Đến Quy Nhơn khám phá kỳ quan Đá Mũi Rồng độc nhất vô nhị

Mũi Rồng là cụm núi có hình dáng một con rồng đang vươn mình ra biển lớn với hàng chục loại đá màu sắc vàng đỏ như son rất độc đáo.

Từ cái nôi của cả một nền văn hóa mang tên Sa Huỳnh, chúng tôi cứ men theo con đường ven biển qua Tam Quan Bắc, vượt đèo Lộ Diêu, qua đầm Trà Ổ rồi dừng chân ở một địa danh còn khá mới trên bản đồ du lịch Việt mang tên Đá Mũi Rồng. Nơi đây cách thành phố Quy Nhơn hơn 70km; du khách tới Bình Định thường sẽ đi theo cung đường Kỳ Co, Eo Gió hay lạ hơn chút là biển Đề Gi mà ít khi lang thang tới tận mảnh đất ven biển còn ẩn chứa nhiều nét hoang sơ thú vị này.

Hốc đá lớn tạo nên chiếc cầu độc đáo ở Mũi Rồng

Tương truyền khi xưa cả dãy núi là liền khối, sau đó mới bị tách thành những đoạn nhỏ hơn

Bạn có thể đi xe máy, ô tô để tới tham quan Mũi Rồng

Đá Mũi Rồng hay còn gọi là Mũi Rồng hoặc Mũi Vi Rồng, thực chất là một cụm núi đá lớn có hình dáng như một con rồng vươn mình ra biển. Điểm đặc biệt của địa danh này không chỉ đến từ tên gọi mà chính từ những phiến đá màu đỏ vàng và cả loại đá son nhỏ. Loại đá son này khá cứng, nếu đem mài với nước thì thắm đỏ như mực mà lại không dính tay nên người dân hay gọi là son của trời và những học trò xưa thường lấy loại đá này để mài làm mực viết.

Mọi thứ ở Mũi Rồng còn rất hoang sơ, chưa bị tác động bởi bàn tay con người

Những tảng đá với màu vàng đặc trưng kéo dài tới tận làng chài Tân Phụng

Một điểm thú vị nữa ở Mũi Rồng mỗi khi thủy triều lên, ở chính giữa ghềnh đá nhô ra biển là một hốc vòm lớn, ngày đêm nước biển xô vào rồi lại trào ra như rồng phun nước trắng xóa. Hốc đá này rất lớn, bạn có thể xuống tận nơi hoặc đi ngay phía trên chúng, giống như đi qua một chiếc cầu mà nước biển tung bọt trắng xóa phía dưới. Gần như chưa có bất kỳ tác động nào của bàn tay con người tới thắng cảnh này, mọi thứ đều nguyên sơ, cả con đường mòn đi tới Mũi Rồng cũng vậy.

Bạn có thể ngồi ngắm cảnh thư giãn trên những tảng đá rất lớn này

Những ngôi nhà của người dân nằm sát mép biển

Một vết cắt của núi đá Mũi Rồng hướng ra biển

Bạn sẽ phải đi qua một khu làng chài của người dân ở thôn Tân Phụng, nơi những mái nhà nằm sát bãi biển với hàng trăm chiếc thuyền neo đậu, cảnh tấp nập xôn xao sau mỗi lần các ngư dân ra khơi trở về. Đàn ông neo thuyền, phụ nữ xếp cá, bán cá tôm hải sản, bà cụ già ngồi hiên nhà nhìn ra biển, lũ trẻ con thì thỏa thích chạy nhảy khắp nơi… khung cảnh miền biển hiện lên rõ nét và chân thực nhất. Men theo con đường nhỏ qua những ngôi nhà, tới rặng dừa vi vút gió, bạn phải leo một chút để lên được trên “lưng” của núi Mũi Rồng, sau đó lại xuống tận bãi đá, nơi những hòn đá lớn xếp lô nhô lúc ẩn lúc hiện mỗi khi sóng xô bờ.

Vẻ bình yên của làng chài với những người dân hiền lành, chân thật và thân thiện

Bạn cũng có thể hòa mình vào cảnh huyên náo của chợ hải sản mỗi khi thuyền về bến

Hàng trăm chiếc thuyền đánh cá của ngư dân, từ thuyền thúng tới thuyền lớn, ra khơi xa neo đậu ở ngay khu vực Mũi Rồng

Cho tới khi tự mình đứng trên ghềnh núi, nhìn về phía biển bao la hay nhìn xuống ngay chân mình mới thấy Mũi Rồng thực sự là một kiệt tác mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất Phù Mỹ. Rừng phi lao, cả những cây dứa dại, từ Mũi Rồng có thể nhìn thấy đảo Hòn Tranh ngay gần bờ, và nếu có dịp bạn cũng nên thử đi thuyền của người dân ra đây để cảm nhận cuộc sống hoang sơ tự nhiên. Nếu muốn khám phá nhiều hơn, nhấn ga thêm chút nữa, bạn sẽ tới ngọn hải đăng Hòn Nước. Ngọn hải đăng được xây dựng từ thời Pháp trên hòn núi nhô ra biển với cảnh sắc vô cùng đẹp mắt và hùng vĩ.

Bài Trần Giáp Ảnh Trần Giáp

Nguồn Đẹp: https://dep.com.vn/den-quy-nhon-kham-pha-ky-quan-da-mui-rong-doc-nhat-vo-nhi/