Đến lúc phải bỏ 'lệ làng' to hơn 'phép nước' ở đấu trường SEA Games

Không phải ngẫu nhiên mà HLV Akira Nishino của tuyển bóng đá nam U22 Thái Lan nói: 'Tôi tôn trọng tính truyền thống của SEA Games. Nhưng nó không thực sự là giải đấu dành cho cầu thủ chuyên nghiệp, khi mà mỗi năm một thể thức, đội chủ nhà được tìm cách gây cản trở đối thủ. Lịch thi đấu của Sea Games dày đặc, số lượng cầu thủ lại bị giới hạn chỉ 20 cầu thủ, quy định này không phù hợp với cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp'.

HLV Nishino có những bình luận "dậy sóng" nhưng tương đối chính xác!

Có lẽ hiếm khu vực nào trên thế giới, những quy định của nước chủ nhà còn “lớn” hơn cả quy định của Ban Tổ chức như Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á (viết tắt SEA Games). Bằng chứng, nếu như giải bóng đá dù giải tầm cỡ nào, đá ở đâu đều phải tuân thủ đúng quy định của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), tiếp đó là Liên đoàn bóng đá khu vực. Tuy nhiên, với SEA Games thì những quy định của nước chủ nhà có khi quan trọng hơn cả quy định của cơ quan quyền lực nhất về thể thao trong khu vực. Theo đó, ngoài những môn thi đấu bắt buộc, nước chủ nhà muốn bỏ hay thêm môn nào vào thì tùy. Vì thế mới có chuyện, nước chủ nhà nào lợi thế môn gì thì đưa vào thi đấu môn đó. Kết quả, bế mạc Đại hội, nước chủ nhà luôn dẫn đầu tổng sắp huy chương, nhất là Huy chương Vàng (HCV)!

Tuy sân vận động còn ngổn ngang trước ngày bóng lăn, song với U22 Việt Nam còn may mắn hơn các đội khác (ảnh CTV)

Với bóng đá, phải thừa nhận, sau khi mở cửa nền kinh tế và hội nhập với thế giới bên ngoài, rồi đứng trong mái nhà chung ASEAN, chưa bao giờ đội tuyển bóng đá nam của chúng ta giành HCV. Thế nên, tại kỳ SEA Games 30 này, điều kiện mà Liên đoàn bóng đá Việt Nam đặt ra với Huấn luyện viên Park Hang-seo là phải mang về HCV cũng chả có gì lạ. Chưa có thì phải có. Muốn có thì phải dùng những cầu thủ tốt nhất trong điều kiện có thể. Điều này cũng bình thường!

Nhưng trớ trêu ở chỗ, vì là Đại hội thể thao, bóng đá cũng chỉ là một trong những môn thi đấu để giành huy chương, nên Ban tổ chức và nước chủ nhà xếp lịch rất “khủng”. 11 đội xếp chỉ 2 bảng, dẫn đến bảng có 6 đội, trung bình 2 ngày đá một trận. Lịch đá như thế này có lẽ chưa có trong tiền lệ bóng đá quốc tế. Bởi thế, HLV Akira Nishino có lý khi cho rằng “không nên xem giải đấu này là giải chuyên nghiệp”! Hãy nhìn cách sắp xếp của nước chủ nhà, gần đến ngày khai mạc, sân bóng vẫn còn ngổn ngang, các đội lại không được đá trên sân cỏ tự nhiên theo chuẩn FIFA mà lại đá sân “bé xíu” với mặt cỏ nhân tạo. Rõ ràng, công tác tổ chức đang có vấn đề...

Tuyển U22 Đông Timo đến Manila bên cạnh việc chờ dài cổ đến mấy tiếng đồng hồ, còn phải di chuyển trên chiếc xe buýt "thiếu chuẩn". Đây cũng là tình trạng chung của các đội bóng... (ảnh Sports TV)

Để không phải mang tên “vùng trũng thể thao thế giới’ có lẽ đã đến lúc Liên đoàn thể thao Đông Nam Á và Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á cùng ngồi lại để cùng quyết định lại “luật chơi” riêng cho SEA Games. Nhất quyết, SEA Games phải là Đại hội thể thao của khu vực và do Liên đoàn thể thao khu vực là cơ quan quyền lực cao nhất có quyền ấn định các môn thi đấu; có quyền hủy bỏ nước đăng cai nếu điều kiện hạ tầng cơ sở không đáp ứng yêu cầu. Kiên quyết, loại bỏ những môn thể thao “địa phương” chỉ áp dụng những môn thi đấu mang tính đại chúng như quy định của thế giới. Có làm như thế mới đưa SEA Games lên tầm cao mới.

Với bóng đá, để nâng tầm chất lượng, thời gian thi đấu nên kéo dài hơn và đồng nghĩa ban tổ chức nên chia thành 3 bảng đấu (mời thêm một đội bóng bất kỳ) để tăng tính hấp dẫn, thay vì sắp xếp lịch đấu như “tàu cao tốc” thật khó cho HLV lẫn cầu thủ, chất lượng vì thế cũng “sàn sàn”...

PV

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/den-luc-phai-bo-le-lang-to-hon-phep-nuoc-o-dau-truong-sea-games-100067.html