Đến năm 2020, Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về CNTT với hạ tầng hiện đại

(ICTPress) - “Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về CNTT với hạ tầng thông tin và truyền thông (TT&TT) hiện đại; mọi người dân đều được hưởng thụ các dịch vụ TT&TT tiên tiến…”.

(ICTPress) - “Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về CNTT với hạ tầng thông tin và truyền thông (TT&TT) hiện đại; mọi người dân đều được hưởng thụ các dịch vụ TT&TT tiên tiến…”.

Chiều nay, ngày 8/7/2016, tại Hà Nội, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cho các cán bộ, đảng viên ngành TT&TT. Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã chủ trì và quán triệt Nghị quyết tại Hội nghị. Tham dự hội nghị có các Thứ trưởng Bộ TT&TT, các cán bộ, đảng viên thuộc Bộ TT&TT.

Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đến toàn bộ đảng viên Đảng bộ Bộ TT&TT

Quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tới toàn thể cán bộ, đảng viên thuộc Bộ TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, Đại hội lần thứ XII của Đảng khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh và bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Bộ trưởng Trươn Minh Tuấn cũng nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cần đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đặc biệt chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả sáu nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đây là nhiệm vụ về xây dựng Đảng, chú trọng đặc biệt là vấn đề chống suy thoái và xây dựng đội ngũ cán bộ.

Thứ hai, xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Đây là nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính trị, chú trọng yêu cầu tinh gọn và chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Thứ ba, Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công. Đây là những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế.

Thứ tư, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Đây là những nhiệm vụ trọng tâm về quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Thứ năm, Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là nhiệm vụ trọng tâm về quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Thứ sáu, Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Đây là nhiệm vụ về xây dựng con người.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cũng đã trình bày đến toàn thể đảng viên của Đảng Bộ Bộ TT&TT các nội dung văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XII gồm: Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011-2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới (1986-2016); Về mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm (2016-2020); Về các vấn đề giáo dục – đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, xã hội và bảo về tài nguyên, môi trường; Về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới; Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân; Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN…

Cũng tại Hội nghị, thay mặt Đảng ủy Bộ TT&TT, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã tóm tắt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII của Đảng ủy Bộ TT&TT. Theo đó, mục tiêu của Chương trình là xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu và nâng cao năng lực công tác của cán bộ, đảng viên; phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị Bộ TT&TT.

Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng trình bày Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII của Đảng ủy Bộ TT&TT

Chương trình cũng nêu rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về CNTT với hạ tầng TT&TT hiện đại; mọi người dân đều được hưởng thụ các dịch vụ TT&TT tiên tiến; công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng quốc gia được tăng cường nhằm xây dựng môi trường mạng an toàn, tin cậy, qua đó thúc đẩy các ứng dụng CNTT rộng rãi trong đời sống xã hội, nhất là quản lý nhà nước và tổ chức chính quyền điện tử; có đủ nhân lực CNTT đạt trình độ quốc tế phục vụ cho phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin; CNTT và truyền thông đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP với tỷ lệ ngày càng tăng; có nhiều Tập đoàn Viễn thông, CNTT và Truyền thông mạnh làm chủ thị trường nội địa và vươn ra quốc tế; ngành TT&TT trở thành một ngành kinh tế quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phát triển hiệu quả, lành mạnh hệ thống báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình và các loại hình thông tin khác đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ đất nước và nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

Theo đó, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chương trình hành động được Bộ TT&TT đưa ra laà̃nh đạo các cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao với việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội; tích cực chống tình trạng lạm phát, ngăn chặn suy giảm, duy trì tốc độ tăng trưởng; đảm bảo an sinh xã hội trong các lĩnh vực quản lý của Bộ; tập trung thực hiện thành công Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và Truyền thông.

Giải pháp này bao gồm các tiêu chí cụ thể:

Sắp xếp lại các cơ quan báo chí theo mô hình một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm báo chí. Giảm tỷ lệ mất cân đối trong thụ ưởng các sản phẩm báo chí in giữa khu vực thành thị, thị xã và nông thôn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa; phấn đấu đến năm 2020, các cơ quan báo chí tự chủ về tài chính và báo điện tử trở thành loại hình báo chí chủ lực của các cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Tăng thời lượng phát sóng các kênh chương trình phát thanh, truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương, bảo đảm đến năm 2020 thời lượng chương trình tự sản xuất, biên tập đạt tỷ lệ tối thiểu là 50%, tỷ lệ chương trình nước ngoài khai thác trên một kênh chương trình không vượt quá 30% trên tổng thời lượng sản xuất, biên tập, phát sóng, cả nước có khoảng 60 – 70% số hộ gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình trả trước. Phấn đấu đến năm 2020, các đài phát thanh, truyền hình tự chủ về tài chính.

