể là Ngô Quyền “viết” tiếp đầy vẻ vang. Theo đó, dù không sinh ra ở vùng đất xứ Thanh song nơi đây như quê hương thứ hai của ông. Tại đây, ông đã được chủ tướng Dương Đình Nghệ yêu mến, nuôi dạy và gả con gái. Sau khi biết tin Dương Đình Nghệ bị sát hại ngoài thành Đại La, Ngô Quyền cùng một số thuộc tướng dưới trướng vẫn đang đóng giữ ở vùng đất Dương Xá đã nhanh chóng kéo quân ra phía Bắc để trị tội kẻ phản bội Kiều Công Tiễn. Lúc bấy giờ, vua nhà Nam Hán nhân cơ hội kéo quân vào nước ta để xâm chiếm, giành lại quyền cai trị. Con trai thứ 9 của vua Nam Hán là Hoằng Tháo trở thành thủ tướng thống lĩnh thủy quân theo sông Bạch Đằng tiến vào thành Đại La nước Việt với mưu đồ “đánh nhanh thắng nhanh”.

Trước khí thế của kẻ xâm lược, chủ tướng Ngô Quyền không lấy làm nao núng. Ngược lại, theo Đại Việt sử ký toàn thư thì vị thủ lĩnh họ Ngô bình tĩnh: “Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng đã mất vía trước rồi... Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền... nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm ở trước cửa biển (sông Bạch Đằng), thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho thoát chiếc nào”. Thời bấy giờ, đó quả nhiên là ý tưởng mới lạ đầy táo bạo cùng sự tính toán kĩ lưỡng và những đòi hỏi sự am hiểu tường tận thực địa. Vào ngày cuối đông năm 938, đoàn chiến thuyền của quân Nam Hán đã vượt biển, tiến vào cửa ngõ Bạch Đằng để theo đường thủy vào chiếm đánh thành Đại La. Sau khi dụ cho toàn bộ quân xâm lược tiến sâu cũng là lúc thủy triều đang dần rút xuống, để lộ lớp cọc ngầm. Lúc bấy giờ, quân ta mới bao vây phản công khiến giặc vội vã quay đầu tháo chạy. Thuyền chiến va vào cọc sắt, bị đâm thủng gần hết, quân Nam Hán vì thế mà đại bại, thương vong vô kể. Trận đại thủy chiến Bạch Đằng năm 938 chấm dứt “mộng” xâm lược của nhà Nam Hán. Sau thắng lợi, Ngô Quyền lên ngôi vua, xưng là Ngô Vương, lập ra nhà Ngô. Và ông được hậu thế vinh danh là “vua của các vua”.

Tượng thờ Vua Ngô Quyền; Lê Đại Hành Hoàng đế; Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn bên bờ sông Bạch Đằng (Hải Phòng).

Quay trở về bối cảnh lịch sử dân tộc lúc bấy giờ bị Bắc thuộc kéo dài gần 1000 năm mới thấu hiểu hết giá trị và ý nghĩa lịch sử vĩ đại của chiến thắng Bạch Đằng năm 938.

Sau 43 năm chiến thắng Bạch Đằng 938, biến động lịch sử thế giới và trong nước khiến cho các triều đại phong kiến lần lượt thay thế nhau. Vua Đinh bị ám sát dẫn đến nội tình đất nước không tránh khỏi rối ren. Lợi dụng tình hình đó, nhà Tống ở phương Bắc cũng nhăm nhe âm mưu xâm chiếm thôn tính nước ta. Lúc bấy giờ, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được trên dưới trong triều một lòng nhất trí suy tôn lên làm vua. Năm 980 đánh dấu sự ra đời của nhà Tiền Lê nước Đại Cồ Việt.

Trước khi lên ngôi vua, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn vốn là chàng trai ở quê hương Trung Lập (Xuân Lập, Thọ Xuân ngày nay). Vì gia cảnh khó khăn nên ông được một bậc hào phú trong vùng nhận làm con nuôi, dạy dỗ tử tế. Với khí chất thiên bẩm cùng khát vọng lập thân, ông đã sớm rời xa gia đình tìm đến lò võ Dương Xá (có từ thời Dương Đình Nghệ) để học tập. Tại đây, ông gặp gỡ và kết thân với con trai vua Đinh. Bằng tài năng và sự nỗ lực, Lê Hoàn đã từng bước được nhà Đinh tín nhiệm và giữ những trọng trách quan trọng trong triều đình. Vị trí cao nhất là Thập đạo tướng quân (Tổng chỉ huy quân đội).

