Đến 'Sắc mộc' nghe gỗ kể chuyện ngày xưa

Không gian triển lãm chuyên đề Sắc mộc – Nghệ thuật điêu khắc gỗ triều Nguyễn, trưng bày 150 hiện vật là những tác phẩm mỹ thuật ứng dụng trên chất liệu gỗ.

Bảo tàng Lịch sử TP.HCM (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P.Bến Nghé Q.1) tổ chức trưng bày chuyên đề “Sắc mộc – Nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Nguyễn”.

Bảo tàng Lịch sử TP.HCM (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P.Bến Nghé Q.1) tổ chức trưng bày chuyên đề “Sắc mộc – Nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Nguyễn”.

Điểm nhấn trung tâm phòng trưng bày là chiếc kiệu Long Đình sơn son thếp vàng, chạm khắc rồng – phượng hoa văn cầu kì.

Đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham quan bảo tàng lịch sử TP.HCM.

Nằm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên, bảo tàng là nơi bảo tồn và trưng bày hàng chục ngàn hiện vật quý được sưu tầm trong và ngoài nước.

Triển lãm “Sắc mộc” gồm 150 hiện vật là các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng trên chất liệu gỗ - thể hiện nét tài hoa và tư duy thẩm mỹ tinh tế của nghệ nhân Việt Nam dưới triều Nguyễn.

Nơi đây quy tụ rất nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ quý hiếm và vô cùng độc đáo, từ các bộ tượng gỗ, bao lam chạm trổ công phu, hoành phi, câu liễn sơn son thếp vàng cho đến bộ bàn ghế khảm xà cừ ngũ sắc, chiếc trường kỷ, án thư, hộp đựng sắc phong, tượng phù điêu, linh vật v.v.. đều được tạo tác tỉ mỉ, tinh xảo.

Nghệ thuật điêu khắc tượng thờ trong ngôi chùa cổ Nam Bộ với các pho tượng: Thích Ca sơ sinh, Giám Trai, Già Lam, Tiêu Diện Đại Sĩ... có tạo hình mang đậm chất dân gian miền Nam.

Chân dung tượng Giám Trai (vị thần trông nom việc ăn uống, thường được thờ tại trai đường, nhà trù) với nét mặt biểu cảm, sinh động.

Các hiện vật được sắp xếp thành các câu chuyện gắn với 4 chủ đề chính: Nghệ thuật điêu khắc tượng thờ trong ngôi chùa cổ Nam Bộ; Không gian thờ cúng trong ngôi nhà cổ dân gian truyền thống; Không gian tiếp khách trong ngôi nhà cổ dân gian truyền thống; Các hiện vật gắn với triết lý, châm ngôn về giáo dục, bồi dưỡng người hiền.

Các hiện vật trưng bày gồm: tượng Phật, mõ, chân chò…

Từ trái qua gồm: tượng Đấu Chiến Thắng Phật, Quan Âm Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát và tượng 1 vị quan triều Nguyễn, tất cả đều được chế tác vào Thế kỷ XIX.

Không gian thờ cúng trong ngôi nhà cổ dân gian với các hiện vật: Ban thờ, các bộ bao lam được chạm trổ những đề tài phản ánh cảnh sắc trong tự nhiên (sóc giác, hoa điểu...) cùng hệ thống hoành phi, liễn đối chữ Nôm có nội dung khuyên răn con cháu ghi nhớ công lao tổ tiên.

Bên trên bộ bàn ghế là chiếc Bao lam được chạm khắc vô cùng tinh xảo, cầu kì.

Không gian tiếp khách trong ngôi nhà cổ dân gian truyền thống với điểm nhấn là chiếc trấn phong cùng bộ bàn ghế khảm xà cừ, cẩn đá tạo nên vẻ đẹp sang trọng, quý phái.

"Quý phi sàng" - Giường của quý phi, một phần trong bộ sưu tập của cụ Vương Hồng Sển cũng xuất hiện trong chuyên đề này. Đây từng là vật sở hữu của Bảy Viễn (Thủ lĩnh Bình Xuyên) được cụ Vương mua lại.

Các vật dụng trang trí mang tính giáo dục, cổ vũ tinh thần khuyến học cho con cháu.

