Đến năm 2035, đầu tư khoảng 42 tỷ USD cho điện mặt trời tại Việt Nam

Ngày 10/4, tại Hà Nội, Trường ĐH Xây dựng (NUCE) đã phối hợp với Trường Đại học KU Leuven (Vương quốc Bỉ) tổ chức Hội thảo 'Năng lượng mặt trời tại Việt Nam tích hợp với mạng lưới điện: Cơ hội và Thách thức'.

Đại biểu tham dự Hội thảo “Năng lượng mặt trời tại Việt Nam tích hợp với mạng lưới điện: Cơ hội và Thách thức”.

Đại biểu tham dự Hội thảo “Năng lượng mặt trời tại Việt Nam tích hợp với mạng lưới điện: Cơ hội và Thách thức”.

TS Lê Hải Hưng và ThS Vương Sơn (ĐH Bách khoa) cho biết: Theo thông tin từ Bộ Công thương, đến tháng 8/2018 đã có 121 dự án Điện mặt trời được phê duyệt, trong đó 25 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Ngoài ra, còn hàng trăm dự án khác đang chờ phê duyệt.

Nhiều nhà kinh tế đã dự đoán rằng, cho đến năm 2025, sẽ có khoảng 12 tỷ USD, đến năm 2035 có 42 tỷ USD đầu tư vào các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự đã cùng nhau trao đổi những ý tưởng và giải pháp cùng với một loạt các quy luật liên quan đến sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và sử dụng năng lượng mặt trời và cùng với các bên liên quan như: Người sử dụng cuối cùng ở khu vực nông thôn, hộ gia đình lắp đặt hệ thống quang điện, các nhà nghiên cứu, đại diện chính quyền địa phương, các đơn vị kinh doanh và vận hành mạng lưới điện;

Đại biểu tham luận tại hội thảo.

Đặc biệt, các đại biểu đưa ra ý tưởng đối phó với những thách thức hiện tại và tối đa hóa những cơ hội; những nghiên cứu, giải pháp thực tiễn mới nhất về công nghệ thu thập và lưu trữ năng lượng mặt trời, những thách thức trong tích hợp với mạng lưới điện và các khía cạnh kinh tế - xã hội có liên quan ở Việt Nam và Bỉ.

PGS.TS Nguyễn Đức Lương, Phó Trưởng Khoa Kỹ thuật môi trường (ĐH Xây dựng) chia sẻ: Việc thu thập năng lượng mặt trời, đặc biệt là qua các hệ thống quang điện đang bùng nổ tại Việt Nam và được trông đợi sẽ đạt tới những mức độ chưa từng thấy trong những năm tới. Việt Nam được dự đoán sẽ dẫn đầu xu hướng phát triển này ở khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, mối quan tâm hiện nay là khi các dự án mới hoàn thành có thể dẫn tới sự quá tải cho mạng lưới điện và hơn nữa là tình trạng hoạt động dưới mức tối ưu của quá trình lắp đặt các hệ thống quang điện.

Bên cạnh những dự án lớn, việc lắp đặt các hệ thống trên những mái nhà nhỏ hơn vẫn đang thu hút sự quan tâm của người dân bởi chúng không gây nên hiện tượng quá tải cho mạng lưới điện.

Giả sử mỗi mái nhà được lắp đặt một trạm điện mặt trời công suất 01kWp thì Hà Nội có khoảng 1 triệu mái nhà, ứng với 1GW, lớn gấp chừng 1,5 lần công suất của Nhà máy thủy điện Yaly (720MW). TP.HCM có khoảng 1,5 triệu mái nhà, ứng với công suất 1,5GW, xấp xỉ công suất của nhà máy thủy điện Hòa Bình (khoảng 1,6 GW).

VH

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/den-nam-2035-dau-tu-khoang-42-ty-usd-cho-dien-mat-troi-tai-viet-nam-3994598-v.html