Đến hạn đổi bằng lái B2 nhưng bằng đang bị giữ, phải làm sao?

Bằng lái kiểu tích hợp bị giữ do vi phạm quy định về nồng độ cồn khi đi xe máy, trong khi đó bằng B2 cũng đến hạn đổi khiến nhiều người bối rối.

Tôi tích hợp GPLX A1 và B2 chung, nhưng vi phạm nồng độ cồn khi đi xe máy nên bị tước GPLX, vậy xin hỏi nếu bằng B2 bị hết hạn trong thời gian tạm giữ thì tôi phải làm sao, có được làm thủ tục đổi bằng hay chờ hết hạn tạm giữ đi thi lấy bằng lại?

Bạn đọc Mạnh Tùng (TP.HCM)

Luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời:

Theo quy định, việc gia hạn giấy phép lái xe có thể thực hiện theo hình thức online (trực tuyến) hoặc nộp hồ sơ trực tiếp.

Tuy nhiên, do giấy phép lái xe của bạn tích hợp giữa ô tô và xe máy. Trong khi đó, hiện hành giấy phép lái xe máy không thể thực hiện việc cấp đổi theo hình thức online. Do đó, giấy phép lái xe tích hợp phải nộp hồ sơ theo hình thức trực tiếp.

Như vậy, để gia hạn giấy phép lái xe ô tô, bạn đem theo quyết định xử phạt (thể hiện việc đã tước GPLX máy nên không thể xuất trình giấy phép lái xe) để làm thủ thục gia hạn bằng lái ô tô bằng cách nộp hồ sơ trực tiếp.

Đồng thời, bạn có thể tách hai loại giấy phép lái xe để thuận tiện việc cấp đổi GPLX ô tô sau 10 năm nữa.

 Người dân phải nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến nếu không có bản chính. Ảnh: THẢO HIỀN.

Người dân phải nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến nếu không có bản chính. Ảnh: THẢO HIỀN.

Ngoài ra, về trình tự thực hiện đổi giấy phép lái xe từ ngày 1-6-2024 được thực hiện theo quy định tại Thông tư 05/2024/TT-BGTVT như sau:

Sở GTVT kiểm tra hồ sơ khi tiếp nhận, trường hợp hồ sơ không đúng theo quy định, phải thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi cho cá nhân trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.

Cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí cấp giấy phép lái xe khi được tiếp nhận hồ sơ theo quy định, khi nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến phải hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí cấp giấy phép lái xe thông qua chức năng thanh toán của hệ thống dịch vụ công trực tuyến theo quy định và nộp phí sử dụng dịch vụ khác theo nhu cầu của cá nhân.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định (bao gồm xác thực tài khoản định danh điện tử qua hệ thống định danh và xác thực điện tử), Sở GTVT thực hiện việc đổi giấy phép lái xe; trường hợp không đổi giấy phép lái xe thì phải trả lời và nêu rõ lý do.

Cơ quan cấp giấy phép lái xe lưu trữ bản chính hồ sơ đổi giấy phép lái xe của ngành GTVT cấp (trừ trường hợp đổi giấy phép lái xe qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến); bản sao hồ sơ đổi giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe của nước ngoài, giấy phép lái xe do ngành Công an cấp, giấy phép lái xe quân sự do Bộ Quốc phòng cấp trong thời hạn 02 năm kể từ ngày cấp giấy phép lái xe.

Cắt góc giấy phép lái xe cũ (trừ giấy phép lái xe do nước ngoài cấp), giao cho người lái xe bảo quản (trường hợp đổi giấy phép lái xe trực tuyến toàn trình, người lái xe chịu trách nhiệm gửi giấy phép lái xe cũ đến cơ quan cấp giấy phép lái xe để hủy theo quy định).

Trường hợp người lái xe có nhu cầu đổi giấy phép lái xe xuống hạng thấp hơn, phải khai rõ tại Đơn đề nghị đổi (cấp lại) giấy phép lái xe quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (được thay thế bằng Phụ lục XVII ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BGTVT) và chịu trách nhiệm về nội dung kê khai.

Một cán bộ trực thuộc phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX, Sở GTVT TP.HCM cho biết theo quy định hiện hành tại Văn bản hợp nhất số 19 (văn bản hợp nhất các Thông tư liên quan đến vấn đề đào tạo, sát hạch GPLX), khi đến thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép lái xe tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải, người lái xe gửi 1 bộ hồ sơ gồm: Đơn đề nghị cấp lại GPLX; Hồ sơ gốc phù hợp với GPLX (nếu có); Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ trường hợp cấp lại GPLX không thời hạn các hạng A1, A2, A3; Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài) (từ 1-6 thì không cần cung cấp thêm giấy tờ này).

Theo đó, người nộp hồ sở sẽ chụp ảnh trực tiếp và xuất trình bản chính các hồ sơ nêu trên (trừ các bản chính đã gửi) để đối chiếu.

“Nếu không có GPLX bản gốc thì đơn vị cấp đổi, cấp lại GPLX không thể thực hiện được vì phải thực hiện đúng quy định”- vị này cho hay.

Sau thời gian 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, chụp ảnh và nộp lệ phí theo quy định, nếu không phát hiện GPLX đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý; có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, thì được cấp lại GPLX.

“Do đó, người bị giữ bằng lái chỉ có thể đến làm việc với cơ quan đang giữ bằng lái của mình trình bày GPLX đã hết hạn để thực hiện các thủ tục tiếp theo dưới sự hướng dẫn của đơn vị này”- vị này nói thêm.

THY NHUNG

THẢO HIỀN - THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/den-han-doi-bang-lai-b2-nhung-bang-dang-bi-giu-phai-lam-sao-post789862.html