Sau khi lên ngôi, hiểu dã tâm của nhà Tống ở phương Bắc, vua Lê Đại Hành hiểu rằng việc đối mặt quyết chiến để giữ vững độc lập là điều không thể tránh khỏi. Bởi vậy, một mặt ông cho người sang đưa thư vờ hòa hoãn. Mặt khác ráo riết chuẩn bị lực lượng sẵn sàng nghênh chiến.

Với sự tính toán kĩ càng, nhà Tống tiến quân vào nước ta theo hai cánh quân thủy, bộ. Trong đó, cánh quân thủy ồ ạt theo cửa Bạch Đằng tiến vào. Sau lợi thế bước đầu, quân xâm lược nhanh chóng rơi vào thế bị động, lúng túng. Ngày 28/4/981, vua Lê Đại Hành đã trực tiếp chỉ huy quân sĩ quyết chiến với kẻ thù trận chiến lịch sử. Học theo kế sách của tiền nhân, ông cũng cho quân đóng cọc trên sông Bạch Đằng dụ cho kẻ thù mắc bẫy, từ đó phản công tiêu diệt. Hơn một nửa quân giặc vì vậy mà bị tiêu diệt, cuộc xâm lược của nhà Tống hoàn toàn đại bại.

Sau chiến thắng năm 981, nhà Tống buộc phải công nhận độc lập chủ quyền cùng vương vị của Đại Cồ Việt và đức vua Lê Đại Hành. 24 năm trị vì ngôi báu là từng ấy thời gian vua Lê Đại Hành không ngừng “Nam chinh Bắc chiến” mở mang lãnh thổ, củng cố địa giới đất nước. Ông cũng là vị hoàng đế - danh tướng khí dũng ghi danh lịch sử bởi tài trị vì, cầm quân và đánh trận.

Thế kỷ XIII, máu sông Bạch Đằng lại một lần nữa nhuộm đỏ máu quân xâm lược. Sau khi tiến vào Trung Nguyên, thôn tính nhà Tống, quân xâm lược Nguyên Mông (Mông Cổ) theo đà chiến thắng đã xuôi xuống phương Nam, xâm lược Đại Việt. Lúc bấy giờ, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã lãnh đạo quân dân ta đánh một trận lớn tiêu diệt kẻ thù trên sông Bạch Đằng. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì “nước sông do vậy đỏ ngầy cả”. Đại thắng trên sông Bạch Đằng cũng là thắng lợi tiêu biểu nhất của Đại Việt trong ba lần thắng quân Nguyên Mông.

Ngày nay, tại khu vực cửa sông Bạch Đằng hiện còn lưu giữ ba di tích đền thờ các vị danh tướng thuở trước: đình Hàng Kênh thờ Ngô Quyền; đền vua Lê Đại Hành ở thị trấn Minh Đức và đền Trần Hưng Đạo ở xã Yên Giang. Đặc biệt, tại khu di tích Bạch Đằng giang bên bờ sông Bạch Đằng ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) hiện có đền thờ vọng thờ ba vị Hoàng đế - Danh tướng. Là địa điểm du lịch tham quan nổi tiếng của người dân và du khách.

Sông Bạch Đằng không chỉ là chứng nhân lịch sử, đó còn là niềm kiêu hãnh của mỗi người dân Việt Nam về truyền thống, lịch sử chống ngoại xâm của cha ông thuở trước. Đứng ở nơi này, ta như lắng nghe được tiếng đồng vọng của lịch sử cha ông. Là những máu xương, tâm huyết của những tử sĩ, dũng sĩ đã đổ xuống để xây nền độc lập nước nhà. Chợt nhớ đến câu chuyện thời Hậu Lê. Sứ thần Giang Văn Minh sang nhà Minh, vua Minh muốn mượn cớ để hạ nhục liền đọc vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” - trụ đồng đến giờ rêu vẫn mọc (hàm ý nhắc việc Mã Viện khi đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã cho chôn cột đồng). Không làm xấu hổ mệnh nước, sứ thần Giang Văn Minh đã hiên ngang đối lại: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” - Bạch Đằng thuở trước máu còn loang đỏ. Vế đối không chỉ chuẩn về câu chữ mà còn nhắc lại nỗi nhục xâm lược ê chề của kẻ mang dã tâm xâm lược vẫn còn ở đó.

Thu Trang |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/den-bach-dang-giang-nho-nguoi-anh-hung-xu-thanh-71857