Không gian thư phòng hay phòng khách gồm các hiện vật gắn với triết lý, châm ngôn về giáo dục, bồi dưỡng người hiền được thể hiện qua đề tài trang trí trên các hiện vật như hoành phi, liễn đối, tranh thư pháp, án thư…

Từ những khối gỗ tưởng chừng như vô tri, ông cha ta đã thổi vào đó cái hồn cốt vô cùng ấn tượng khiến người xem như chạm về quá khứ vàng son thuở nào, ông Hiệu trầm trồ nói.

Ông Phùng Khắc Hiệu, làm nghề tạc tượng tại xưởng điêu khắc Q.6 chia sẻ: "Tôi đến đây như để thả hồn vào thế giới của gỗ, được tận mắt chiêm ngưỡng nghệ thuật điêu khắc thời nhà Nguyễn vô cùng độc đáo bởi nét tinh xảo, cầu kì".

Vật dụng mộc mạc sử dụng thường ngày cũng được người xưa tạo tác công phu.

Thước thợ may (bên trái) và thước Lỗ Ban cẩn ốc xà cừ.

Ngoài ra, chuyên đề còn có các nhóm hiện vật gỗ đặc sắc như: mộc bản; hiện vật dùng trong thờ cúng hiện vật dùng trong trang trí; đồ dùng trong sinh hoạt như giỏ, gối, bình điếu, thước thợ may, thước Lỗ Ban thể hiện kỹ thuật chế tác đa đạng, tạo nên nét riêng cho nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Nguyễn.

Vào thời nhà Nguyễn, nhu cầu đáp ứng cho việc xây dựng hệ thống kiến trúc cung điện, phục dựng các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, bài trí trong cung đình, đồ gia dụng gia tăng... đã tạo điều kiện cho nghề điêu khắc gỗ phát triển mạnh.

Thời kỳ này, Huế giữ vị thế là đầu tàu của nền nghệ thuật dân tộc, cả nghệ thuật cung đình cao sang quý phái và nghệ thuật dân gian sinh động, phong phú.

Qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xưa đã tạo nên vào những tác phẩm điêu khắc vô cùng độc đáo.

Sự kết hợp hài hòa giữa mỹ thuật cung đình, mỹ thuật dân gian và tiếp thu mỹ thuật phương Tây đã tạo nên một nét riêng cho nghệ thuật điêu khắc gỗ thời kỳ này.

Anh Trương Bảo Toàn ở Bình Chánh vui vẻ cho hay: "Cuối tuần mấy đứa nhỏ vừa thi xong, tôi cho các cháu đến Thảo Cầm Viên vui chơi, sẳn dịp ghé tham quan bảo tàng.

Đúng là đi một ngày đàng học sàng khôn, vì các cháu được nhìn ngắm, tìm hiểu trực quan và thực tế hơn các hình ảnh khô khan thiếu sinh động từ sách giáo khoa. Ban đầu tôi chỉ định đưa các con vào xem cho biết, không ngờ các cháu đều thích và ở mãi trong này suốt từ sáng đến giờ xem mãi không chán.

Điểm khá hay là mình có thể dùng smartphone quét mã QR Code để truy cập thông tin hiện vật trưng bày, từ đó có thể thuyết minh cho mấy đứa nhỏ hiểu; qua đó, mình cũng biết thêm nhiều thông tin lí thú và bổ ích nữa".

Đặc biệt dịp này, không gian triển lãm còn trưng bày “Mộc bản triều Nguyễn”, đây là di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam do UNESCO công nhận ngày 31/7/2009.

Mộc bản chữ Hán Nôm ghi lại những sự kiện lịch sử và lưu truyền văn hóa truyền thống; không chỉ mang giá trị về mặt kỹ thuật chế tác và mỹ thuật trình bày, mộc bản còn có giá trị về mặt sử liệu.

Triển lãm chuyên đề “Sắc mộc – Nghệ thuật điêu khắc gỗ triều Nguyễn” tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P.Bến Nghé Q.1) diễn ra từ nay đến cuối tháng 6/2023.

Nhạn Dung - Ảnh: Hữu Long

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//giai-tri/den-sac-moc-nghe-go-ke-chuyen-ngay-xua-c3a53114.html