Đến lượt Tây Ninh 'lắc đầu' dự án dệt nhuộm

Mong muốn được thực hiện dự án gia công sản phẩm dệt nhuộm tại Khu công nghiệp TMTC đã không nhận được cái gật đầu từ các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Tây Ninh.

Từ chối

UBND tỉnh Tây Ninh vừa có phản hồi tới Công ty TNHH Phát triển Khu công nghiệp TMTC, chủ đầu tư Khu công nghiệp TMTC (xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu), chính thức từ chối cho thực hiện các dự án gia công dệt nhuộm tại khu công nghiệp này.

Công văn do Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Thanh Ngọc ký nêu rõ quan điểm, theo chủ trương của tỉnh, Khu công nghiệp TMTC không được phép tiếp nhận dự án trong lĩnh vực dệt nhuộm.

.

Trước đó, chủ đầu tư Khu công nghiệp TMTC đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để kêu về những khó khăn nếu không được chấp thuận để các doanh nghiệp vào thuê đất đầu tư dự án gia công dệt nhuộm.

TMTC được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2009, đến tháng 3/2018, công ty này đã hoàn thành các công trình hạ tầng và đón được một số nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… vào thuê đất.

Theo chủ đầu tư, số vốn mà TMTC đã bỏ ra để đầu tư khu công nghiệp này khoảng 30 triệu USD, nhưng chính vì không cho gia công sản phẩm dệt nhuộm mà nhiều nhà đầu tư tiềm năng của TMTC đã không chọn khu công nghiệp này.

Ông Lee Hyung Jin, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Khu công nghiệp TMTC bày tỏ lo ngại khi nhiều nhà đầu tư đã trả lại diện tích đất đã thuê chỉ vì họ không được phép gia công dệt nhuộm.

Cụ thể, nhà đầu tư Pyung An (Hàn Quốc) đã trả lại 1,6 ha trong số 3,6 ha đất đã thuê vì không được nhận gia công nhuộm. Công ty GDI (Trung Quốc) đã thuê 8,3 ha đất cũng đang ngừng xây dựng nhà máy và chấp nhận thua lỗ. Công ty Sun Tekstil (Thổ Nhĩ Kỳ) thuê 4 ha đất, đã thanh toán tiền đặt cọc, nhưng vì không thể gia công nhuộm, họ cũng đã từ bỏ đầu tư…

Được biết, Khu công nghiệp TMTC không phải là khu công nghiệp duy nhất bị từ chối cho thực hiện dự án gia công nhuộm.

Năm 2017, Dự án Nhà máy dệt kim trong Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do Công ty TNHH Eclat Fabrics Việt Nam (EFV), 100% vốn Đài Loan làm chủ đầu tư, kiến nghị nâng tỷ lệ nhuộm từ 10% lên 100% cũng bị địa phương từ chối.

Dự án này có tổng vốn 40 triệu USD, được cấp phép lần đầu năm 2007, chứng nhận thay đổi lần 3 vào năm 2012. Dự án có công suất 6.000 tấn vải/năm, tỷ lệ nhuộm 10% sản phẩm (tương đương 600 tấn/năm). Nhà đầu tư này đã có tờ trình gửi Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, xin nâng tỷ lệ nhuộm lên 100% và không được chấp thuận.

Mới đây nhất, Dự án dệt, nhuộm 100% vốn FDI của Tập đoàn TAL (Hồng Kông), vốn đầu tư 350 triệu USD, xin cấp phép đầu tư vào Khu công nghiệp Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc, bị các nhà khoa học, chuyên gia khuyến cáo có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, sau đó tỉnh Vĩnh Phúc đã bác dự án này.

“Để mắt” dự án có tác động đến môi trường

Ngành dệt may vẫn cần đầu tư phát triển khâu thượng nguồn, với các dự án nguyên liệu dệt, nhuộm vải, sợi quy mô, sản lượng lớn, để giảm phụ thuộc nhập khẩu, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp cứ muốn đầu tư là được chấp thuận.

Thời gian gần đây, nhiều địa phương đã kiên quyết nói không với các dự án dệt nhuộm, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Đặc thù của các dự án nhuộm là sử dụng lượng nước để xử lý vải rất lớn, chưa kể công nghệ xử lý nước thải mà không ít chủ đầu tư vẫn chưa thuyết phục được các nhà khoa học.

Quay trở lại Dự án của TAL 350 triệu USD tại Vĩnh Phúc, dự án mà địa phương đã lần thứ 4 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận cho phép đầu tư. Ông Nguyễn Công Quang, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, lĩnh vực dệt nhuộm có nguy cơ ô nhiễm rất cao, nước xả ra môi trường rất nhiều, mà dự án này lại nằm ở đầu nguồn, đi qua nhiều tỉnh nên không thể chấp nhận.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, không thể chỉ nhìn vào những hứa hẹn của nhà đầu tư về đóng góp nguồn thu ngân sách, giải quyết công ăn việc làm… mà phải đánh giá tác động nhiều chiều, không vì lợi trước mắt, mà không lường trước những hệ lụy lâu dài về sau.

Sự khắt khe, nghiêm ngặt của nhiều địa phương với các nhà đầu tư dệt nhuộm là hết sức cần thiết, điều này càng có lý khi Việt Nam chủ trương đón các dòng vốn FDI chất lượng và thống nhất quan điểm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng.

Sản xuất vải luôn từ trước đến nay luôn là khâu yếu nhất của ngành dệt may. Năm 2017, dệt may xuất khẩu 31 tỷ USD, song đã chi hơn 11 tỷ USD nhập vải, nhưng điều đó không có nghĩa phải thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Dệt nhuộm thực sự là ngành ô nhiễm môi trường vì thuốc nhuộm rất độc hại. Mức độ kiểm soát ô nhiễm phụ thuộc vào công nghệ các doanh nghiệp sử dụng. Nếu chúng ta có thể tránh việc tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm là tốt, nhưng nếu không tránh được thì chúng ta phải kiểm soát công nghệ các doanh nghiệp sử dụng ngay từ khâu xét duyệt hồ sơ cấp phép để hạn chế thấp nhất nguy cơ có thể xảy ra cho môi trường.

TS. Nguyễn Khắc Kinh, Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/den-luot-tay-ninh-lac-dau-du-an-det-nhuom-d89116.html