Đến lúc các ngân hàng trung ương nên cân nhắc khả năng phát hành tiền kỹ thuật số

TGTTO Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tin rằng đã đến lúc các ngân hàng trung ương toàn cầu khám phá ý tưởng về đồng tiền kỹ thuật số được nhà nước hậu thuẫn.

Christine Lagarde – Tổng giám đốc IMF, nhận định trước khi Liên hoan Fintech tại Singapore sẽ chính thức diễn ra vào hôm nay (14/11) như sau: “Tôi tin rằng chúng ta nên xem xét khả năng phát hành tiền kỹ thuật số. Có thể Nhà nước cần có một vai trò cung cấp tiền cho nền kinh tế kỹ thuật số ”.

Nhận xét của Lagarde từng xuất hiện trong một bài báo của IMF đã phát hành có tựa đề “Luồng gió thay đổi: Trường hợp cho tiền tệ kỹ thuật số mới”.

Lagarde cho rằng với việc tập trung sử dụng công nghệ còn non trẻ, Nhà nước có thể phát hành tiền kỹ thuật số để cải thiện điều kiện kinh doanh ở những vùng xa xôi, nơi tiền mặt không còn là lựa chọn nữa, thêm vào đó khu vực tư nhân ít quan tâm đến việc giúp đỡ các cộng đồng bị thiệt thòi. “Chúng tôi biết rằng các ngân hàng không sẵn sàng và gấp rút để phục vụ người nghèo và dân cư vùng nông thôn”, bà nói.

Bà Lagarde đã từng là luật sư và trở thành lãnh đạo của IMF từ năm 2011, cũng nói thêm rằng một đồng tiền kỹ thuật số được nhà nước hậu thuẫn có thể tạo ra sân chơi cạnh tranh với các công ty thanh toán truyền thống vốn có xu hướng độc quyền nhờ lợi ích kinh tế theo quy mô.

Ý tưởng về một loại tiền tệ kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành đang ngày càng thu hút sự chú ý gần đây. Vào tháng 5, Ngân hàng trung ương Anh đã công bố một bài báo đánh giá tác động của một công cụ tài chính như vậy trên bảng cân đối của cả ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại. Dù vậy tại thời điểm xuất bản, NHTW Anh cho biết hiện tại họ không có kế hoạch phát hành loại tiền ảo như vậy.

Và tại Canada, Mohammad Davoodalhosseini, một nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng Canada, đã công bố một nghiên cứu trong đó ông kết luận rằng đồng tiền kỹ thuật số do nhà nước phát hành sẽ tăng tiêu thụ 0,64% ở Canada và 1,6% ở Mỹ nhờ tính linh hoạt cao hơn trong sự tác động đến các hoạt động chính sách tiền tệ.

Christine Lagarde - Tổng giám đốc IMF là người từng có nhiều ý kiến ủng hộ tiền mật mã

Trong các bình luận trước đây, Lagarde cũng từng chia sẻ những ý kiến tích cực đối với ngành công nghệ mới ở buổi sơ khai này. Trong một bài đăng trên blog hồi tháng Tư, bà cho biết tiền mật mã có tiềm năng giảm chi phí giao dịch và tăng tốc các khoản thanh toán qua biên giới, đồng thời tin rằng blockchain, công nghệ sổ cái phân tán giúp củng cố các đồng tiền mật mã như bitcoin, có thể trợ giúp hiệu quả thị trường tài chính.

Bà cho rằng: “Việc nắm bắt được những rủi ro mà các tài sản kỹ thuật số này có thể gây ra đối với sự ổn định tài chính là vấn đề sống còn, nếu chúng ta phân biệt rõ giữa những mối đe dọa thực tế và những nỗi sợ không cần thiết. Đó là lý do tại sao chúng ta cần có sự điều tiết công minh để làm sao chống lại những rủi ro mà không làm thui chột cái mới”.

Tiếp đến tháng 9 vừa qua, bà Christine Lagarde đã phát đi một thông điệp với các ngân hàng trung ương trên thế giới rằng: “Đừng bảo thủ”. Cụ thể, trong một hội nghị tổ chức tại London hôm 29/09, bà Lagarde nói rằng các loại tiền mật mã được tạo và trao đổi mà không có sự tham gia của ngân hàng hay chính phủ, đặc biệt là tại những quốc gia có đồng nội tệ bất ổn cùng thể chế chính trị yếu kém.

Bà tin rằng: “Bằng nhiều cách khác nhau, tiền mật mã sẽ khiến những đồng tiền hiện hành và chính sách tiền tệ phải bắt kịp cạnh tranh. Phản ứng phù hợp cho ngân hàng trung ương là tiếp tục có những chính sách tiền tệ hiệu quả, trong khi vẫn mở cửa đối với những ý tưởng và nhu cầu mới khi mà nền kinh tế đang chuyển hóa.”

Bà cũng từng nhận định một cách hài hước: “Không xa trước đó, một số chuyên gia nói rằng máy tính cá nhân sẽ không được chấp nhận, và máy tính bảng là miếng lót cafe đắt tiền, vì vậy tôi cho rằng sẽ không khôn ngoan khi loại bỏ tiền mật mã”.

Và những nhận xét mới nhất vừa qua tiếp tục thể hiện quan điểm hỗ trợ thị trường này của chủ tịch IMF. Trong khi lưu ý đến rủi ro - đáng chú ý nhất là về an ninh và bất ổn tài chính - Lagarde kết thúc buổi chia sẻ bằng cách nói rằng đã đến lúc các cơ quan quản lý tập trung nguồn lực cho ngành công nghiệp đang tiến lên rất nhanh này trước khi bị bỏ lại.

Bà nói: “Nguồn lực ở đây phải được dựa trên các yêu cầu phát triển mới và tiền bạc, cũng như các mục tiêu chính sách công cần thiết. Thông điệp của tôi là trong khi tiền tệ kỹ thuật số vẫn chưa quá phổ biến, chúng ta nên nghiên cứu thêm về nó một cách nghiêm túc, cẩn thận và sáng tạo. Công nghệ sẽ luôn thay đổi, và chúng ta cũng cần phải như thế nếu muốn theo kịp xu thế”.

ĐỒNG AN

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/den-luc-cac-ngan-hang-trung-uong-nen-can-nhac-kha-nang-phat-hanh-tien-ky-thuat-so-17921.html