Duy trì nhịp độ tăng trưởng về số lượng xuất bản phẩm, trong đó 20 – 30% là xuất bản phẩm điện tử, phấn đấu đến năm 2020 đạt khoảng 450 triệu bản; 50 – 60% số cơ sở in sử dụng công nghệ, thiết bị in hiện đại. Kim ngạch xuất khẩu xuất bản phẩm tăng khoảng 3,0 lần so với năm 2013.

Xây dựng và phát triển ngành bưu chính hiện đại trên cơ sở ứng dụng CNTT và trên nền tảng của thương mại điện tử nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính của xã hội, phấn đấu đến năm 2020 đưa năng suất, chất lượng lao động bưu chính Việt Nam đạt mức ngang bằng trình độ các nước tiên tiến trong khu vực.

Phấn đấu đến năm 2020: tỷ lệ đường dây thuê bao cố định 20 – 25 đường/100 dân; tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng cố định 15 – 20 thuê bao/100 dân; tỷ lệ thuê bao băng rộng di động 35 – 40 thuê bao/100 dân; tỷ lệ người sử dụng Internet 55 – 60%; Phủ sóng thông tin di động đến trên 95% dân số cả nước, các tuyến đường giao thông, quốc lộ, tỉnh lộ, các điểm trọng yếu kinh tế, quốc phòng, an ninh; 100% các xã có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được kết nối Internet băng rộng; Tốc độ tăng trưởng viễn thông đạt khoảng 1,2 – 1,5 lần tốc độ tăng trưởng của GDP. Tổng doanh thu viễn thông đạt từ 15 – 17 tỷ USD, chiếm khoảng 6 – 7% GDP.

Từng bước triển khai lộ trình số hóa mạng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất để phù hợp với điều kiện thực tế về thiết bị thu truyền hình số của người dân trên từng địa bàn cụ thể. Ngừng việc sử dụng công nghệ truyền hình cáp tương tự trước năm 2020 để chuyển hoàn toàn sang công nghệ số với 100% các mạng cáp dọc các tuyến đường, phố chính tại trung tâm các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương được ngầm hóa.

Phát triển công nghiệp CNTT thành ngành kinh tế - kỹ thuật chủ lực, tăng trưởng nhanh và bền vững, là ngành đi đầu, có vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng cho quá trình chuyển sang kinh tế tri thức. Xây dựng nhiều doanh nghiệp và tập đoàn CNTT của Việt Nam hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Ứng dụng rộng rãi CNTT trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội; thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao nhất. Phấn đấu đến năm 2020 các dịch vụ công cơ bản được cung cấp trên mạng cho người dân và doanh nghiệp ở mức độ 3 và 4. Thực hiện cơ chế thuê dịch vụ CNTT trong quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công.

Xây dựng và vận hành có hiệu quả các hệ thống hạ tầng kỹ thuật tập trung quy mô quốc gia phục vụ công tác bảo đảm an toàn thông tin; các hệ thống thống thông tin quan trọng quốc gia được áp dụng các biện pháp bảo vệ tương xứng, liên tục từ giai đoạn thiết kế, xây dựng, vận hành và sử dụng; các hệ thống thông tin quan trọng khác hiện có được áp dụng bổ sung biện pháp bảo vệ một cách phù hợp.

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII của Đảng ủy Bộ TT&TT cũng nêu rõ công tác xây dựng Đảng. Theo đó, Đảng ủy Bộ TT&TT tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác chính trị tư tưởng; Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của Đảng bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; Tăng cường công tác kiểm tra giám sát; giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong Đảng và Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong cơ quan nhà nước, tăng cường công tác lãnh đạo các tổ chức đoàn thể.

Chương trình hành động cũng cũng nêu rõ công tác tổ chức thực hiện. Theo đó Ban chấp hành Đảng bộ giao Ban thường vụ Đảng ủy nghiên cứu, cụ thể hóa trong Chương trình công tác hằng năm của Đảng ủy, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện. Các Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc có trách nhiệm xây dựng chương trình hành động sát thực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị. Các ban của Đảng ủy có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp việc triển khai thực hiện. Chương trình hành động của Đảng bộ Bộ TT&TT được phổ biến đến chi bộ.

HM

Nguồn ICTPress: http://ictpress.vn/thoi-su-ict/den-nam-2020-viet-nam-tro-thanh-mot-quoc-gia-manh-ve-cntt-voi-ha-tang-hien-dai